Thứ Hai | 25/08/2014 06:00

Để giá đi lên, vàng cần Trung Quốc và Ấn Độ hơn là nỗi sợ hãi

Một điều mà nhiều người trên thị trường vàng đôi khi quên mất, đó là thị trường vàng vật chất hiện đang chịu sự thống trị của Trung Quốc và Ấn Độ.
Gafin

Mọi người đổ xô mua vàng do lo ngại cơ quan quản lý tiền tệ, chủ yếu tại các nước phát triển, sẽ nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và giá trị đồng nội tệ bằng việc duy trì lãi suất thấp và nới lỏng định lượng.

Nếu những kẻ ky cóp vàng (gold bugs) được chứng minh là đúng, họ sẽ ăn nên làm ra trong khi nhà đầu tư cổ phiếu và các loại tài sản khác phải gánh chịu hậu quả của tình trạng lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế trầm trọng. Và việc này sẽ tiếp tục đúng trong bối cảnh lãi suất thực âm như đang diễn ra tại nhiều nước phương Tây.

Điều này có lẽ sẽ giúp giải thích suy nghĩ đằng sau việc quỹ phòng hộ Paulson & Co vẫn giữ cổ phần trị giá 1,31 tỷ USD tại quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, Quỹ đầu tư tín thác vàng SPDR.

Với giá vàng giao ngay tăng 8,9% trong năm nay, dường như sự đặt cược của tỷ phú John Paulson xem ra không tồi, cho đến khi người ta chỉ ra rằng giá vàng đến nay vẫn thấp hơn 32% so với mức kỷ lục hồi tháng 9/2011.

Mua vàng trên cơ sở lãi suất thực âm cũng là ý tưởng của phương Tây và không cần để ý rằng thị trường vàng vật chất hiện đang chịu sự thống trị của Trung Quốc và Ấn Độ.

Và ở đây là những vấn đề nảy sinh đối với câu chuyện vàng tăng giá với báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy sự sụt giảm đáng kể nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ - 2 nước chiếm đến ½ nhu cầu thị trường.

Nhu cầu vàng của Trung Quốc giảm 52% xuống 192,5 tấn trong quý II/2014 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu của Ấn Độ giảm 39% xuống 204,1 tấn.

WGC chỉ ra rằng quý II/2013 là thời kỳ tăng trưởng mạnh nhưng cho dù như vậy rõ ràng nhu cầu tại Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang giảm và khá mạnh.

Chuyển sang so sánh năm kết thúc vào tháng 6/2014 với năm kết thúc vào tháng 6/2013, kết quả cho thấy nhu cầu vàng của Ấn Độ giảm 28% và nhu cầu của Trung Quốc giảm 12% xuống mức thấp nhất 4 năm.

Trong khi đó, nhu cầu tại Ấn Độ giảm một phần do những hạn chế của chính phủ như thuế nhập khẩu ở mức cao và yêu cầu nhà nhập khẩu vàng phải cung cấp 20% lượng vàng nhập khẩu cho nhà chế tác trang sức để tái xuất, nhưng điều đó không thay đổi được sự thật rằng tiêu dùng vàng của Ấn Độ đang giảm mạnh.

Bù đắp khoảng trống Trung Quốc và Ấn Độ?

Nhu cầu vàng của Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm khiến nhu cầu vàng vật chất mất đi một trụ cột hỗ trợ, điều này có nghĩa rằng để giá vàng có thể tăng bền vững, những lĩnh vực khác phải bù đắp khoảng trống này.

Sức mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn ổn định với 117,8 tấn trong quý II/2014, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm so với 124,3 tấn trong quý I/2014.

Nhu cầu của lĩnh vực công nghệ cũng khá ổn định, nhưng tiêu thụ vàng trang sức giảm mạnh xuống 509,6 tấn trong quý II năm nay, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 12% so với quý I.

Lượng vàng chảy vào quỹ ETF vẫn âm, với 39,9 tấn vàng được bán ra trong quý II, tăng so với 2,6 tấn trong quý I/2014.

Tuy vàng đang hưởng lợi từ lãi suất thực âm và những vấn đề địa chính trị trong thời gian gần đây, song nhà đầu tư cũng có thể cảnh giác với những dấu hiệu cho thấy Fed đã sẵn sàng nâng lãi suất. Việc này sẽ làm tăng giá trị của USD cũng như làm giảm tính hấp dẫn của vàng.

Trong quá trình tiến đến mức giá cao kỷ lục năm 2011, vàng được hỗ trợ bằng 3 trụ cột: sức mua đầu tư do lo sợ về sự mất giá của đồng tiền châu Âu, nhu cầu vật chất của Ấn Độ và Trung Quốc và sức mua của ngân hàng trung ương tại thế giới đang phát triển.

Tuy vậy, giờ đây không 1 yếu tố nào trong 3 yếu tố trên có đóng góp đáng kể, cho thấy cơ hội tăng giá của vàng rất hạn chế.

Trên đây là bài bình luận thể hiện quan điểm của tác giả Clyde Russel, phụ trách chuyên mục của Reuters.

Nguồn Theo DVO/Reuters


Sự kiện