Thứ Hai | 17/09/2012 07:02

Đặt cược giá lên vào hàng hóa nhiều nhất 16 tháng

Đặt cược giá lên vào hàng hóa lên cao nhất 16 tháng khi chuyên gia dự báo giá sẽ còn tăng mạnh nhờ hiệu ứng QE3.
Các nhà giao dịch tăng mua ròng các hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn 0,3% lên 1,3 triệu hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 11/9, cao nhất kể từ tháng 5/2011. Lượng nắm giữ đồng tăng gấp 25 lần lên 17.509 hợp đồng, mạnh nhất từ trước đến nay. Đặt cược vào vàng lên cao nhất kể từ ngày 28/2, trong khi đặt cược bạc tăng tuần thứ 7 liên tiếp.

Chỉ số S&P GSCI đo lường giá 24 mặt hàng tăng 2,6% trong tuần qua, ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp, đợt tăng dài nhất kể từ tháng 10/2010.

Có 20 trong số 24 mặt hàng tăng giá tuần trước. Cà phê arabica tăng giá 11%, mạnh nhất kể từ tháng 6/2006. Khí đốt tự nhiên tăng giá 9,7%, mạnh nhất kể từ tháng 5.

Chỉ số GSCI phục hồi 25% kể từ mức thấp nhất năm nay ghi nhận vào ngày 22/6, đây cũng là lần phục hồi nhanh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chỉ số này tăng tổng cộng 92% từ cuối năm 2008 đến tháng 6/2011 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tung ra hai gói nới lỏng tiền tệ trước đó.
Biến động chỉ số S&P GSCI 5 năm qua (Nguồn: Bloomberg)
Biến động chỉ số S&P GSCI 5 năm qua (Nguồn: Bloomberg)

Lượng đặt cược vào vàng tăng 14% tuần qua lên 165.724 hợp đồng. Giá vàng leo lên mốc cao nhất 6 tháng ở 1.780,2 USD/oz vào ngày 14/9.

Lượng nắm giữ hợp đồng dầu thô tăng tuần thứ 4 liên tiếp lên 203.324 hợp đồng, đợt tăng dài nhất kể từ tháng 2. Giá dầu thô Mỹ lên trên 100 USD/thùng phiên cuối tuần qua, lần đầu tiên kể từ tháng 5.

Lượng nắm giữ bạch kim tăng cao nhất kể từ tháng 5/2011 lên 24.205  hợp đồng. Giá bạch kim tăng 10 phiên liên tiếp tại New York do cuộc đình công của công nhân mỏ tại Nam Phi vẫn chưa được dập tắt.

Giá hàng hóa được hỗ trợ tăng mạnh tuần qua nhờ việc Fed quyết định tung ra gói nới lỏng tiền tệ lần 3 (QE3) để kích thích kinh tế. Bên cạnh đó, tòa án tối cao Đức cũng tuyên bố ủng hộ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu để giảm nhẹ gánh nặng nợ cho khu vực đồng tiền chung.

Giá hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng mạnh nhờ các biện pháp kích thích kinh tế trên toàn cầu và khả năng có những “cú shock nguồn cung”, Fredrik Nerbrand, chuyên gia tại HSBC nhận định.

QE3 sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu nguyên liệu thô và đẩy giá tăng, chuyên gia nghiên cứu tài chính toàn cầu tại Credit Suisse nhận định. Trong khi các nhà phân tích tại Citigroup cũng cho rằng giá hàng hóa sẽ tăng cho đến quý IV năm nay.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện