Thứ Tư | 22/05/2013 07:45

Đại biểu Trần Du Lịch: Không cần thiết có thương hiệu vàng quốc gia

Theo ông Trần Du Lịch cho rằng, hãy để thị trường tự lựa chọn, Nhà nước quản lý chất lượng chứ không quản thương hiệu.
Không thể quản lý hành chính vàng

Theo Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch, khi tính lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng hiện nay, việc đưa ra quy vốn điều lệ hàng trăm tỷ là không khả thi.

"Việc kinh doanh phân phối vàng miếng có nghề, có mạng lưới, thành ra chúng ta không dùng biện pháp hành chính để quản lý, mà phải khai thông thị trường thì giá cả mới sát thị trường thế giới" - ông nhấn lạnh.

"Những cái chúng ta làm được như mục tiêu Nghị quyết 24 là khá tốt, nhưng cái không tốt là do chúng ta và không cần thiết phải có một thương hiệu vàng quốc gia. Để thị trường tự lựa chọn, Nhà nước quản lý chất lượng, chứ không quản lý thương hiệu" - ông phát biểu.

Đề cập báo cáo kiến nghị cử tri cho rằng không còn lòng tin đối với công tác quản lý thị trường vàng hiện nay, ĐB Trần Du Lịch cho rằng nên đánh giá công bằng hơn, nếu nói mất niềm tin cũng không hẳn như vậy. Vì bên cạnh một số việc làm được thì vẫn có những việc "hơi thái quá".

Ông nhận định: "Mặt được là ngăn chặn việc kinh doanh vàng miếng vô trật tự. Hay ví dụ, chúng ta chống sử dụng vàng làm phương tiện lưu thông thì chúng ta cũng làm được. Bước đầu là được. Nhưng còn vấn đề độc quyền kinh doanh thành ra có những vấn đề như vừa qua, bây giờ phải sửa lại thì chúng ta sẽ đạt mục tiêu thôi".
"Công cụ lãi suất không còn tác dụng"

Đề cập chính sách tín dụng, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, do phục vụ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, từ 2011, chính sách tín dụng đã hạn chế cho vay bất động sản. Tuy nhiên do mục tiêu phục vụ cho lạm phát và nợ xấu làm tín dụng 2012 khó khăn. Cuối năm ngoái đã có những kêu gọi giảm lãi suất cho doanh nghiệp (DN) nhưng giờ này công cụ lãi suất không còn nhiều tác dụng nữa.

"Thực tế có nhiều DN hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 8-9%/năm nhưng lại không có nhu cầu vay, và ở đây thấy rằng DN đã bị yếu đi rất nhiều, không có khả năng hấp thụ vốn nữa.

Để xử lý tình hình hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào chính sách lãi suất thì không đủ. Nếu năm ngoái nói nhiều chính sách tiền tệ thì năm nay dư địa chính sách tiền tệ không còn lớn nữa.

Ông Trần Du Lịch nhận định, muốn vực dậy nền kinh tế, để ngăn chặn tình trạng DN tiếp tục thua lỗ phá sản thì phải nghĩ đến chính sách tài khóa. Đây là một quyết định rất khó. Liệu chúng ta có chấp nhận tăng bội chi hiện nay không? Ví dụ bội chi đủ để các địa phương trả nợ các dự án xây dựng cơ bản đang nợ DN. "Con số theo tôi biết chưa chính thức nhưng lên đến 90 nghìn tỷ hay hơn, nếu xử lý cũng gỡ được một phần dòng vốn tạo lan tỏa…".

Dĩ nhiên biện pháp khó khăn này cần sự giám sát rất chặt chẽ của QH. "Nói khó khăn vì nợ công đã báo động rồi, bội chi đã lớn, nhưng áp dụng biện pháp này là một biện pháp đặc biệt cho năm 2013-2014 để chúng ta cùng với nó xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp".

Mặt khác Chính phủ phải tập trung làm hiệu quả gói giải pháp theo nghị quyết 02 ban hành đã 5 tháng rồi, trong đó có nhiều biện pháp hỗ trợ như tín dụng 30 nghìn tỷ cho phân khúc nhà ở trung bình cho Hà Nội và TPHCM, ở mức dưới 1 tỷ đồng, các địa phương khác dưới 500 triệu, loại này nếu có sản phẩm thì chắc chắn có thị trường.

Gói này ra sẽ hỗ trợ một phần. Chúng ta không hy vọng cứu được thị trường bất động sản, không cứu nhanh được nhưng sẽ có một phân khúc có thể làm ấm được để tạo lan tỏa, để tính toán dài hạn cho năm sau" - ĐB Lịch phân tích.

Nguồn VietNamNet


Sự kiện