Thứ Tư | 22/08/2012 14:40

Đại biểu Quốc Hội: Thanh tra Chính phủ đã "im lặng" trong vụ ông Dương Chí Dũng

Sáng nay, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tại sao khi chưa hoàn thành thanh tra thì lại để ông Dương Chí Dũng được thuyên chuyển công tác.
Trong phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sáng nay (22/8), đại biểu Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi, căn cứ nào mà Thanh tra Chính phủ lại loại bỏ trách nhiệm của các bộ trong sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Thứ hai, trách nhiệm của thanh tra Chính phủ ở đâu trong việc thuyên chuyển ông Dương Chí Dũng - nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines sang làm Cục trưởng Cục Hàng hải trong quá trình thanh tra đơn vị này.

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Tổng thanh tra Chính phủ cho hay, trong việc thực hiện thanh tra các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thì thanh tra chỉ chịu trách nhiệm thanh tra trực tiếp đơn vị đó, còn tại các đơn vị có liên quan thì thanh tra có trách nhiệm kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm.

Cụ thể, tại Vinalines, theo ông Tranh, sau khi kết luận sai phạm của Tổng công ty là do trách nhiệm của Chủ tịch và Tổng giám đốc thì thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị với Chính phủ để đánh giá trách nhiệm của là 3 Bộ có liên quan. Trong đó, kiến nghị Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát lại quy định về đăng ký mua tàu biển; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính xem xét quy định về quản lý vốn, điều động, bổ nhiệm cán bộ các Tập đoàn, Tổng công ty.

Trả lời bổ sung cho câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, Bộ Tài chính đã nhận được kết luận của thanh tra Chính phủ về vụ Vinalines, trong đó nêu rõ tất cả các khuyết điểm, thiếu sót đều thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc các công ty con. Ở đây, Bộ Tài chính chỉ có 2 vấn đề liên quan.

Thứ nhất, thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính đôn đốc thu thuế hơn 8 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp tại 4 đơn vị thành viên Vinalines. Hiện Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục thuế thu hồi đầy đủ nộp vào ngân sách Nhà nước, ông Huệ cho biết.

Thứ hai, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Nội Vụ rà soát lại quy định quản lý vốn và đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của người quản lý vốn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ văn bản quy định về quản lý vốn và trách nhiệm của người quản lý vốn Nhà nước. Việc này đang trong giai đoạn cuối để ban hành.

Theo quy định này, từ nay chỉ có 2 khái nhiệm là Tập đoàn và Tổng công ty, không phân biệt Tổng công ty 91 hay 90, đặc biệt hay không đặc biệt. Cơ quan quản lý toàn diện Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là các Bộ quản lý chuyên ngành, do vậy tới đây Thủ tướng chỉ bổ nhiệm Chủ tịch và Ủy viên hội đồng thành viên của các Tập đoàn, còn Tổng giám đốc thì do các Bộ ngành quản lý giới thiệu để bầu.

Với Bộ Tài chính, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp, phân tích, đánh giá, báo cáo về tình hình tài chính của Tập đoàn và Tổng công ty để trình Chính phủ và Quốc hội, đồng thời tiến hành thanh tra theo yêu cầu và khi có chỉ định.

Ngoài ra, Bộ tài chính cũng có trách nhiệm thẩm tra các dự án sử dụng vốn nước ngoài của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, còn vay trong nước là do chính đơn vị đó và bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành tiêu chí để bổ nhiệm kế toán của Tập đoàn, Tổng công ty để nâng cao trách nhiệm quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước.

Liên quan đến việc tại sao khi chưa hoàn thành thanh tra thì lại cho phép ông Dương Chí Dũng được thuyên chuyển công tác, Tổng thanh tra Chính phủ giải trình, ông Dương Chí Dũng khi đó là Chủ tịch Hội đồng Thành viên - do Thủ tướng chính thức bổ nhiệm.

Trong quá trình thuyên chuyển, chưa phát hiện ông Dũng vi phạm việc quản lý tài chính, vốn tại tổng công ty, cơ quan kiến nghị thuyên chuyển (Bộ Giao thông vận tải) cũng không có tham khảo ý kiến của thanh tra.

"Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền quản lý cán bộ và không được tham khảo ý kiến, nên không thể cản trở việc điều động, thuyên chuyển cán bộ khi chưa phát hiện có sai phạm", ông Tranh nói.

Tuy nhiên, trước câu trả lời này, đại biểu Lê Thị Nga không hài lòng và đã có ý kiến lại.

"Trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, trong kỳ họp Quốc Hội vừa qua Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng đã nhận trách nhiệm, song Bộ trưởng trả lời là trong quá trình bổ nhiệm không nhận được trao đổi thông tin từ thanh tra Chính phủ, nay thanh tra Chính phủ lại bảo không nhận nhận được kiến nghị từ cơ quan bổ nhiệm. Mâu thuẫn này có nghĩa thế nào?", bà Nga chất vấn.

Theo quy định của Luật thanh tra, trách nhiệm của thanh tra ở đây là đã im lặng, không thực hiện quyền kiến nghị theo quy định pháp luật, vị đại biểu này cho biết.

Nguồn Báo Khám phá


Sự kiện