Cước taxi sắp tăng 1.000 đồng/km sau khi giá xăng tăng kỷ lục
Trao đổi với PV VnMedia về tác động tăng giá xăng dầu vừa qua, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện các doanh nghiệp taxi là một trong những đơn vị đang sử dụng mặt hàng xăng dầu nhiều nhất. Bởi vậy, mỗi lần điều chỉnh tăng giá nguyên liệu này đều khiến các đơn vị lo lắng, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp taxi, đặc biệt là các nhân viên lái xe.
Theo ông Bình, sau mỗi lần Bộ Tài chính quyết định cho điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu, các đơn vị không thể lập tức tăng hoặc giảm giá theo. Nguyên nhân, mỗi lần thay đổi giá cước các doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian làm thủ tục liên quan đến việc thay đổi giá cước đồng hồ, làm hồ sơ đăng ký thay đổi giá cước, sau đó phải tập kết xe về biến bãi để điều chỉnh giá cước, in lại biểu giá niêm yết…
Mặc dù việc thay đổi giá cước taxi mất rất nhiều thời gian và thủ tục như vậy, nhưng theo ông Bình, sau nhiều lần điều chỉnh giá xăng dầu thì lần tăng mạnh vào tối ngày 7/7 vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp phải lên phương án tăng giá cước taxi.
Theo lý giải của ông Bình, với việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian vừa qua, đã khiến doanh thu hàng tháng của các lái xe bị tụt giảm đáng kể. Ước tính mỗi lái xe sẽ mất thêm khoảng 700 nghìn đồng tiền/tháng. Đây là khoản tiền lớn so với thu nhập của tài xế.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Bình nói, kể từ ngày 21/2/2014 đến nay giá xăng đã thêm khoảng 1.200 đồng/lít. Như vậy, với một người lái xe đi trung bình 200 cây/ngày sẽ mất 20 lít xăng, tương đương mất 24 nghìn đồng/ngày và một tháng mất khoảng 700 nghìn đồng/ngày.
Giá cước taxi sẽ được điều chỉnh
Lâu nay, giá cước taxi luôn được xem là một mặt hàng dễ bị chịu tác động điều chỉnh giá, mỗi khi có quyết định tăng giá xăng dầu. Chính vì vậy, sau nhiều tháng giữ giá, giá cước taxi hiện đang được các doanh nghiệp lên phương án áp dụng biểu giá mới.
Theo anh Phương, lái xe taxi Mai Linh tại Hà Nội, lâu nay, tiền xăng xe luôn được các hãng taxi khấu trừ trực tiếp vào tiền nộp hàng ngày của lái xe hoặc tính lại tỷ lệ ăn chia giữa tài xế và hãng. Chính vì vậy, việc giá xăng dầu tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến hầu bao của các doanh nghiệp, mà còn tác động trực tiếp đến túi tiền của những người lái xe.
Cũng theo anh Phương, sau nhiều lần bị tác động của việc tăng giá xăng dầu, hiện doanh nghiệp taxi đang phương án tăng giá trong tuần tới.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Bình, sau nhiều lần “kìm nén” tăng giá cước taxi, ngay sau khi giá xăng dầu được quyết định tiếp tục tăng giá hôm 7/7 vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đã kiến nghị xin điều chỉnh tăng, với mức dự kiến trong khoảng từ 500 – 1.000 đồng/km.
Theo chia sẻ của ông Bình, mức tăng giá này có thể được áp dụng trong vòng từ 7 – 10 ngày tới đây, sau khi các đơn vị hoàn thành việc xin thủ tục, đăng ký, in biểu giá mới.
Cũng theo thông tin của Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, hiện nay, giá cước taxi tại Hà Nội đang được xem là rẻ nhất, với mức trung bình là 12 nghìn đồng/km. Trong khi đó, Đà Nẵng trung bình là 14 nghìn đồng/km và TP.HCM là 15 nghìn đồng/km.
Trước đó, vào lúc 20h ngày 7/7 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã chính thức cho phép các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ tối đa đối với xăng RON 92 thêm 418 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S là 294 đồng/lít; dầu hỏa là 413 đồng/lít; dầu madút là 137 đồng/kg.
Với mức điều chỉnh này, giá xăng A92 đã lên 25.640 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến này đối với mặt hàng này. Như vậy, với quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu tối qua, đây là lần thứ hai giá xăng dầu tăng kể từ ngày 23/6/2014, trong đó tổng mức tăng giá xăng của hai đợt là 740 đồng/lít.
Theo thống kê, kể từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, với 5 lần tăng và 5 lần giảm giá. Trong đó, tổng cộng 5 lần tăng giá là 1.440 đồng/lít xăng. Còn các lần giảm giá chủ yếu ở mặt hàng dầu Diesel, với mức độ chỉ từ 100 đồng - 150 đồng/lít.
Lý giải về những lần điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua tại cuộc họp báo định kỳ quý 2/2014 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu là do giá mặt hàng này trên thế giới liên tục biến động phức tạp và theo chiều hướng tăng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng thế giới từ ngày 5/6 đến ngày 6/7 đã tăng từ 116 USD/thùng lên 126 USD/thùng và biến động khó lường. Có lúc giá xuống 124 USD/thùng nhưng giá xăng tính bình quân theo chu kỳ 30 ngày là 122 USD/thùng.
Cũng theo ông Tuấn, việc điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Tài chính – Công Thương là là thực hiện theo đúng quy định với chu kỳ tính giá cơ sở bình quân 10 ngày và chu kỳ tính lưu thông giá trong 30 ngày. Tính từ đợt điều chỉnh tăng ngày 23/6 đến 7/7 đã hơn 10 ngày theo chu kỳ tính giá.
Ông Tuấn cũng cho biết, trong quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu lần này, Bộ Tài chính đã cân nhắc tới yếu tố thuế “đánh” vào xăng dầu. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh mức thuế sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước, nên cần tính toán kỹ hơn tác động của giải pháp này.
Nguồn VnMedia