Cuộc đua tứ mã của ngành hàng thịt
Thị trường thịt trị giá 18 tỉ USD sẽ tiếp tục phân chia sau khi một số doanh nghiệp Pháp tham gia đầu tư sản xuất thịt sạch tại thị trường Việt Nam vào đầu tháng 9 vừa qua.
Ngành chăn nuôi trong nước đang đạt mức tăng trưởng bình quân 4-5%/năm và có 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt tiêu thụ trong cả nước nhưng vẫn không cung cấp đủ nhu cầu nên thịt nhập khẩu vẫn ngày tăng cao. Năng suất chăn nuôi gia súc trong nước ngày càng giảm, giá thành cao, trong khi thịt nhập khẩu có lợi thế giá thấp hơn 30% so với giá thị trường nên sản lượng thịt nhập khẩu ngày càng lớn. Sản lượng tiêu thụ thịt heo hiện nay bình quân là 33,5 kg/người nhưng đến năm 2020, dự kiến con số này sẽ là 39 kg. Vì thế, thị trường còn tiềm năng rất lớn để khai thác.
Mặc dù vậy, thị trường khổng lồ này chỉ có một vài doanh nghiệp cung cấp thịt sạch như Masan, C.P Việt Nam, Vissan... Người Pháp đã thấy cơ hội này và nhanh chóng có những bước đi cụ thể để giành thị phần. “Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sản xuất heo lớn trên thế giới, mặc dù nhu cầu ngày càng tăng, nhưng năng suất chăn nuôi còn thấp, phải làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhưng phải bảo đảm về an toàn y tế, nguồn gốc minh bạch”, ông Christophe Guillaume, Giám đốc Điều hành của Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Neovia Việt Nam, chia sẻ trên báo chí.
Chính vì thế, 3 doanh nghiệp Pháp đã hợp tác với hộ chăn nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long xây dựng một quy trình sản xuất khép kín 3F (chăn nuôi - feed, trang trại - farm, thực phẩm - food). Trong đó, mỗi doanh nghiệp phụ trách một quy trình. Tập đoàn Grimaud sẽ chọn giống, Công ty Neovia Việt Nam sẽ sản xuất thức ăn chăn nuôi và Công ty Le Boucher sẽ phụ trách chế biến và phân phối sản phẩm. Dự án này có tên là Le Porc du Mékong và hiện đã có 600 nhà chăn nuôi trong nước tham gia vào dự án chăn nuôi của Le Porc du Mékong. Dự kiến, sản phẩm của Le Porc du Mékong sẽ có mặt tại các siêu thị Metro, VinMart, Big C, Auchan, Co.opXtra. Cũng phải nói thêm, chuỗi sản xuất thịt sạch Le Porc du Mékong sẽ không hướng tới phân khúc cao cấp mà bước đầu tập trung vào thị trường khách hàng bình dân. Dự kiến, sản phẩm đầu tiên của dự án này sẽ có mặt trên thị trường vào đầu năm 2017. Như vậy, miếng bánh thị trường hiện chỉ có người Thái, người Việt cạnh tranh sẽ phải chia lại cho cả người Pháp.
Nếu trước đây, C.P Việt Nam và Vissan gần như chiếm lĩnh ngành hàng thịt, thì vài năm trở lại đây, Masan nổi lên là một đối thủ tham vọng nhất. Quyết mua 24,9% cổ phiếu của Vissan vào tháng 6 và nắm giữ 2 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi là Anco và Proconco, Massan cho thấy tham vọng lấn sâu hơn vào ngành thực phẩm và tiến đến mục tiêu chi phối thị trường, hoàn thiện mô hình khép kín 3F. Mãi tới đầu năm 2015, Masan bước chân vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nhưng chỉ sau chưa đầy một năm, Masan Nutri-Science không những trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành, mà còn đóng góp 46% doanh thu của toàn hệ thống Masan, đưa tổng doanh thu của Masan Group tăng vọt lên gần 31.000 tỉ đồng trong năm 2015 và đạt tăng trưởng 18,4% doanh thu trong quý II/2016.
Mối quan hệ với Massan và Satra cũng là một lợi thế cho Vissan trong việc củng cố chuỗi 3F khi thị trường đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Sự có mặt của người Pháp trong lĩnh vực thịt sạch sẽ giúp sự cạnh tranh của thị trường công bằng hơn.
Mảng thịt tươi và thịt chế biến vẫn còn khoảng trống rất lớn khi thị trường miền Bắc và miền Trung không có thương hiệu lớn đủ sức chi phối thị trường. Thực tế, thịt chế biến có thương hiệu chiếm chưa tới 1% thị trường. Hiện Vissan đang cung cấp 3 nhóm sản phẩm bao gồm: thực phẩm tươi sống (thịt heo, bò và các sản phẩm khác); thực phẩm chế biến khô (thịt hộp, lạp xưởng, xúc xích tiệt trùng, chiếm 65% thị phần); thực phẩm chế biến mát-đông lạnh (giò, thịt nguội, chế biến đông lạnh, chiếm 75% thị phần). Đứng đầu thị phần trong mảng xúc xích và thực phẩm chế biến đông lạnh cho thấy năng lực và sức mạnh thương hiệu rất đáng nể của Vissan.
Ngành hàng thịt tại thị trường Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới. Ảnh: Quý Hòa |
Theo kế hoạch đến năm 2018, giai đoạn 2 của dự án “Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan” có quy mô 22,4 ha với vốn xây dựng khoảng 1.000 tỉ đồng dự kiến sẽ hoàn thành, mở rộng ngành hàng thực phẩm cao cấp có giá trị gia tăng cao. Mua cổ phần Vissan, ngành hàng thịt cũng như mảng thực phẩm của Masan có thể tạo nên những đột biến nhất là khi Masan có những lợi thế lớn về năng lực sản xuất, độ phủ phân phối với 240.000 điểm bán lẻ và 2.000 điểm phân phối thức ăn chăn nuôi gia súc. Trong khi đó, mục tiêu của C.P Việt Nam là hoàn thành hơn 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước mang thương hiệu C.P. Fresh Mart và C.P. Kiosk...
Việt Nam nằm trong tốp10 nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo nhất thế giới. Chiếm gần 65% tổng sản lượng tiêu thụ, thịt heo vẫn sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong bữa ăn của người Việt. Sau khi nắm trong tay Vissan, Anco, Proconco, Saigon Nutri Food, Masan Nutri-Science trở thành nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi heo lớn nhất và đối tác chiến lược của công ty chế biến và cung cấp các sản phẩm từ thịt lớn nhất Việt Nam. Trong khi mảng thực phẩm rất mạnh thì ở lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại của Vissan khá nhỏ, mới đáp ứng được 10% nhu cầu thịt heo. Để khắc phục điểm yếu này, vào tháng 7.2016, Masan đã thành lập Masan NutriFarm chế biến thức ăn gia súc và chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn tại Quỳ Hợp, Nghệ An. Nếu xây dựng thành công vùng chăn nuôi riêng, Masan hoàn toàn có thể trở thành đối thủ ngang tầm với C.P Việt Nam.
Không mua được cổ phần của Vissan, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc quay sang liên kết với Satra, công ty mẹ của Vissan. Chỉ nắm giữ 3,8% cổ phần của Vissan, Tập đoàn CJ có lẽ không thể ngồi yên để mất thị trường thịt vốn còn rất nhiều tiềm năng. Theo đó, CJ CheilJedang là công ty con chuyên về thực phẩm của Tập đoàn CJ sẽ hợp tác với Satra phát triển các sản phẩm thực phẩm mới dựa trên những sản phẩm có sẵn của cả hai bên.
Ngoài ra, hai công ty cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất theo mô hình gia công cho các sản phẩm đồ uống của CJ CheilJedang tại Việt Nam. Cùng với sự hợp tác mở rộng chuỗi cung ứng, CJ sẽ hỗ trợ Satra nâng cấp trang thiết bị trong hệ thống bán lẻ, cũng như đẩy mạnh hoạt động marketing. Sau 18 năm hiện diện, CJ đạt tới doanh thu gần 14.000 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 500 tỉ đồng (năm 2015), tăng 26% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình quân mảng thực phẩm của CJ là 86%/năm, cao nhất trong tất cả các mảng kinh doanh ở Việt Nam của CJ. Tập đoàn này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng thực phẩm là 71% năm 2016 và vươn tới mô hình chuỗi thực phẩm khép kín 3F. Theo ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CJ tại Việt Nam, cho biết năm 2016, CJ dự tính chi thêm khoảng 500 triệu USD cho đầu tư vào Việt Nam, tức xấp xỉ tổng vốn đầu tư 5 năm qua của CJ ở Việt Nam.
Với sự tham gia thị trường của doanh nghiệp Pháp và Hàn Quốc, miếng bánh thị phần ngành hàng thịt lại tiếp tục được phân chia và có thể thị trường sẽ tạo ra thế chia 4 cho các doanh nghiệp Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc và Pháp.
Thanh Hương