Cuộc chiến giá dầu: Ai sẽ phải giảm sản lượng?
Câu trả lời có thể được đưa ra bằng lý thuyết trò chơi đơn giản. Tóm lại, ai cũng muốn giành thuận lợi cho mình, bất chấp tình trạng của người kia. Ai cũng chờ đối thủ của mình phải thay đổi chiến lược trước.
Thái độ này – hy vọng một ai đó giảm sản lượng, do vậy, mình không phải làm như thế - là ví dụ điển hình về song đề tù nhân hay còn gọi là thế tiến thoái lưỡng nan của người tù (prisoner’s dilemma), theo Roger McCain, giáo sư tại khoa kinh tế học, Đại học Drexel.
Luật pháp Mỹ cấm các công ty cấu kết với nhau để thao túng giá cả, do vậy, phản ứng có tổ chức của ngành dầu mỏ Mỹ là hoàn toàn không thể, theo các chuyên gia.
Nếu có thời điểm để hợp tác, thì sẽ là bây giờ, nhưng chưa có gì xảy ra cả, Fred Julander, chủ tịch Julander Energy trụ sở tại Denver, cho biết.
Hàng chục công ty quy mô nhỏ của Mỹ có thể đóng cửa tất cả các giếng dầu ngay lập tức mà không tạo ra sự biến động nào. |
Sản lượng dầu Mỹ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong 12 tháng qua, và hiện đạt 9,1 triệu thùng/ngày, theo số liệu của chính phủ Mỹ. Và hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm. Tính đến cuối tháng 11, sản lượng của các công ty dầu mỏ Mỹ tăng 641.000 thùng/ngày so với thời điểm cuối tháng 6/2014.
3 thập kỷ qua, khi giá dầu lên quá cao hoặc xuống quá thấp, Arab Saudi đã điều chỉnh sản lượng để ổn định thị trường. Giờ đây, Vương quốc này cho biết, nhiệm vụ này thuộc về cái gọi là “nhà sản xuất chi phối” (swing producer). Nga, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế một phần do giá dầu tuột dốc, không thể đảm nhiệm vai trò này và các nước sản xuất dầu khác cho rằng Mỹ đã gây ra tình trạng này và phải có trách nhiệm giải quyết.
Nhưng đối với Mỹ, việc giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày sẽ cần sự biến đổi to lớn. Nếu việc cắt giảm sản lượng được chia đều, mọi nhà sản xuất sẽ phải giảm 11% sản lượng. Hoặc Exxon Mobil Corp., Chevron Corp., và EOG Resources Inc., đều phải ngừng hoạt động tại Mỹ.
Hàng chục công ty quy mô nhỏ của Mỹ có thể đóng cửa tất cả các giếng dầu ngay lập tức mà không tạo ra sự biến động nào. Nhưng họ sẽ không làm như vậy cho đến khi ngân sách của họ cạn kiệt, Jim Burkhard, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu dầu mỏ toàn cầu tại IHS Corp cho biết.
Một số công ty dầu mỏ Bắc Mỹ cho biết đang có kế hoạch giảm chi phí đầu tư trong năm tới và tạm dừng việc thăm dò giếng dầu mới, nhưng đồng thời, cũng cho biết, sản lượng sẽ vẫn tăng. Continental Resources Inc – nhà sản xuất dầu mỏ quy mô lớn tại North Dakota và Oklahoma - mới đây đã thông báo cắt giảm 41% chi phí đầu tư trong năm tới. Tuy vậy, sản lượng dầu thô và khí đốt hàng năm của hãng sẽ tăng 16-20% trong năm tới.
Nhiều công khác sẽ công bố bố kế hoạch chi tiêu vào năm tới. Chủ tịch kiêm giám đốc đièu hành Pioneer Natural Resources Tim Dove hồi đầu tháng 12 cho biết, công ty chưa đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về kế hoạch sản lượng và chi tiêu của năm 2015 – và có thể phải đến tháng 2/2015 mới công bố. Thay vì tập trung vào giảm sản lượng, Pioneer Resources đang cố gắng giảm chi phí từ các nhà cung cấp.
Việc giảm sản lượng là hành động mạo hiểm đối với các công ty vì việc này có thể khiến họ mất thị phần, chưa kể đến nguồn thu cần thiết để trả nợ và thăm dò các giếng dầu mới. Nếu bây giờ dừng khai thác một số giếng dầu và giãn thợ, các công ty sẽ không thể tăng sản lượng khi giá dầu hồi phục, Daniel Katzenberg, nhà phân tích tại Robert W. Baird & Co, cho biết.
Eric Otto, nhà phân tích tai CLSA Americas LLC, cho biết, các công ty dầu mỏ Mỹ với gánh nặng nợ nần, kế hoạch chi tiêu “ngoại cỡ” và nguồn thanh khoản hạn hẹp đang mắc kẹt trong cuộc chiến sinh tồn.
Và nếu có phải giảm sản lượng, ai cũng muốn mình sẽ là người cuối cùng.
Nguồn DVO/WSJ