Cục Sở hữu trí tuệ vạch rõ Vinacafe Biên Hòa lừa dối
Vinacafe Biên Hòa đang tung ra một clip quảng cáo được chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam, trong đó có lời dẫn "Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản (Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê) ngon nhất Việt Nam"... để khẳng định chỉ có cà phê của mình mới là thật và ngon nhất.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Đất Việt, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, sự thật không phải như vậy.
Tất cả việc quảng cáo 'láo' đã được chỉ rõ qua phân tích của Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và công nghệ).
Không có khái niệm sản phẩm "ngon nhất"
Theo ông Thanh, Quy định chỉ dẫn địa lý được quy định trong pháp luật Việt Nam một cách đầy đủ và cơ bản nhất phù hợp với các quy định của pháp luật, Luật thương mại, WTO, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Theo quy định tại Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể, khoa học.
Khi được bảo hộ rồi thì chỉ những người trong khu vực đó mới được mang tên bảo hộ. Những người ngoài khu vực không được phép gắn tên bảo hộ cho sản phẩm của mình.
Nếu những người ngoài khu vực mà sử dụng tên này là vi phạm pháp luật và vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Những người trong khu vực được bảo hộ mà chưa được phép sử dụng thì cũng không được sử dụng.
Ông Thanh cho biết, trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe đưa ra chỉ có duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 7 vùng còn lại vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn.
Buôn Mê Thuột, cũng phải hiểu rất linh hoạt. Mặc dù mang tên Buôn Mê Thuột nhưng không phải toàn tỉnh được bảo hộ, mà chỉ có những khu vực nào đáp ứng được tiêu chuẩn chung, mang lại được sản phẩm có tính chất đặc thù thì mới được mang cái tên Buôn Mê Thuột. Hơn nữa, sản phẩm phải gắn liền với lịch sử lâu dài chứ không phải sản phẩm trồng hôm nay, ngày mai được mang tên Buôn Mê Thuột.
Một vấn đề nữa là cách dùng từ "ngon nhất" như trong quảng cáo là không ổn. "Trong luật sở hữu trí tuệ không có khái niệm thế nào là "ngon; ngon nhất". Định nghĩa từ "ngon" đã rất khó đánh giá rồi, ngon với tôi nhưng không ngon với người khác, nên rất khó để định nghĩa. Dùng từ ngon, ngon nhất là không đúng với cách dùng từ của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định, chỉ có thể là chất lượng đặc thù, đặc trưng, ông Thanh cho biết thêm.
Vinacafe Biên Hòa đem vùng bảo hộ hồ tiêu đi quảng cáo cà phê
Ông Thanh phân tích, một địa danh có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng nếu một địa danh đăng ký bảo hộ địa lý cho một sản phẩm này mà lại quảng cáo cho một sản phẩm khác là không đúng.
Ví dụ, 8 địa danh mà Vinacafe khẳng định là 8 vùng địa lý có cà phê đặc ngon nhất nhưng chỉ có duy nhất Buôn Mê Thuột đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với sản phẩm cà phê. Chư Sê đăng ký hồ tiêu, Long Khánh là cao su và các sản phẩm công nghiệp...
Việc Vinacafe Biên Hòa sử dụng địa danh đăng ký bảo hộ hồ tiêu, cao su để quảng cáo cho cà phê là không ổn, như vậy là lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Đối với hạt tiêu Chư Sê, để đăng ký bảo hộ UBND tỉnh phải cho phép tổ chức đó đứng ra đăng ký tổng thể cho toàn bộ những người sản xuất, kinh doanh hạt tiêu Chư Sê. Tổ chức này được thành lập hợp pháp và phải đảm bảo được quyền và quyền lợi của những người kinh doanh trong khu vực, lúc đó UBND tỉnh mới cho phép tổ chức đó sử dụng cái tên Chư Sê để đăng ký nhãn hiệu.
Ví dụ, cùng một loại cà phê có thể là cà phê nhân, cà phê tươi.. thì được coi là một loại cà phê. Tuy nhiên, cà phê với hạt tiêu thì lại là hai loại hoàn toàn khác nhau và phải được đăng ký bảo hộ khác nhau.
Nếu Chư Sê chỉ đăng ký hồ tiêu mà Vinacafe lại quảng cáo cà phê cho Chư Sê thì rõ ràng là đã vi phạm quy định của pháp luật (chỉ đăng ký hạt tiêu mà lại sử dụng quảng cáo cà phê), thứ hai, UBND tỉnh chỉ cho phép đăng ký tên Chư Sê bảo hộ cho hạt tiêu thôi chứ không được quyền đăng ký cho sản phẩm khác. Với hai nhận định đó thì rõ ràng Vinacafe Biên Hòa không được làm như vậy. Đó là đánh đồng khái niệm.
Tuy nhiên, việc xác định Vinacafe Biên Hòa vi phạm luật hay không phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định. Trong luật đã quy định rất rõ về dấu hiệu, hành vi và hình thức xử lý.
(Theo Báo Đất Việt)