Thứ Bảy | 21/04/2012 15:13

CSG: Cuộc chiến giữa hai nhóm cổ đông lớn về việc giải thể công ty

"Cuộc chiến" giữa hai nhóm cổ đông lớn trong việc giải thể công ty trở nên hấp dẫn hơn với phần "trả giá" cổ phiếu CSG ngay tại đại hội.
Ngày 21/4, Đại hội cổ đông CTCP Cáp Sài Gòn (mã CSG) diễn ra đầy kịch tính khi đại hội chia làm hai hai nhóm cổ đông, nhóm cổ đông ủng hộ việc giải thể công ty thu hồi tiền mặt chia cho các cổ đông do ông Đỗ Văn Trắc, chủ tịch HĐQT CSG, đại diện 31,14% phần vốn của CTCP Sacom trong CSG đứng đầu.

Nhóm cổ đông muốn tiếp tục duy trì hoạt động của công ty để tiếp tục phát triển do ông Phạm Hồng Sơn, phó chủ tịch HĐQT CSG, nắm giữ 15% cổ phần của CSG đứng đầu. Ông Sơn còn nhận được sự ủng hộ của ông Phạm Ngọc Cầu, tổng giám đốc công ty sở hữu 2,82% số cổ phiếu.

Theo luật doanh nghiệp, để thông qua việc giải thể công ty nhóm cổ đông của ông Trần Văn Trắc phải nhận được trên 75% số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua tại đại hội.

Tài sản ngắn hạn của CSG tính đến ngày 31/12/2011 là 397,4 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 162 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 59,9 tỷ đồng.

Ông Trắc thuyết phục cổ đông: "Nếu phương án giải thể hoặc giảm vốn điều lệ được thông qua, các cổ đông sẽ nhận ngay được ít nhất 10.000 đồng/cổ phiếu ngay lập tức". Ông Trắc cho rằng CSG không còn tiềm năng để phát triển và việc chất dứt hoạt động là việc cần phải làm để đảm bảo cho quyền lợi của các cổ đông

Với các cổ đông mua cổ phiếu CSG với giá 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian gần đây thì đây là phương án mang lại lợi nhuận trước mắt.

Tuy nhiên, với các cổ đông mua cổ phiếu CSG vào thời điểm thị trường định giá 40.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu thì đây là phương án không hợp lý. Một cổ đông cho biết: "Nếu giải thể thì chỉ thu về được trên 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi nếu công ty tiếp tục hoạt động thì sẽ có cơ hội bán được với giá cao hơn".

Ông Phạm Hồng Sơn, phó chủ tịch CSG không đồng ý phương án giải thể của ông Trắc đưa ra và cho biết đã có chiến lược phát triển CSG nhằm biến CSG thành một blue-chip trên thị trường chứng khoán. Theo yêu cầu của các cổ đông, trợ lý của ông Sơn đã trình bày chiến lược phát triển công ty từ đây đến 2017. Trong đó giai đoạn đầu sẽ phát triển ngành cáp điện, thâu tóm các công ty có thị phần cáp điện lớn trên thị trường nhưng đang "đói vốn" bằng nguồn tiền mặt của công ty, giai đoạn thứ hai sẽ đầu tư sang Campuchia trồng cao su và khai thác vàng.

Ông Phạm Hồng Sơn hứa sẽ cung cấp đầy đủ cho các cổ đông toàn bộ các nội dung chiến lược kinh doanh sau đại hội.

Ông Trắc cho rằng kế hoạch ông Sơn là viển vông, không thực tế và tuyên bố sẽ rút vốn khỏi CSG nếu kế hoạch giải thể không được thông qua.

Các cuộc đối đáp qua lại giữa hai vị chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT CSG và phần trả giá công khai ngay tại đại hội trong thời gian chờ đợi kiểm phiếu giữa ông Trắc và ông Sơn đã tạo nên sự hấp dẫn.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết trước đó đã muốn thương lượng để mua lại toàn bộ số cổ phần của CSG do phía Sacom nắm giữ với giá 10.750 đồng/cổ phiếu để nắm quyền kiểm soát công ty. Nhưng tại thời điểm ông Trắc muốn bán (cận Tết Nguyên Đán) thì phía ông Sơn không có ngay số tiền mặt hơn 100 tỷ đồng để trả cho phía ông Trắc trong vòng một tuần lễ. Vào thời điểm ông Sơn huy động được tiền thì phía ông Trắc không muốn bán.

Ông Sơn nói nếu ông Trắc bán thì ông Sơn sẽ mua lại toàn bộ số cổ phiếu của Sacom tại CSG với giá 10.750 đồng/cổ phiếu. Trao đổi với Gafin, ông Trắc nói chỉ đồng ý bán cổ phiếu CSG với giá 14.000 đồng/cổ phiếu.

Phía ông Trắc cũng muốn mua lại số cổ phiếu của ông Sơn và ông Sơn tuyên bố sẵn sàng bán lại với giá 9.000 đồng/cổ phiếu. Theo tìm hiểu của Gafin, giá cổ phiếu CSG mà ông Sơn mua được khoảng 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu.

Trước các cổ đông, ông Sơn cho biết sau khi mua được CSG sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển công ty theo chiến lược đã vạch ra. Còn ông Trắc từ chối cho biết kế hoạch phát triển công ty. Nhiều khả năng, sau khi mua được số cổ phiếu từ phía ông Sơn, ông Trắc sẽ tiến hành giải thể công ty theo đúng mục đích ban đầu.

Trước ngày 10/5, phía Sacom sẽ họp và tuyên bố những vấn đề thuộc về SCG.

Với 64,58% số cổ phần có quyền biểu quyết ủng hộ phương án giải thể, nhóm cổ đông ủng hộ phương án giải thể không tập họp được đủ 75% số phần có quyền biểu quyết để thông qua phương án giải thể công ty theo đề xuất ban đầu.

Đại hội kết thúc với nhiều câu hỏi và vấn đề chưa được giải quyết. "Cuộc chiến" giữa hai nhóm cổ đông sẽ vẫn còn tiếp diễn sau đại hội cho tới khi một trong hai nhóm cổ đông nắm giữ được quyền kiểm soát công ty.

Nguồn DVT


Sự kiện