Cổ phiếu bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thống kê của Công ty Dữ liệu và Phân tích Stoxplus, trong 4 tuần của tháng 11, các mã chứng khoán thuộc ngành địa ốc dẫn đầu lượng giao dịch trên cả hai sàn. HQC, SCR, ITA, FLC chuyển nhượng 76,78-122,89 triệu cổ phiếu. Trong đó, SCR mua bán nhiều nhất sàn HNX với 91 triệu chứng khoán đổi chủ còn FLC có gần 123 triệu đơn vị được sang tay, cao nhất HOSE.
Có 65 cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản niêm yết tại hai sàn chứng khoán, trong đó gần 60% tăng giá so với thời điểm đầu năm. Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu chủ yếu đến từ các mã penny và midcap.
Cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất sàn là API (Công ty Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương) và VPH (Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng) với mức trên 100%. Hồi đầu năm, hai mã này đều có giá dưới 5.000 đồng nhưng khi kết thúc phiên cuối cùng của tháng 11, thị giá API và VPH lần lượt đạt 9.000 đồng và 8.900 đồng.
Một số mã khác cũng tăng trưởng giá còn có KBC (Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc), ITA (Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo) hay HQC (Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân) với tốc độ trên dưới 50%. Đây cũng là những mã thanh khoản cao nhất trong tháng qua khi liên tiếp dẫn đầu hai sàn chứng khoán về khối lượng giao dịch suốt tháng 11, khớp lệnh hàng chục triệu cổ phiếu.
Dù có thanh khoản cao và tăng giá khá nhiều trong 11 tháng qua, cổ phiếu bất động sản được các chuyên gia khuyến cáo tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường địa ốc vẩn còn nhiều khó khăn. Ảnh: H.H |
Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, giá những mã này chỉ bằng một nửa so với cuối tháng 11 vừa qua. Giá cổ phiếu tăng trưởng khả quan cũng là một trong những yếu tố khiến các doanh nhân sở hữu mã này bội thu trong năm qua trên sàn chứng khoán. Điển hình là ông Đặng Thành Tâm khi trị giá tài sản thông qua hai cổ phiếu ITA và KBC tăng hơn 400 tỷ đồng qua 11 tháng.
Tuy nhiên, dù sóng chứng khoán tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu địa ốc trong hai tháng qua, một số ít mã vẫn đi ngược xu thế khi thị giá bốc hơi 10-50%. Dẫn đầu số này là cổ phiếu PVR của Công ty Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam khi mất 50,7% giá. So với các cổ phiếu khác, khối lượng giao dịch của PVR hầu hết đạt vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu mỗi phiên, tập trung chính vào cuối tháng 11.
Các cổ phiếu vốn có thanh khoản cao trên sàn như SCR (Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal), FLC (Tập đoàn FLC) cũng có giá giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong phiên cuối cùng của tháng 11, SCR có giá 6.900 đồng một cổ phiếu, thấp hơn 5,2% so với thời điểm đầu năm. Còn FLC cũng hạ từ 7.300 đồng xuống 7.200 đồng một cổ phiếu.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc khối Phân tích của công ty Chứng khoán Saigon Bank Berjaya, Nguyễn Thụy Hoàng Phương cho biết: "Từ đầu năm đến nay, nhất là tháng 10 và 11, thị trường nóng lên với penny và midcap ngành địa ốc. Nhiều nhà đầu tư đã lãi lớn từ cơn sóng này nhưng cơ hội và rủi ro là ngang nhau".
Bà Phương lý giải, sở dĩ đa số cổ phiếu bất động sản trên thị trường có xu hướng tăng giá và mua bán sôi động vì các mã này đang rẻ hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản khủng hoảng quá lâu đã dìm cổ phiếu ngành này xuống mức giá thấp. Làn sóng gom cổ phiếu địa ốc bắt nguồn từ kỳ vọng phục hồi của các mã penny và midcap này.
Tuy nhiên, theo bà Phương rủi ro khi đầu tư cổ phiếu địa ốc cũng không hề nhỏ. Khá nhiều cổ phiếu nhóm này giao dịch sôi động, tăng giá mạnh nhưng kết quả kinh doanh và chỉ số tài chính của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Hiện nay hầu hết các chủ đầu tư bất động sản đều đang đối mặt với hàng loạt bài toán khó: tồn kho, nợ đọng, thiếu vốn, dự án dở dang.
Chuyên gia này cho hay, rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư chứng khoán là doanh nghiệp bị phá sản hoặc phải đối mặt với khả năng bị hủy niêm yết. "So với các ngành sản xuất kinh doanh khác, báo cáo tài chính và thông tin của các công ty bất động sản thường bị đánh giá có độ minh bạch không cao. Đây là một trong những ẩn số mà nhà đầu tư phải cân nhắc", bà nói.
Giám đốc một công ty chứng khoán có thâm niên gần 10 năm trong lĩnh vực đầu tư tài chính cho biết, giá và thanh khoản của cổ phiếu địa ốc chưa phản ánh hết tình hình khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam. Trên thực tế sự tương tác giữa kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán cũng chưa nhiều. Đôi khi các đội lái đánh lên, đánh xuống, lướt sóng mã này mã kia chỉ là câu chuyện đầu cơ thuần túy. "Thanh khoản trên thị trường chứng khoán chịu sự ảnh hưởng từ những nhóm "cá mập" chứ không liên quan nhiều đến việc thị trường địa ốc tốt xấu ra sao. Nếu dòng tiền bất ngờ rút khỏi thị trường, nhà đầu tư cổ phiếu địa ốc có thể đứng trước canh bạc lớn ", vị này cho hay.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, cổ phiếu địa ốc có lượng giao dịch tăng đột biến và cải thiện về giá là do sự kỳ vọng bất động sản phục hồi đang đến sớm hơn các dấu hiệu. Theo chuyên gia này, ngày phục hồi của thị trường bất động sản hãy còn xa. Ông Hiển đánh giá, số lượng doanh nghiệp bất động sản khó khăn vẫn rất lớn và thanh khoản của thị trường địa ốc vẫn còn quá thấp, chưa thấm vào đâu so với lượng hàng tồn kho ngất ngưỡng. "Sự kỳ vọng này đang vượt quá khả khả năng phục hồi của thị trường bất động sản và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy nên cần phải thận trọng khi đầu tư cổ phiếu địa ốc giai đoạn này" , ông nói.
Nguồn Vnexpress.net