Cổ đông Vinamilk lo ngại nới room 100% sẽ bị nước ngoài thâu tóm
Sáng nay (21/5), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Đại hội thông qua tất cả các nội dung tờ trình.
Tại Đại hội, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, thông báo tin vui cho cổ đông, nhất là đối với cổ đông nước ngoài, thời gian qua, căn cứ vào quy định pháp luật, VNM đã điều chỉnh xong ngành nghề kinh doanh và không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Sau Đại hội, HĐQT sẽ thực hiện thủ tục và thông báo cho cổ đông sau khi hoàn tất.
Trong phiên thảo luận tại Đại hội, một cổ đông cho rằng việc nới room 100% sẽ dễ bị nước ngoài thâu tóm và băn khoăn trước việc có nên nới room hay không. Tuy nhiên, một cổ đông nước ngoài trấn an rằng nới room giúp cổ đông hiện tại có cơ hội nhận giá trị cao nhất từ cổ phiếu chứ không nên lo ngại việc bị thâu tóm.
Trả lời cổ đông về vấn đề nới room, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho rằng việc lo ngại nước ngoài thâu tóm hay bảo vệ thương hiệu của Vinamilk ai cũng trăn trở. Vinamilk đã xây dựng thương hiệu trong 40 năm. "Nước ngoài có vào mua cũng vì thương hiệu, họ không thể bỏ thương hiệu VNM được bởi giá trị thương hiệu hiện lên tới trên 7 tỷ USD", bà Liên nói. Do đó, không ai mua Vinamilk để xóa thương hiệu và đưa thương hiệu khác vào, trong khi Vinamilk đang là thương hiệu sữa số 1 Việt Nam. Theo bà Liên, Vinamilk cũng muốn trở thành tập đoàn đa quốc gia.
Bà Liên cũng cho biết việc thoái vốn của SCIC là quyền của SCIC, hiện HĐQT không biết về vấn đề này.
Nói thêm về vấn đề này, bà Tâm cho biết, việc nới room là chủ trương lớn của Chính phủ và cũng đã công bố 12 doanh nghiệp thoái vốn. Tuy nhiên, không phải nhà nước thoái vốn là từ bỏ doanh nghiệp và mất thương hiệu.
Về kế hoạch doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017, bà Liên cho biết thời điểm năm 2011 đưa ra chưa tính tăng trưởng bình quân trong ngành. Tuy nhiên hiện tại Công ty đang cố gắng hết sức để lấy thị phần của đối thủ cạnh tranh để tăng trưởng và đạt kế hoạch kinh doanh.
Riêng kế hoạch doanh thu năm nay tăng trưởng thấp, theo bà Liên, kế hoạch này được đưa ra dựa trên tăng trưởng ngành vào khoảng 7 - 9%. "Chúng tôi đưa ra mức tăng 11%, nghĩa là tăng trưởng cao hơn bình quân tăng trưởng ngành, để làm được điều này chúng ta phải lấy thị phần. HĐQT cam kết đạt và vượt kế hoạch kinh doanh", bà Liên nói.
Về tác động của TPP, bà Liên coi đây vừa là cơ hội vừa là áp lực. Với thuế suất bằng 0, sản phẩm ngoại sẽ tràn vào, vấn đề là doanh nghiệp nội có đủ sức đề kháng. Bà Liên cho rằng vấn đề cần lo ngại nằm phía nông dân. Hiện giá thành sản phẩm sữa trang trại 30-40 cent, tương đối bằng thế giới, nhưng giá thế giới được trợ giá. Trong khi đó, sữa của nông dân thế giới phải chịu mức thu mua thấp, tuy nhiên Vinamilk vẫn thu mua nông dân Việt mức cao để hỗ trợ nông dân Việt. Mặc dù vậy, kế hoạch 3 năm tới khi TPP thành hiện thực, giá nông dân với thế giới phải ngang bằng mới trụ được.
Cổ tức "khủng" 60% cho năm 2015
Năm 2015, Vinamilk đạt tổng doanh thu hơn 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.770 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 28% so với năm 2014. Kết quả này hoàn thành tương ứng 5% và 14% so với đề hoạch đề ra.
Hội đồng quản trị Vinamilk trình Đại hội kế hoạch chi trả cổ tức cho năm 2015 với tỷ lệ 60% bằng tiền, tăng so với kế hoạch cổ tức 50% đã được ĐHCĐ thường niên 2015 thông qua vào năm ngoái. Trong đó, Vinamilk tạm ứng cổ tức 40% trong năm 2015 và dự kiến chi 2.400 tỷ đồng để thanh toán 20% còn lại trong tháng 6 năm nay. Như vậy tổng số tiền Vinamilk dự kiến chi cổ tức năm 2015 lên tới 6.400 tỷ đồng.
Về kế hoạch cổ tức năm 2016, Vinamilk trình Đại hội thông qua mức cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế, chia làm hai đợt. Đợt một dự kiến chi tạm ứng 40% vào tháng 8-9/2016. Đợt chi trả cổ tức thứ hai dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2017.
Kế hoạch năm 2016, Vinamilk đặt chỉ tiêu doanh thu 44.560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.266 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 6% so với kết quả đạt được năm ngoái.
Phát hành 9,4 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên
Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, Vinamilk cũng trình kế hoạch phát hành và niêm yết cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 5:1. Số lượng cổ phần phát hành thêm không quá 241,9 triệu cổ phần.
Ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng sẽ trong quý III/2016. Nguồn vốn thực hiện sẽ được trích từ quỹ đầu tư phát triển, nếu không đủ sẽ tiếp tục trích thêm từ lợi nhuận chưa phân phối (2.990 tỷ đồng).
Đối với người lao động, công ty sẽ phát hành 9,4 triệu cổ phần theo chương trình ESOP với mục đích phát hành và bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho nhân viên của tập đoàn, mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần.
Đại diện của Vinamilk cũng cho biết, cổ đông lớn nhất hiện tại là SCIC ủng hộ kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP). Tuy nhiên, SCIC cũng cho biết Vinamilk cần phải đảm bảo quy mô vốn hóa phải tăng trưởng 10% mỗi năm, đảm bảo kế hoạch cổ tức, doanh thu, lợi nhuận hằng năm...
HĐQT cũng trình cổ đông phê duyệt kế hoạch điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư tài sản giai đoạn 2012 – 2016 từ gần 13.000 tỷ đồng theo kế hoạch ban đầu xuống còn 12.500 tỷ đồng. Trong đó, Vinamilk được điều chỉnh tăng còn các đơn vị khác như Lam Sơn milk, Bò sữa Việt Nam và các công ty con – liên kết khác đều điều chỉnh giảm.
Trường Văn