Có đòn bẩy SAM, liệu Mỹ Châu sẽ đạt được tham vọng?
Có một lĩnh vực mà tổng chi tiêu trên phạm vi toàn cầu mỗi năm luôn ở ngưỡng “phi mã”, tăng trưởng trên 2 con số, gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Đó chính là chi tiêu cho dược phẩm. Trong vòng 4 năm nữa, số tiền mà nhân loại chi tiêu cho thuốc men sẽ vượt ngưỡng 1.400 tỉ USD, tức bằng tổng trị giá của lượng tiền mặt USD đang lưu hành hiện nay trên toàn cầu. Một con số khủng khiếp!
Thị trường dược Việt Nam giữ nguyên “độ nóng”, khi liên tục đứng thứ 16/175 nước về tốc độ tăng trưởng mức chi tiêu cho thuốc men. Ma trận ngành dược nội địa đang bị khai thác bởi hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, phân phối sỉ và lẻ. Hoạt động sáp nhập trong ngành dược phẩm cũng diễn ra ngày một sôi động.
Mới đầu năm 2016, làn sóng này được mở màn bằng thương vụ quỹ đầu tư của SAM mua lại chuỗi bán lẻ dược thuộc tốp đầu Việt Nam là Mỹ Châu. Cơ duyên bắt đầu từ 10 năm trước, khi Tổng Giám đốc của quỹ SAM là ông Louis Nguyễn mỗi khi hắt hơi sổ mũi thường nhờ trợ lý mua thuốc kê toa ở Mỹ Châu. Ông thấy ngạc nhiên vì nhà thuốc này có thể xuất trình được hóa đơn đỏ, chứng minh được xuất xứ thuốc cho người mua. Điều này tưởng chừng rất đơn giản ở phương Tây, nơi Louis Nguyễn sinh sống, nhưng lại là sự tiến bộ trong tư duy quản trị của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Cũng thời gian ấy, bà Lê Thị Mỹ Châu, chủ chuỗi bán lẻ thuốc Mỹ Châu có tiếng gần 20 năm, đã từ chối lời mời đầu tư của một số quỹ lớn khác. Bà chủ Mỹ Châu lúc này tự tin rằng ngành phân phối dược vẫn đang trong giai đoạn thịnh vượng. Niềm tin của bà đã trở thành hiện thực với số tiệm thuốc Mỹ Châu mở ra, có thời điểm lên đến 20 cửa hàng. Các chuyên gia ngành dược định giá sơ bộ chi phí mà “người đàn bà đẹp” này đầu tư cho mỗi cửa hàng là vào khoảng 5-7 tỉ đồng.
Và phải đợi một thập niên trôi qua, cơ duyên giữa SAM và Mỹ Châu mới xảy đến. Lúc này, bà chủ Mỹ Châu và doanh nhân Việt kiều Mỹ Louis Nguyễn mới thật sự biết nhau. Sau gần 3 năm yên ắng và gần như không giải ngân vào bất kỳ dự án nào đáng kể, ngoài thương vụ mua lại toàn bộ cổ phần Công ty Heritage Beverage, đơn vị độc quyền nhập khẩu Bia Sài Gòn vào khu vực Bắc Mỹ, đầu năm 2016, SAM đột ngột thông báo đầu tư 15% cổ phần vào chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu, lúc này vừa tròn 30 năm tuổi. Quỹ SAM được thành lập năm 2007, hiện có văn phòng giao dịch tại TP.HCM và Los Angeles (Mỹ). SAM quản lý đầu tư hai quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) và Vietnam Property Holding (VPH). Từ năm 2007, hai quỹ này đã đầu tư hơn 250 triệu USD vào hơn 45 công ty và các dự án tại Việt Nam.
Lý do nào khiến một quỹ đầu tư từ lâu chỉ “chấm” những dự án liên quan đến lĩnh vực bất động sản và các công ty trên sàn niêm yết, bỗng đầu tư vào một doanh nghiệp tư nhân? Liệu đây có phải là xu hướng đầu tư mà các nhà quản lý quỹ đang hướng đến, sau hàng loạt thương vụ thành công của Thế Giới Di Động, Golden Gate hay VNG với khoản lợi nhuận mang về khả quan.
Gần đây, thị trường dược đang râm ran câu chuyện chuỗi bán lẻ thuốc quốc tế tại Việt Nam là Pharmacity đã có kế hoạch hành động chi tiết trong vòng 5 năm tới, nhằm mở rộng quy mô lên 500 cửa hàng. Trong báo cáo mới nhất năm 2015 của National Community Pharmacists Association (NCPA), tổ chức này khẳng định giới đầu tư toàn cầu không nên bỏ qua và phải tập làm quen với khái niệm “nền kinh tế dược phẩm độc lập” trong thế kỷ này, tức là ngành dược phẩm sẽ phát triển, tăng trưởng mạnh một cách độc lập, bất kể những diễn biến trái chiều của nền kinh tế toàn cầu.
Lập luận này có cơ sở, nếu xem xét báo cáo tài chính những năm gần đây của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, phân phối dược như Novartis, Roche, AmerisourceBergen, Cardinal Health, Inc hay McKesson. Điển hình là tập đoàn phân phối lẻ dược phẩm số 1 thế giới Walgreens Boots Alliance (WBA) luôn được Moody’s xếp hạng ổn định BAA2 trong những năm qua, với giá trị vốn hóa 90,5 tỉ USD và lợi nhuận thuần đạt ngưỡng 27,4%.
Tại Việt Nam, dược phẩm vẫn là “mỏ vàng” khi thế trận tập trung chủ yếu trong tay nhà phân phối nội địa (do luật quy định khối ngoại chưa được trực tiếp phân phối). Mỗi năm, người Việt bỏ ra trên dưới 2 tỉ USD để nhập khẩu chính ngạch các loại thuốc, chưa tính các con đường nhập khẩu không chính thức. Trên thế giới, những tập đoàn như WBA nhiều năm liền đạt lợi nhuận ròng sau thuế 4-5%. Đối với ngành phân phối bán lẻ dược phẩm Việt Nam, tỉ lệ này được nhận định là thường cao gấp đôi. Khi ngành phân phối dược thế giới bắt đầu dần thu hẹp biên độ lợi nhuận thì ở Việt Nam, con số này vẫn luôn duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư như SAM.
Tăng trưởng tổng giá trị tiêu thụ thuốc và chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm |
Những nhà điều hành các quỹ đầu tư tại Việt Nam, sau chu kỳ đầu tư thế hệ đầu thành công, đang phải chịu áp lực tìm những doanh nghiệp tốt, hoạt động trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng để tiếp tục giải ngân. Và ngành phân phối dược là một trong số đó.
Theo Tiến sĩ Dược sĩ Nguyễn Vũ Thuỳ Anh, CEO chuỗi Nhà Thuốc Khoẻ, chi phí bình quân đầu tư xây dựng một cửa hàng thuốc dao động từ 1-3 tỉ đồng và có thời gian hoàn vốn trung bình khoảng dưới 3 năm (các chi phí gồm tiền thuê mặt bằng, cơ sở vật chất, đào tạo nhân viên và chi phí mua hàng). Thời gian hoàn vốn tương đối nhanh chính là cơ sở để các nhà đàu tư mở rộng hệ thống liên tục trên thị trường phân phối dược phẩm lẻ hiện nay.
Với khối ngoại, trước khi Guardian đổ bộ với hơn 30 của hàng thì các ông lớn khác như Mercury (Phillipines) hay Matsumoto Kiyoshi (Nhật) cũng đã tiến vào thị trường Việt Nam. Ở khối nội, ngoài Mỹ Châu, V-Phano Pharmacy (10 cửa hàng), Eco (10 cửa hàng), Minh Châu (8 cửa hàng) cũng có sự gia tăng không ngừng về quy mô hệ thống. Áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn chuyên về chuỗi nhà thuốc lại đang cận kề, khi quy định về hạn chế doanh nghiệp nước ngoài phân phối bán lẻ dược phẩm có nhiều khả năng sắp được bãi bỏ.
So với các thương hiệu phân phối dược nội địa khác, tỉ lệ dược sĩ hiện tại của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu là 100% với thu nhập trung bình cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Trả lời NCĐT, bà chủ Mỹ Châu vẫn tự tin khẳng định “chúng tôi không có đối thủ” khi được hỏi về định vị thương hiệu trong thế trận cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Tình hình nhập khẩu thuốc của Việt Nam |
Mặc dù không tiết lộ trị giá thương vụ, nhưng theo thỏa thuận, việc hợp tác này nằm trong định hướng mở rộng quy mô hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu. Ông Louis Nguyễn cho biết: “Việc đầu tư nằm trong chiến lược dài hạn của SAM hướng đến hợp tác với các thương hiệu lớn và có uy tín trong thị trường bán lẻ tại Việt Nam”.
Chia sẻ cùng NCĐT, cả đại diện Mỹ Châu và SAM cùng cho biết đôi bên sẽ chia ra 3 giai đoạn để hợp tác. Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành khi đại diện Mỹ Châu khẳng định SAM đã giải ngân toàn bộ tiền mặt của thương vụ. Bước tiếp theo, đáng chú ý nhất, chính là sự thay đổi trong chiến lược phân phối. Đại diện Mỹ Châu tiết lộ, Công ty đang chi mạnh tay cho hoạt động mở rộng hệ thống nhà thuốc trực tuyến và dịch vụ giao thuốc tận nhà. Chi phí này dự kiến chiếm đến 15% tổng chi phí vận hàng trong năm 2016 và tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.
Hướng đi phát triển kênh phân phối trực tuyến trong ngành dược rõ ràng là một tư duy mới. Bà chủ Mỹ Châu khẳng định sẵn sàng đối mặt với cạnh tranh khi công khai giá bán niêm yết trên website. Quan điểm này có vẻ rất giống với tư duy của ông chủ Thế Giới Di Động những năm tháng khởi nghiệp, khi mới bước chân vào lĩnh vực phân phối thiết bị di động tại Việt Nam.
Với xấp xỉ 10.000 chủng loại mặt hàng thuốc, con đường đưa thương mại điện tử vào phân phối thuốc của cặp đôi SAM - Mỹ Châu có lẽ cần nhiều thời gian để chuẩn hóa và áp dụng công nghệ. Mới đây nhất, Mỹ Châu cũng khẳng định đã tìm được công ty cung cấp dịch vụ thuốc đến tận tay từng người dùng. “Chúng tôi sẽ phủ sóng và đáp ứng như cầu của từng cá nhân khách hàng khi mua thuốc chỉ sau một cú điện thoại”, bà chủ chuỗi cửa hàng đang đặt mục tiêu chiếm hơn 50% thị phần thuốc bán lẻ chia sẻ.
Sở hữu 15% cổ phần Mỹ Châu, SAM cũng không bỏ phí thời gian khi đã tiếp cận triệt để nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược, tái cấu trúc bộ máy quản lý, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng, ứng dụng công nghệ hiện đại để gia tăng tính minh bạch trong quản lý kinh doanh. Trong giai đoạn 2, hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu sẽ mở rộng thêm 5-6 cửa hàng mới ở Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội. Chuỗi nhà thuốc cũng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì vị trí thống lĩnh ngành phân phối lẻ dược phẩm trong thời gian tới.
Theo ước tính của một chuyên gia giàu kinh nghiệm hàng đầu ngành dược, SAM sẽ cần huy động không dưới 7 triệu USD để hoàn tất giai đoạn đầu của hợp tác. Điều này chắc chắn cũng sẽ thay da đổi thịt cho Mỹ Châu từ doanh nghiệp gia đình trị trở thành một mô hình hợp tác minh bạch.
“Việc hợp tác chiến lược với SAM sẽ giúp chúng tôi có thêm nguồn lực về tài chính lẫn kỹ năng quản lý nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực về giá cả và tiện ích dành cho người tiêu dùng cả nước, đặc biệt là người có thu nhập thấp có cơ hội được điều trị bệnh tốt nhất mà không phải lo lắng về khoản tiền thuốc khổng lồ không thể kiểm soát”, bà Lê Thị Mỹ Châu nói.
Nguyệt Nguyễn