Thứ Sáu | 10/01/2014 10:12

Chuyện lạ: Viện Kiểm sát không thẩm vấn trong xét xử vụ Huyền Như

Ngày 9/1, hai vị đại diện Viện Kiểm sát đã từ chối không tham gia hỏi bất cứ câu hỏi nào, ngay cả đối với các bị cáo.
Cả ngày 9/1/2014, Hội đồng xét xử dành toàn bộ thời gian cho phần thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư. Tuy nhiên, diễn biến phiên tòa trở nên khác thường, bởi sau khi Hội đồng xét xử mời đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trước tòa theo ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phần thẩm vấn, nhưng hai vị đại diện Viện Kiểm sát đã từ chối không tham gia hỏi bất cứ câu hỏi nào, ngay cả đối với các bị cáo!

Đây là chuyện chưa từng có tiền lệ, bởi lẽ bên cạnh việc thực hiện chức năng buộc tội, đại diện Viện Kiểm sát còn có trách nhiệm phải chứng minh tội phạm thông qua việc tham gia phần xét hỏi công khai tại phiên tòa.

Mọi người tham dự phiên tòa, nhất là các luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo, đương sự hết sức ngạc nhiên trước việc im lặng không tham gia phần thẩm vấn của hai vị đại diện Viện Kiểm sát, trong khi đây là một vụ “đại án” có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án và trách nhiệm của Vietinbank...

Đến lượt các luật sư tham gia phần thẩm vấn, điều bất ngờ lại diễn ra: Trong khi các luật sư đề nghị đại diện Vietinbank trả lời trực tiếp các câu hỏi liên quan thì vị chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu tất cả các luật sư đặt câu hỏi để đại diện Vietinbank nghiên cứu “trả lời một lần”, chứ không theo trình tự hỏi-đáp thông thường.

Trình tự “mới” này khiến các luật sư không thể thực hiện được việc thẩm vấn chéo, đối chất công khai tại phiên tòa, khiến nhiều luật sư hết sức bức xúc.

Mặc dầu vậy, thông qua các câu hỏi đặt ra tại phiên tòa, bên cạnh việc làm rõ hành vi khách quan và nhận thức chủ quan của các bị cáo đối với các tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân tôi cao truy tố các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi liên quan trách nhiệm của Vietinbank trong việc quản lý cán bộ dưới quyền, quản lý tài khoản tiền gửi của khách hàng và trách nhiệm pháp lý trước tài sản của khách hàng gửi vào Vietinbank.

Nhiều vấn đề vướng mắc đã được nêu ra, cụ thể nếu theo cáo trạng và quan điểm của Vietinbank là Huỳnh Thị Huyền Như có hành vi lừa đảo, nên Vietinbank không có thiệt hại và không chịu trách nhiệm dân sự về các khoản thiệt hại của những người bị hại, nhưng các bị cáo là nhân viên thuộc các phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, các chi nhánh khác lại bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” điều 179 Bộ Luật hình sự.

Đây là vấn đề cần được làm sáng tỏ, bởi hành vi của các nhân viên này chỉ có thể gây thiệt hại cho Vietinbank thì mới có thể bị truy cứu trách nhiệm theo điều 179 Bộ Luật hình sự nói trên.

Đó là chưa kể, đại diện Vietinbank cho biết, chỉ khi vụ án khởi tố, thông qua kết quả giám định khoa học kỹ thuật hình sự, thì Vietinbank mới biết Huyền Như làm giả 8 con dấu, giả chữ ký, giả hồ sơ của khách hàng... để vay tiền của Vietinbank, trong khi các nhân viên nói trên chỉ khi khởi tố vụ án và bị can mới biết bị Huyền Như lừa dối thông qua việc làm giả con dấu và chữ ký của khách hàng.

Mặt khác, theo diễn biến thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ và Phòng quản lý rủi ro của Vietinbank Chi nhánh Tp HCM đã cử cán bộ có thẩm quyền tiến hành kiểm tra vào các ngày 8/6/2011 và 1/9/2011 (ngay trước thời điểm khởi tố vụ án) tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, đã kết luận toàn bộ 100% hồ sơ tín dụng, kiểm tra và quản lý tài sản bảo đảm và thế chấp đều bảo đảm đúng quy định và quy trình Vietinbank quy định, không có vi phạm gì...

Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các công ty, ngân hàng, cá nhân đặt nhiều câu hỏi nhằm xác định bản chất của vụ án, nhất là trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Vietinbank. Câu hỏi của các luật sư đặt ra theo hướng, khi khách hàng gửi tiền là gửi vào Vietinbank, sau đó chính Vietinbank đã quản lý khoản tiền này, nhưng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý của mình làm giả hồ sơ, giả cả chữ ký khách hàng, giả cả con dấu để rút tiền, vay tiền, thì trách nhiệm của chính Vietinbank đến đâu?.

Đáp lại các câu hỏi này, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank đã thẩm vấn bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như liên quan đến hành vi và thủ đoạn gian dối, nhất lại việc thỏa thuận lãi suất ngoài quy định của Vietinbank, tạo niềm tin cho các khách hàng vì ham lãi suất cao nên đã gửi tiền và bị Như chiếm đoạt. Đó chính là lý do vì sao Vietinbank từ chối không chịu bất cứ trách nhiệm dân sự nào đối với các khoản tiền bị coi là Như đã chiếm đoạt.

Có lẽ do bức xúc với các vấn đề về trách nhiệm của Vietinbank, đến lượt mình Huỳnh Thị Huyền Như đã phản ứng lại câu hỏi của một số luật sư bảo vệ cho các bị hại, cho rằng mình không được đối xử công bằng, bị quy chụp bất lợi trong khi đã nhận tội.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Như cũng đã tập trung làm rõ các vấn đề liên quan quy trình nghiệp vụ huy động tiền gửi và cho vay, trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng, dẫn dắt theo hướng Huỳnh Thị Huyền Như đã giao dịch bên ngoài, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền, thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cho rằng những người bị hại, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần ủy thác cho các cá nhân đứng tên người gửi để nhận được lãi suất cao ngoài quy định là trái pháp luật.

Diễn tiến phiên tòa hứa hẹn sẽ còn căng thẳng khi bước vào phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư, đương sự và những người tham gia tố tụng.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện