Thứ Tư | 08/08/2012 11:16

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng: Giá điện có tăng thì phải có giảm

Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có 8 lần điều chỉnh giá điện, thì cả 8 lần đều tăng giá, việc này là không bình thường.
Đó là bình luận của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trả lời phỏng vấn đăng trên Báo Đầu tư ngày 8/8.

“Giá điện chỉ có tăng mà không giảm là hết sức phi lý”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bình luận.

Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg, ngành điện có thể tăng giá thêm 5% mà không cần ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, việc tăng giá bán điện là hoàn toàn phù hợp với quy định?

Kể từ ngày 1/7/2012, giá điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đồng loạt được điều chỉnh, với mức tăng 65 đồng/kWh, tương đương mức tăng 5%, lên bình quân 1.369 đồng/kWh (nếu tính cả thuế giá trị gia tăng, giá bán điện bình quân là 1.506 đồng/kWh).

Theo cơ chế thị trường, giá cả hàng hoá biến động là bình thường, nếu có tăng, thì cũng phải có giảm. Trong khi đó, trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có 8 lần điều chỉnh giá điện, thì cả 8 lần đều tăng giá, với giá điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tăng từ 706,8 đồng/kWh (năm 2002) lên 1.369 đồng/kWh. Việc này là không bình thường.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, vì thế, theo tôi, thay vì tăng giá điện, ngành điện phải giảm giá mới đúng.

Nhưng ngành điện cho rằng, đầu vào để sản xuất điện (than, dầu, khí…) tăng, nên việc tăng giá điện là phù hợp với cơ chế thị trường, thưa ông?
Trong cơ chế thị trường, quan hệ cung - cầu quyết định giá cả. Hiện có khoảng 70% doanh nghiệp phá sản, giải thể, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nên cầu về điện giảm. Trong khi đó, năm nay, ngoài Nhà máy Thủy điện Sơn La, còn có hàng loạt nhà máy thủy điện nhỏ nữa, như Đăk Mi 4, Nho Quế 3… đi vào hoạt động, nên nguồn cung tăng. Cầu giảm, cung tăng, đặc biệt là nguồn cung điện giá rẻ từ các nhà máy thủy điện tăng, nên không có lý do gì để tăng giá điện.

Việc giá điện chỉ có tăng mà không giảm, theo giải thích của ngành điện, là do suất đầu tư cho ngành điện lớn, lãi suất vay vốn cao, tỷ giá biến động theo xu hướng tăng, đầu vào cho ngành điện tăng…?

Với cơ chế thị trường, có tăng giá thì cũng phải có giảm giá. Vào lúc cao điểm, mùa khô, mùa hè thiếu điện, ngành điện phải huy động nhiệt điện chạy dầu, chạy khí với giá thành cao, thì phải tăng giá điện. Ngược lại, vào lúc thấp điểm, mùa mưa, nguồn cung dồi dào, thì phải giảm giá bán điện mới công bằng.

Nếu lấy lý do tăng giá như trên thì cứ sau 3 tháng, giá điện lại thêm 5%, bởi theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg, trong năm tài chính, giá bán điện được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành; thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

Điện là hàng hoá đặc biệt, ảnh hưởng lập tức đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách nhà nước và đời sống người dân, nên việc tăng giá điện, ngoài yếu tố cung - cầu, giá thành sản xuất, còn phải tính đến cả sự phát triển của nền kinh tế và đời sống người dân.

Mặc dù giá điện bình quân đã lên tới 1.506 đồng/kWh (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng), nhưng ngành điện cho rằng, giá điện của Việt Nam còn khá rẻ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới?

Với mức giá 1.506 đồng/kWh, quy ra USD thì giá điện của Việt Nam tương đương với 7,2 UScent/kWh. Đây là mức giá không hề rẻ so với nhiều nước trên thế giới (giá điện của Colombia khoảng 7 UScent/kWh, Costa Rica là 7,6 UScent/kWh, Paraguay là 6,2 UScent/kWh… Giá điện tại Ấn Độ và Pakistan chỉ khoảng 4,5 UScent/kWh).

Để đánh giá giá điện của Việt Nam hiện nay cao hay thấp không chỉ đơn thuần nhìn vào giá bán điện cụ thể, mà phải so sánh thu nhập của người dân Việt Nam với thu nhập của người dân những nước có giá điện cao hơn chúng ta. Ví dụ, giá điện tiêu dùng ở Đan Mạch là 32,2 UScent/kWh, Hà Lan 28,5 UScent/kWh, Nhật Bản khoảng 20 UScent/kWh, Singapore là 14,3 UScent/kWh, Hàn Quốc là 10,2 UScent/kWh…, nhưng chi phí tiền điện không đáng kể so với thu nhập của người dân những nước này. Trong khi đó, với giá 7,2 UScent/kWh, hàng tháng, người dân Việt Nam phải bỏ ra số tiền không nhỏ so với thu nhập của mình để trả tiền điện.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện