Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành công cụ để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TL
Chốt đơn hàng triệu USD online
Trên Amazon, chiếc khay gỗ đựng đồ ăn của Tidita được bán với giá hơn 42 USD (hơn 1 triệu đồng). Bất chấp sức cạnh tranh về giá và phí vận chuyển từ các bạn hàng Trung Quốc, sản phẩm đến từ Bình Dương này được bán khá chạy. Ngoài ra, Tidita còn bán trên Amazon nhiều sản phẩm thớt gỗ charcuterie, kệ sắp xếp đồ bếp đa năng, tấm che bàn bếp bằng gỗ...
Cơ hội cho những sản phẩm như Tidita còn rất lớn vì chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ, tổng giá trị thương mại điện tử cho nhóm hàng nội thất và trang trí nhà cửa đã đạt 145,56 tỉ USD trong năm 2022 (theo eMarketer). Ông Trung Bùi, nhà sáng lập Tidita, cho biết: “Công thức thành công của Tidita có thể gói gọn trong các yếu tố chính: đầu tư mạnh mẽ vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm; xây dựng thương hiệu trên Amazon; và tận dụng các công cụ sẵn có từ Amazon để tăng giá trị thương hiệu”.
Ngoài Tidita, đại diện của Amazon cũng lưu ý tới một số thành công của thương hiệu thời trang Lamer, nội ngoại thất gỗ Beefurni, thương hiệu làm đẹp Abera. Triển vọng kinh doanh của những thương hiệu này mang lại động lực xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam trên Amazon. Số liệu từ Amazon cho thấy, trong 5 năm qua (2019-2023), các doanh nghiệp Việt Nam có số lượng sản phẩm bán trên Amazon tăng 300%.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết: “Trong 5 năm qua, doanh nghiệp Việt mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với sản lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300%. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua”.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với doanh thu thương mại điện tử toàn cầu lên tới 7.400 tỉ USD, Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu qua kênh này khi hội nhập sâu rộng, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số.
Dữ liệu của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho thấy, doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam vào Top những quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực và thế giới. Xu hướng này diễn ra khi doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử với hàng trăm triệu nhà mua hàng trên phạm vi toàn cầu như Amazon, Alibaba...
Nhiều thương hiệu lớn như Sunhouse, An Phát Holdings, AnEco, Trung Nguyên, Minh Long hay Lafooco... đều thành công khi kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Vì vậy, thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành công cụ để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là kênh bán hàng giúp doanh nghiệp thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ. Công ty Access Partnership dựa trên xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ hiện tại mà các doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử, đã dự báo doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỉ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hằng năm 9%.
Tuy nhiên, để con số này thành hiện thực, doanh nghiệp Việt cần vượt qua nhiều rào cản, trong đó có các quy định nhập khẩu, năng lực cạnh tranh, chi phí (tiếp thị, logistics) và thông tin thị trường. Bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là phần lớn có giá trị thấp, chưa có thương hiệu so với thế giới. Các doanh nghiệp quốc tế, nhất là Trung Quốc, vẫn bán các sản phẩm nhập từ Việt Nam thậm chí với giá thấp hơn.
So với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt gặp nhiều vấn đề về logistics, nổi bật nhất là việc tàu hàng không đi thẳng sang Mỹ mà phải qua Trung Quốc. Chưa kể còn nhiều khó khăn về thuế, chuyển tiền về phải qua nhiều khâu, bất lợi về tỉ giá... Bên cạnh đó, các quy định của Amazon thường xuyên thay đổi hay cập nhật mới như phí hay thuật toán. Vì vậy, người bán cần theo dõi và cập nhật để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp, nếu không thích nghi sẽ sớm thất bại.
Chẳng hạn, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết dù là ngành hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia thương mại xuyên biên giới còn hạn chế. Nguyên nhân là do công nghiệp gỗ của Việt Nam vẫn phải dựa vào một số lợi thế so sánh đang cạn dần, như nguyên liệu từ vùng trồng của nông dân nên giá tương đối rẻ, năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại còn yếu... Trong khi đó, nghịch lý là rất nhiều nhà cung ứng Trung Quốc mua đồ nội thất Việt Nam và bán ra toàn cầu thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba...
“Cần xác định đây là cuộc chơi dài hạn, phải đầu tư để có kế hoạch kinh doanh nghiêm túc, không chỉ bán sản phẩm mà còn phải tạo giá trị cộng thêm bằng việc xây dựng thương hiệu”, ông Gijae Seong khuyến nghị.