Chọn cổ phiếu nào trong năm 2014?
Theo đó, dệt may được kỳ vọng là ngành được hưởng lợi lớn nhất của Việt Nam từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dự kiến sau khi TPP chính thức có hiệu lực (dự kiến vào giữa năm 2014), sẽ có đến hơn 90% mặt hàng dệt may xuất khấu vào thị trường Hoa Kỳ cũng như các nước thành viên khác của TPP được điều chỉnh thuế suất về mức 0% so với mức trung bình 17% hiện tại.
Điểm đáng lưu ý là Trung Quốc - nước đang chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ đến hiện tại vẫn chưa tham gia đàm phán TPP và nhiều khả năng sẽ không tham gia hiệp định này. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh rất đáng kể dành cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết, nhóm nghiên cứu của Maybank Kim Eng đánh giá Công ty CP Dệt May Thành Công (TCM) có nhiều cơ hội nhất nhờ đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ hàng hóa từ khâu sợi trở đi.
Hiện TCM đang sở hữu 4 nhà máy sợi với tổng công suất lên đến 21.000 tấn/năm. TCM mới chỉ sử dụng 30% luợng sợi này để phục vụ cho các công đoạn kế tiếp (vải, sản phẩm hoàn chỉnh), 70% còn lại được bán trực tiếp ra thị truờng. Điều này cho thấy TCM hoàn toàn chủ động và không có nỗi lo về thiếu hụt nguyên liệu sợi trong truờng hợp cần gia tăng thêm công suất để đáp ứng lượng đơn hàng tăng lên. Ngoài ra, khi TPP chính thức có hiệu lực, nhu cầu về sợi ở thị truờng nội địa sẽ tăng do yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ hàng hoá, đây cũng là một điểm cộng cho TCM.
Ban lãnh đạo của TCM đặt kế hoạch doanh thu năm 2014 là 2.823 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2013) và lợi nhuận đạt 164,4 tỷ đồng (tăng gần 50% so với năm 2013).
Về thị truờng sữa Việt Nam, báo cáo chỉ ra rằng tốc độ tăng truởng bình quân hàng năm đạt 11% về luợng và 18% về giá trị trong 12 năm qua. Nhu cầu sữa tính trên đầu nguời của Việt Nam được dự báo tăng truởng 6% về luợng và 13% về giá trị trong 5 năm tới. Theo đó, Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) là doanh nghiệp dẫn đầu trên thị truờng sữa Việt Nam.
Dự kiến vào năm 2016, tổng công suất của VNM sẽ đạt 1,6 triệu tấn/năm khi nhà máy sữa nước Việt Nam giai đoạn 2 đi vào hoạt động. Đặc biệt, toàn bộ vốn đầu tư 4,9 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2013 - 2016 của VNM được tài trợ hoàn toàn bằng vốn tự có và năm 2013, VNM đã giải ngân khoảng 2,6 ngàn tỷ đồng mở rộng công suất và chuỗi cung ứng.
Nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung gia tăng, cùng với việc khuyến khích, tăng cuờng đầu tư ngành dầu khí của Chính phủ Việt Nam là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành dầu khí. Theo đó, mỗi năm, ngân sách đầu tư cho hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí ngoài khơi lên tới 1,5 tỷ USD đến 1,7 tỷ USD.
Ngoài ra, theo kế hoạch, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ đầu tư khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2009 - 2015 nhằm mở rộng các hoạt động lọc và chế biến dầu. Đây là chất xúc tác để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Trong đó, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt.
Cụ thể, việc giá cho thuê giàn khoan trong khu vực đang có xu hướng tăng đã giúp cho PVD hưởng lợi đáng kể. Chỉ trong quý 3-2013, giá cho thuê giàn khoan của PVD đã tăng 15 - 20% so với quý truớc đó. Giá cho thuê giàn khoan gia tăng đã kéo theo biên lợi nhuận gộp của PVD tăng từ 22,5% trong năm 2012 lên 23 - 26% trong giai đoạn 2013 - 2015.
Dược phẩm được xếp vào nhóm nhu yếu phẩm cần thiết với đời sống nên sự tăng trưởng của ngành ít chịu ảnh huởng bởi các tác động của nền kinh tế. Tuy thu nhập của người Việt Nam tăng nhưng hiện vẫn chỉ đang phù hợp với các loại thuốc nội với chất luợng tương đương thuốc ngoại nhưng giá chỉ bằng 30 - 50%.
Trong khi đó, giá trị thuốc sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm 50% tổng chi tiêu toàn thị trường. Có thể coi đây là cơ hội đối với các công ty dược trong nước, đặc biệt là khi Chính phủ chủ truơng tăng thị phần thuốc nội lên 70% năm 2015 và 80% năm 2020. Trong bối cảnh đó, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng mạnh.
DHG vừa hoàn tất việc xây dựng Nhà máy Non-Betalactam (công suất 4 tỷ đơn vị/năm) và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng tháng 3-2014. Với nhà máy mới này, DHG sẽ được hưởng chính sách ưu đãi thuế trong vòng 15 năm, qua đó tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế. Dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận năm 2014 của DHG tăng 18% và 20%, đạt lần lượt 4.065 tỷ đồng và 694 tỷ đồng.
Cùng với DHG, Công ty CP duợc phẩm Traphaco (TRA) cũng nhận được nhiều dự báo lạc quan. Hiện TRA mới chỉ hoạt động ở mức 60 - 70% công suất nên vẫn còn dư địa cho việc gia tăng sản luợng. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2014 của TRA dự báo ở mức 23% và 26%, đạt lần luợt 2.186 và 235 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự báo nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm nhiều đến cổ phiếu IMP của Công ty Imexpharm. Điểm cộng của IMP là tỷ lệ chi trả cổ tức cao, dự kiến đạt 2.500 đồng/cổ phiếu trong năm 2013, tương đương tỷ suất cổ tức gần 7%. Dự kiến năm 2014, IMP sẽ tiếp tục duy trì mức chi trả như năm 2013.
Một số mã khác có triển vọng khả quan mà nhà đầu tư có thể quan tâm nhiều là FPT (Công ty CP FPT), HPG (Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát), PPC (Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại), DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí).
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp