Chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến hầu hết các dự án thất bại khi triển khai trên diện rộng. Nhưng nguyên nhân chính là do các dự án chủ yếu dựa vào Nhà nước, làm với tính chất trình diễn công nghệ của nước ngoài chứ chưa phải là dự án thương mại, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp. Vì vậy, đến nay chỉ khoảng 6% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.
Trên thực tế, chỉ có doanh nghiệp mới có thể tự tìm thị trường, lựa chọn công nghệ phù hợp. Nhưng lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao, lợi nhuận thấp, nên doanh nghiệp thường đắn đo khi đầu tư vào công đoạn sản xuất, chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Họ không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất.
Theo ông Bộ, cần phải có một chính sách khả thi, đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ 3 yếu tố: đất đai, vốn và thị trường.
Ông Bộ chia sẻ, Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều loại nông sản, độ mở thị trường cao, cà phê, hồ tiêu trên 90%. Như vậy, về lý thuyết, Việt Nam phải là nước điều tiết hoặc tham gia điều tiết giá thị trường. Tuy nhiên, hầu hết nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại không có thương hiệu, những sản phẩm có thương hiệu thì quy mô quá nhỏ. Do vậy, giá trị gia tăng nhờ thương hiệu không có.
Tham gia thị trường toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam phải tạo được sự khác biệt, nhất là về chủng loại và chất lượng. Để làm được điều đó, trước hết, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Chính phủ cần hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để đảm bảo rủi ro thấp nhất.
Đồng thời tổ chức thu gom nông sản và khi giá lên đến mức có lợi cho người dân thì tổ chức đấu giá, thậm chí cả đấu giá xuất khẩu, nhằm tránh rủi ro do giá xuống thấp khi vào vụ thu hoạch.
"Chúng ta đã và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc sản, bản địa, tuy nhiên qui mô sản xuất các sản phẩm này lại quá nhỏ bé. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng thương hiệu thông qua quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất, hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, các hãng vận tải...", ông Bộ nói.
Nguồn Doanh nhân Sài Gòn