Chỉ có 10% cà phê Việt được tiêu thụ trong nước
Hiện nay phát triển thương mại nông-lâm-thủy sản chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, chưa quan tâm đúng mức tới thị trường trong nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhìn nhận như vậy tại báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Con số được Bộ trưởng nêu để minh chứng cho nhận định trên là tỷ lệ tiêu thụ trong nước đối với cà phê là 10%, điều 5%, chè 50%, cao su 25%, cá tra 5-7%.
Báo cáo khái quát, hình thức giao dịch nông lâm thủy sản phổ biến là mua bán tự do, giao hàng ngay, việc mua bán hàng hóa thông qua ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân chưa phổ biến. Mua bán giao dịch qua chợ đầu mối, trung tâm giao dịch còn hạn chế.
Phần lớn hàng hóa nông lâm thủy sản được giao dịch, phân phối thông qua kênh truyền thống là các chợ. Tỷ lệ hàng hóa được giao dịch phân phối qua các cửa hàng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) còn thấp và chủ yếu mới tập trung tại các đô thị lớn.
Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản là một trong nhiều yêu cầu của Quốc hội với các vị tư lệnh ngành có liên quan, trong đó có Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, song theo báo cáo thì xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông sản thô, chưa có sản phẩm nông sản mũi nhọn có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh, Bộ trưởng khái quát.
Về thị trường xuất khẩu, hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam mới chỉ tập trung vào những thị trường - ngành hàng lớn còn ít chú ý phát triển các thị trường - ngành hàng có nhiều tiềm năng.
Dẫn số liệu từ tháng 8/2013,báo cáo cho biết các thị trường lớn, truyền thống và các mặt hàng có lợi thế chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản: Mỹ (2,7%), Trung Quốc (2,4%), Nhật (1,3%); gỗ và các sản phẩm gỗ (18,7%), gạo (11,8%), cà phê (11,5%), tôm (9,5%), cao su (8%), cá tra (6,3%), hạt điều (5,9%).
Báo cáo cũng nêu một số kết quả cụ thể, như kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2014 đạt gần 30,54 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,35 tỷ USD, tăng 9,9%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,83 tỷ USD, tăng 17,1%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 6,56 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2013.
Đến nay đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, gồm có gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản.
Năm 2010 hàng hóa nông lâm thủy sản của Việt Nam đã chỉ có mặt ở 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến năm 2014 đã tăng lên là 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ trưởng thông tin thêm.
Định hướng phát triển thị trường nông lâm thủy sản được nêu tại báo cáo là giai đoạn 2015-2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10-15%.
Vẫn lấy mốc đến năm 2020, Bộ trưởng xác định tỷ lệ hàng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng chiếm 25-30%; tỷ trọng hàng nông lâm thủy sản qua hệ thống kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đạt 20-30%.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ chú trọng hơn vào phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn (chiếm tới hơn 70% dân số và là nhóm tiêu thụ nhóm lương thực, thực phẩm gấp 1,42-1,44 lần so với thành thị), theo thông tin từ Bộ trưởng.
Hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phục vụ xuất khẩu là một trong nhiều giải pháp phát triển thị trường nông lâm thủy sản được Bộ trưởng đề cập.
Theo đó, sẽ có chính sách ưu đãi về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng: Mở rộng định mức vay và giãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Xem xét khoanh nợ cho các doanh nghiệp (kể cả các khoản vay từ ngân hàng thương mại).
Mặt khác, cho phép thành lập một số quỹ phát triển ngành hàng, trước mắt cho các ngành hàng chủ lực như cà phê, cá tra, tôm... để góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, báo cáo viết.
Nguồn Vneconomy