Thứ Tư | 22/10/2014 11:23

Châu Á có giành được quyền định giá vàng?

Nhu cầu vàng của châu Á lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn giao dịch lại diễn ra ở phương Tây.
Người châu Á mua phần lớn lượng vàng trên thế giới, nhưng gần như toàn bộ số đó lại được giao dịch ở London. Giờ đây, khi giới nhà đầu tư phương Tây giảm quan tâm đến kim loại này, châu Á đang nỗ lực giành quyền định giá và giao dịch.

Gafin

Ba trung tâm tài chính châu Á đang tiến hành hoạt động giao dịch vàng riêng biệt, đều được hẫu thuẫn bằng vàng vật chất.

Nếu 3 trung tâm này thu hút đủ số nhà đầu tư, các hợp đồng giao dịch có thể ảnh hưởng đến giá vàng – được xác lập hàng ngày tại London.

Sàn Giao dịch Vàng quốc tế Thượng Hải được khai trương hồi tháng 9 tại khu thương mại tự do, cung cấp các hợp đồng vàng bằng đồng nhân dân tệ được hậu thuẫn bằng vàng tại Thượng Hải. Singapore cũng sẽ sớm cung cấp hợp đồng giao dịch vàng và cuối năm nay, CME Group Inc – điều hành sàn giao dịch tại Chicago và New York – dự định khai trương hợp đồng vàng giao dịch bằng USD tại Hong Kong.

Tại Mỹ và châu Âu, vàng thường được mua như tài sản trú ẩn khi giá tiêu dùng tăng cao. Nhưng với một vài dấu hiệu về lạm phát, giá vàng đã giảm 10% kể từ tháng 3 và giảm 1/3 kể từ cuối năm 2012.

Lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF giảm xuống 53,5 triệu ounce trong tháng 10, thấp nhất 5 năm qua, theo số liệu của ETF Securities.

Tại châu Á nơi vàng vẫn được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng, nhu cầu trang sức vàng, vàng miếng và vàng xu đang rất lớn. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng của Trung Quốc năm 2013 tăng lên 1.300 tấn, tăng 160% so với 5 năm trước, mặc dù năm nay nhu cầu vàng của nước này được dự đoán ổn định. Tại Ấn Độ, sức mua vàng cùng kỳ tăng 50% lên 975 tấn.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất và tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới và cũng là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới khi nhu cầu nội địa vượt nguồn cung. Xếp thứ 2 là Ấn Độ. Châu Á tiêu thụ 2/3 lượng vàng toàn cầu, theo WGC.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho biết, việc hạ bệ London khỏi vị trí trung tâm giao dịch vàng của thế giới đối với châu Á không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Lý do chính: Trung Quốc cấm xuất khẩu vàng, cho rằng cần giữ sản lượng nội địa khổng lồ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Điều này có nghĩa vàng có thể chảy vào Trung Quốc khi giá ở đây cao hơn giá ở London, nhưng không thể chảy theo chiều ngược lại. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh cũng giới hạn dòng vốn.

London đã giữ vị trí thống trị trong giao dịch vàng vật chất hơn 300 năm. Các hầm vàng tại thành phố này, kể cả hầm vàng của Bank of England, chứa đựng 7.500 tấn vàng, theo Hiệp hội Thị trường Vàng London. Từ năm 1919, giá vàng đã được 4 ngân hàng Barclays PLC, HSBC Holdings PLC, Bank of Nova Scotia và Société Générale thiết lập tại London 2 lần/ngày.

Giao dịch vàng kỳ hạn – đồng ý mua hoặc bán vàng với mức giá cụ thể vào một ngày định trước – được thực hiện trên sàn Comex New York. Các hợp đồng tại Thượng Hải và Singapore được hẫu thuận bằng giao dịch vàng vật chất, trong khi kế hoạch của Hong Kong là hợp đồng tương lai.

Những nỗ lực của châu Á trong việc thiết lập giá vàng vẫn chưa thành công. Năm 2010, Sàn giao dịch Singapore đã cung cấp hợp đồng vàng nhưng sau đó đã rút lại do nhà đầu tư không mấy quan tâm.

Hơn nữa, vai trò của London trong việc định giá vàng đang được kiểm soát chặt chẽ.

Hồi tháng 5, các nhà quản lý Anh đã phạt Barclays 44 triệu USD sau khi một trong những nhân viên giao dịch của ngân hàng thao túng giá vàng bằng tiền của khách hàng. Hiệp hội Vàng London đang cố gắng thay thế việc định giá vằng bằng hệ thống điện tử, sau khi áp dụng hệ thống này để định giá bạc hồi tháng 8.

Nguồn Theo DVO/WSJ


Sự kiện