Thứ Ba | 19/11/2013 10:54

Chất vấn trách nhiệm cá nhân Phó thủ tướng về thủy điện

Chỉ có một chất vấn, song văn bản gửi đến Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chạm đến vấn đề đang rất nóng.
Một nữ đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, báo cáo số 369/BC-CP ngày 4/10/2013 của Chính phủ về “kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện” cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch tổng số 405 dự án đầu tư, gồm hai dự án đầu tư bậc thang (118 MW) và 403 dự án đầu tư nhỏ (1.128,8 MW); đồng thời không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ (375,7 MW) chưa có nhà đầu tư quan tâm đầu tư phát triển.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết nguyên nhân loại bỏ các dự án đầu tư thủy điện vừa và nhỏ này khỏi quy hoạch đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, nhà đầu tư trả lại dự án do không khả thi hoặc không có nhà đầu tư quan tâm.

Một vấn đề đặt ra là: khi đề xuất và phê duyệt các quy hoạch trên, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng có thẩm định đánh giá tác động môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội không? Tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch của bộ chủ quản sẽ xử lý như thế nào?

Sau câu hỏi trên, đại biểu đã “đề nghị Phó thủ tướng làm rõ trách nhiệm cá nhân và thẩm quyền được giao về những vấn đề trên”.

Không đợi đến kỳ họp Quốc hội này, khi đồng bào miền trung bị thiệt hại nặng nề do lũ, mà theo cách nói của nhiều đại biểu thì thủy điện không thể vô can, hậu quả của thủy điện mới làm nóng nghị trường.

Đã nhiều lần trả lời báo chí về thủy điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ở đầu kỳ họp thứ sáu cũng khẳng định, việc phát triển các hồ thủy điện là việc cần thiết phải làm và tiếp tục phải làm. Song quan điểm của Chính phủ là rất rõ ràng, kiên quyết xử lý những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Anh làm một hồ thủy điện hay thủy lợi mà nghĩ như trò chơi là không được, phải rất trách nhiệm với nó bởi đó là “thủy hỏa đạo tặc”, cực kỳ nguy hiểm.

Vẫn liên quan đến thủy điện, mới tuần trước, đại biểu Ngô Văn Minh đã phải thốt lên là “không hiểu Bộ trưởng nói gì” khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu trước Quốc hội rằng: “Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.

Và, trong số 21 văn bản chất vấn được dành cho vị tư lệnh ngành công thương tại kỳ họp này, trách nhiệm liên quan đến hậu quả của thủy điện lại trở lại.

Một vị đại biểu ứng cử ở Tây Bắc đặt vấn đề: trong thời gian qua, do không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành và xả nước tại một số hồ chứa thủy điện, nhất là trong mùa mưa, bão đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Đặc biệt, việc không thông báo xả nước khi có mưa, bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

“Đề nghị ông Bộ trưởng cho biết công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa, quy trình xả nước trong thời gian qua và làm rõ trách nhiệm, biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm”, đại biểu viết tại văn bản chất vấn.

Là một trong số các thành viên Chính phủ nhận được nhiều chất vấn nhất trong kỳ họp này, song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã không có tên trong danh sách các vị trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.

Việc này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích là, “vào thời gian tổ chức hoạt động chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương được bố trí tham gia đoàn lãnh đạo cấp cao đi công tác nước ngoài, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp vào lần sau”.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện