Các quỹ đầu cơ thắng lớn nhờ đặt cược hàng hóa lên giá
Nhà đầu tư đặt cược giá lên vào 11 loại nông sản Mỹ tăng 16% lên 786.831 hợp đồng. Trong đó, lượng mua ròng lúa mỳ đã tăng kỷ lục 17%, lên 62.468 hợp đồng, cao nhất kể từ tháng 6/2006. Các nhà đầu cơ cũng đặt cược ngô lên giá tuần thứ 5 liên tiếp, dài nhất kể từ tháng 9/2010.
Tuần qua, có 21 trong số 24 loại hàng hóa đo lường bởi chỉ số S&P GSCI tăng giá. Dẫn đầu danh sách tăng là ngô, tăng 6,8%, lúa mỳ tăng 5,1% trên sàn Chicago trong điều kiện thời tiết hạn hán ở các vùng trồng trọt chính tại North Dakota và Nga.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 11/7 hạ dự báo sản lượng lúa mỳ toàn cầu 1% do sản lượng tại Nga năm nay dự báo giảm 7,5%. Trên sàn Chicago, giá nông sản này đã tăng tổng cộng 35% kể từ ngày 15/6 và chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2011 vào tuần trước.
Các quỹ cũng tăng 76% lượng nắm giữ các hợp đồng đường lên 100.511 hợp đồng, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2007. Trên sàn New York, giá mặt hàng này đã lên cao nhất kể từ giữa tháng 4 vào tuần trước do lo ngại nguồn cung đường toàn cầu sẽ bị hạn chế. Tại Brazil, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, việc thu hoạch và ép mía đang bị trì hoãn do mưa kéo dài.
Trong khi đó, các nhà đầu cơ giảm mua ròng dầu thô thêm 5,1%. Tính từ cuối tháng 2 năm nay, lượng mua ròng hợp đồng dầu thô đã giảm 53%. Tuần trước, dầu thô giao dịch tại New York tăng 3,8% lên 87,1 USD/thùng.
Trong tuần kết thúc vào ngày 11/7, có 173 triệu USD đã bị rút khỏi các quỹ hàng hóa. Trong đó các quỹ vàng và kim loại quý bị rút ròng nhiều nhất 128 triệu USD.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có phiên tăng điểm mạnh nhất 2 tuần vào ngày 13/7 sau số liệu GDP của Trung Quốc. Số liệu cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II chỉ tăng 7,6%, thấp nhất 3 năm, đã làm gia tăng sức ép lên chính phủ nước này phải đưa thêm các kích thích kinh tế mới.
Nguồn Bloomberg/DVT