Ảnh: Baomoi.com
Các nền tảng thương mại điện tử như Lazada hay Shopee đang thay đổi hoạt động giao thương nơi cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc
Nữ thương nhân Việt Nam Đoàn Kim Yến đã mua khá nhiều hàng hóa Trung Quốc từ trang thương mại điện tử Shopee vào ngày 12/12 (hay còn được biết đến là ngày Double 12), một ngày hội mua sắm trực tuyến có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện nay đã trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Chỉ trong vòng hai ngày, hầu hết hàng hóa trên đều được vận chuyển từ các tỉnh nội địa của Trung Quốc đến kho của chị Yến ở phía bắc Lào Cai thông qua cửa khẩu Hà Khẩu, nằm cạnh Lào Cai và là cửa khẩu giữa Trung Quốc-Việt Nam hoạt động sôi động nhất ở phía tây nam tỉnh Vân Nam.
Cô gái 26 tuổi này cho biết cô bắt đầu mua hàng Trung Quốc và bán cho các thành phố lớn của Việt Nam khi cô đang học tiếng Trung ở Hà Khẩu vào năm 2015. Để vận chuyển hàng hóa và làm thủ tục hải quan tại Hà Khẩu, cô thường sử dụng xe đạp 3 bánh và phải mất vài giờ để thực hiện việc này.
"Những đoàn xe tải và xe ba bánh nối đuôi nhau không ngừng giữa hai bên cửa khẩu là một cảnh tượng rất phổ biến khi bạn đến Hà Khẩu vào năm 2015", Chị Yến nhớ lại. "Tôi thường rời nhà ở Lào Cai lúc 7 giờ sáng và trở về từ Hà Khẩu với đầy ắp hàng hóa lúc 8 giờ tối. Thật sự là rất mệt mỏi."
Tuy nhiên, vào đầu năm nay, cô đã bắt đầu kinh doanh qua các trang thương mại điện tử và nó đã thay đổi rất nhiều thứ. Tất cả những gì cô phải làm bây giờ chỉ là thực hiện một vài cú nhấp chuột trên chiếc điện thoại thông minh của mình.
Yến là một trong số ngày càng nhiều người buôn bán ở Hà Khẩu, đang kiếm được tiền nhờ vào sự phát triển thương mại điện tử xuyên quốc gia và chính thương mại điện tử đang thúc đẩy hoạt động giao thương tại cửa khẩu này phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo dữ liệu hải quan, cửa khẩu Hà Khẩu đã ghi nhận khối lượng giao dịch lên đến 14,1 tỷ Nhân dân Tệ (tương đương khoảng 2 tỷ USD) trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 30,4% so với năm ngoái.
Hoạt động thương mại điện tử xuyên quốc gia của Hà Khẩu lại càng phát triển hơn khi Huyện này trở thành một phần của Khu thương mại tự do thí điểm Vân Nam (Vân Nam FTZ) vừa mới được khánh thành vào tháng 8 năm nay.
Vân Nam FTZ được lập ra nhằm mục đích thúc đẩy việc tự do hóa thương mại quốc tế của Vân Nam, đổi mới phương thức hợp tác kinh tế xuyên quốc gia và xây dựng Vân Nam trở thành cửa ngõ của Trung Quốc để mở rộng quan hệ với Nam Á và Đông Nam Á.
Luo Rongxu, phó thống đốc quản lý huyện Hà Khẩu, cho biết Hà Khẩu là một phần của Vân Nam FTZ và được định hướng để tập trung vào việc phát triển thương mại điện tử xuyên quốc gia, đồng thời xây dựng Hà Khẩu trở thành một trung tâm hậu cần xuyên quốc gia trong khu vực.
Tính đến ngày 10/12, có tổng cộng 73 công ty thương mại điện tử đã được thành lập và hoạt động tại Trung tâm Thương mại Quốc tế Hà Khẩu Trung Quốc – Asean (Trung tâm này vừa mới được khai trương vào tháng 10/2019). Doanh số bán hàng trực tuyến của các công ty này đã vượt quá 80 triệu Nhân dân Tệ chỉ trong vòng 2 tháng qua.
Ông Li Jianrong, tổng giám đốc của một công ty thương mại điện tử tại Trung tâm trên, cho biết công ty của ông có thể giao tới 3.000 bưu kiện, chủ yếu là hàng may mặc, túi xách và giày dép cho khách hàng Việt Nam trong mùa cao điểm.
"Khách hàng Việt Nam có thể đặt hàng của chúng tôi trên các nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến hiện nay như Lazada hoặc Shopee. Chỉ mất khoảng một ngày để vận chuyển hàng hóa từ Hà Khẩu đến Hà Nội và nhiều nhất là ba ngày để đến Thành phố Hồ Chí Minh", ông Li nói.
Ông nói thêm rằng chính quyền địa phương ở Hà Khẩu đã đưa ra các chính sách ưu đãi như giảm tiền thuê để thu hút thêm nhiều công ty thương mại điện tử hoạt động. Đồng thời, họ cũng triển khai một hệ thống khai báo hàng hóa trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả thông quan.
"Với lợi thế vị trí địa lý của Hà Khẩu và tiềm năng to lớn của thị trường Đông Nam Á, tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử được thành lập tại Hà Khẩu”.
► Chính sách nhà giá rẻ tạo ra nhiều thành phố ma ở Trung Quốc
► Bốn con hổ của Châu Á: Điều thần kỳ đã là quá khứ, thách thức đang tới
Nguồn Xinhuanet