Thứ Tư | 21/12/2016 12:30

Ca cao Việt bắt đầu “hot”

Ca cao sơ chế chỉ có thể lời 15%, còn sản phẩm tinh chế từ ca cao có thể lên đến 400%.

Với thành phần chứa vitamin và các khoáng chất tốt cho sức khỏe, bơ ca cao còn được sử dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp mỹ phẩm và dược phẩm trên thế giới. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp lớn có thể kể đến như Nivea Cocoa Butter Body Lotion hay The Body Shop Cocoa Butter. Tuy giá của loại nguyên liệu này hiện đã tăng trên 50% kể từ năm 2013 cho đến nay do thiếu hụt nguồn cung nhưng cũng không làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Hải Yến, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Alluvia Chocolate, bơ ca cao còn được các cơ sở spa dùng làm mỹ phẩm để dưỡng ẩm, dưỡng da... Sản phẩm này bước đầu đã mở ra hướng kinh doanh mới từ các sản phẩm giá trị gia tăng khác cho cây ca cao Việt Nam.

Trên thực tế, khai thác và chế biến đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây ca cao như chocolate, rượu ca cao hay mỹ phẩm tại Việt Nam không còn hiếm khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này. Một trong những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực chế biến chocolate thành phẩm có thể kể đến Marou do 2 doanh nhân người Pháp thành lập.

Liên tiếp trong 3 năm từ năm 2013-2015, chocolate của Marou được bình chọn là chocolate đen ngon nhất tại các thị trường châu Âu như Pháp, Anh, đồng thời gặt hái được các giải thưởng quốc tế cho loại chocolate ngon nhất thế giới. Thành công của Marou đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển các dòng sản phẩm chocolate riêng, trong đó có thể kể đến những cái tên như chocolate Alluvia của Công ty Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo, Valentine của Công ty Cổ phần Ca cao Việt Nam hay Bungo của Công ty Ca cao Trọng Đức... Rất bất ngờ, mới đây, báo New York Times (Mỹ) đã có bài viết về chocolate của Việt Nam: “Loại chocolate ngon nhất mà bạn chưa bao giờ được thử!”.

Theo ông Hải Yến, doanh nghiệp trong nước có nhiều lợi thế trong việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cho cây ca cao, một trong những lợi thế đó nằm ở thổ nhưỡng đặc biệt của Việt Nam thuận lợi cho việc phát triển vùng nguyên liệu chất lượng tốt. Hiện nay, theo đánh giá của Hội đồng Ca cao Quốc tế, châu Á chỉ có 2 quốc gia được đưa vào danh sách có sản phẩm ca cao đạt hương vị tốt là Việt Nam và Indonesia. Trong đó, tỉ lệ ca cao hương vị tốt của Việt Nam khoảng 40%, vượt xa tỉ lệ 1% của Indonesia. Do đó, trong tương lai, Việt Nam có triển vọng lớn trong việc trở thành nguồn cung cấp ca cao chất lượng cao cho thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước có thể chủ động trong việc phát triển vùng trồng nguyên liệu. Từ năm 2007, Alluvia Chocolate đã chủ động trồng và thu mua trái ca cao từ các nông hộ để sơ chế và bán hạt khô cho Công ty Cargill. Qua đó, giúp doanh nghiệp tạo được mối quan hệ tốt với bà con nông dân và phát triển được vùng nguyên liệu đầu vào chất lượng tốt tại vùng Chợ Gạo, Tiền Giang, phục vụ cho việc sản xuất chocolate thành phẩm hiện nay. Trong khi đó, Công ty Marou kiểm soát gắt gao các quy trình sơ chế hạt ca cao, đảm bảo hạt không mất đi hương vị....

Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng mà chất lượng các sản phẩm giá trị gia tăng của ca cao Việt Nam đã được thị trường thế giới công nhận, bước đầu tạo dựng nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp trong nước phát triển các lĩnh vực kinh doanh dù đó là xuất thô hay chế biến các sản phẩm giá trị giá tăng từ cây ca cao.

Theo Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ chocolate tại thị trường Việt Nam khoảng 5.500 tấn mỗi năm và dự báo sẽ tăng trong những năm tiếp theo khi mức sống của người dân tăng lên. Hiện nay, thị trường đang có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Graphics, Belcholat, Marou... ở phân khúc bình dân còn có Kit Kat của Nestlé.

Nếu như Cargill và công ty nước ngoài tạo động lực phát triển trồng ca cao và chuẩn hóa chất lượng, thì những nhà chế biến như Grand-Place, Marou Chocolate... giúp người trồng bán hạt ca cao với giá cao hơn. Việc đa dạng các sản phẩm chế biến từ ca cao là cần thiết để đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ thị trường. “Sắp tới, chúng tôi sẽ sản xuất thêm dòng sản phẩm chocolate dành cho người ăn kiêng. Khác với chocolate thông thường, loại chocolate này sử dụng đường Sorbitol hoặc Maltitol với độ ngọt chỉ khoảng 60% so với đường mía với hàm lượng Kcal/g thấp hơn, rất thích hợp cho người ăn kiêng và béo phì”, ông Hải Yến cho biết.

Theo Công ty Nghiên cứu Euromonitor International, hiện nay thị trường bán lẻ của ca cao tăng trưởng ở mức 6,7% và đạt 101 tỉ USD trong năm 2015. Bên cạnh đó, khách hàng không ngần ngại bỏ ra trung bình khoảng 14 USD cho 1 kg chocolate. Công ty Marex Spectron Group dự báo nhu cầu tiêu thụ chocolate sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2-3% mỗi năm đặc biệt là tại các quốc gia châu Á. Đón đầu nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để phân phối sản phẩm ra thị trường thế giới. Điển hình như trường hợp của Công ty Ca cao Trọng Đức hợp tác với doanh nghiệp phân phối Nhật thành lập liên doanh Kenkyusho.

Ước tính, nếu bán ca cao sơ chế chỉ có thể lãi 15%, thì sản phẩm từ ca cao tinh chế có thể lên đến 400%. Mặc dù tiềm năng thị trường là rất lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nội địa nào cũng đủ tiềm lực để khai thác. Theo chia sẻ của anh Yến, do hạn hán nghiêm trọng dẫn đến sản lượng ca cao đạt chất lượng tốt giảm mạnh, Alluvia Chocolate phải dự trữ một lượng lớn để đảm bảo việc sản xuất không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư để mở rộng quy mô và quản lý dòng tiền tối ưu. Lý do là khi mua nguyên liệu phải trả tiền ngay cho người trồng, còn khi bán phải cho nợ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vốn lưu động trong ngắn hạn.

“Mặc dù khó khăn nhưng vì đam mê nên tôi vẫn gắn bó với chocolate của Việt Nam với mong muốn thương hiệu chocolate của Việt Nam sẽ được biết tới trên thị trường thế giới”, ông Hải Yến cho biết.

Phúc Thịnh