Bưởi ông Khanh
Ông Đoàn Văn Khanh có duyên với trái bưởi đơn giản bằng việc giúp người hàng xóm mọc tóc bằng hợp chất từ tinh bưởi do ông điều chế. Cho đến khi một doanh nghiệp Mỹ chào giá mua lại Công ty Long Thuận của ông tới 2 triệu USD, ông vẫn chỉ nói về những trái bưởi một cách rất mộc mạc.
Về với vùng đất Châu Thành, Tiền Giang, đến xã Song Thuận, khi hỏi về ông Đoàn Văn Khanh, nhiều người đều dành cho ông sự kính trọng và nhiệt tình chỉ đường về nhà ông, nơi mà nhiều người vẫn tìm tới để trị bệnh. Nơi ngôi nhà gỗ đơn sơ giữa vườn bưởi bát ngát, ít ai nghĩ người thương binh hành nghề hốt thuốc Nam chữa bệnh lại đang nắm giữ bí quyết và công nghệ điều chế dược chất từ những trái bưởi được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tâm đắc.
“Tôi nghĩ đến kinh doanh vào thời điểm năm 2006, khi có tin đồn ăn bưởi ung thư. Tin đồn khiến bà con trồng bưởi và cả vườn bưởi của tôi cũng bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, chỉ bỏ chứ chẳng cho ai được. Nhìn thấy từng trái bưởi mình nâng niu chăm sóc hằng ngày nay phải cắt bỏ chỉ vì vài tin đồn thấy đau lòng lắm. Ngoài ra, tôi thấy mỗi khi ai bị mỡ máu, gan nhiễm mỡ, béo phì đi khám bệnh, bác sĩ hay khuyên ăn bưởi nhiều nên tôi đi học thêm nghề y để chứng minh trái bưởi nó vô tội”, ông Khanh chia sẻ.
Tiếp khách với chiếc bàn gỗ tròn đơn sơ và bộ ấm trà dân dã miền Tây, ông Khanh tiếp chuyện với NCĐT với vai trò là Giám đốc, Trưởng phòng Kinh doanh, kiêm nhân viên bán hàng. “Công ty gia đình lập ra, tôi đảm nhiệm hết mấy chức vụ, nhà xưởng sản xuất thì bà xã tôi trông coi. Công nhân là bà con trong vùng, làm công nhật, 120.000 đồng/người/ngày. Cái máy sản xuất cũng do tôi và mấy người thợ tự thiết kế ra. Cũng mừng cái là đủ tiêu chuẩn để sản xuất hàng đem đi đăng ký chất lượng”, ông Khanh tự hào giới thiệu.
So với thị trường rộng lớn bên ngoài cùng với sự cạnh tranh khốc liệt, thì doanh nghiệp Long Thuận của ông Khanh quá nhỏ và hoạt động theo cách còn quá truyền thống. Trên vách gỗ của ngôi nhà là tấm bảng ghi chữ viết tay những hội chợ sắp diễn ra để doanh nghiệp tiện theo dõi và tham gia. Bởi vì, Long Thuận lâu nay chỉ tiếp cận thị trường qua các kênh hội chợ tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận. “Tham gia hội chợ, chi phí thuê gian hàng, chi phí vận chuyển hàng và nhiều khoảng khác, thực sự huề vốn là mừng, có khi lỗ. Tuy nhiên, doanh thu sau hội chợ tăng lên, nên xem như chi phí hội chợ là làm truyền thông và marketing”.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu sản xuất được ông khai thác từ 8.000m2 diện tích trồng bưởi, ngoài ra là thu mua từ một số hộ gia đình khác. Ông luôn tự hào về chất lượng bưởi của quê hương miền Tây của mình: “Nếu sản xuất từ bưởi còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu là sẽ hỏng ngay, không ra được thành phẩm. Nhưng chính nhờ điều kiện khắt khe này, thành phẩm của Long Thuận được các cơ quan kiểm nghiệm đánh giá và thông qua chất lượng. Ngoài ra, sản phẩm của chúng tôi chỉ sử dụng được bưởi của một vài tỉnh miền Tây, không sử dụng được nguyên liệu đại trà”, ông Khanh giới thiệu.
Là một người thương binh quanh năm gắn bó với ruộng vườn nhưng ông Khanh cũng có nhiều hiểu biết về nghề y. Vì thế, ông cũng đã phân tích các công dụng của bưởi và những thành phần thảo dược để tạo ra nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: trà hoa bưởi, tinh dầu hoa bưởi, kem dưỡng da, nước rửa chén từ bưởi... Đến nay, doanh nghiệp đã sản xuất được 28 mặt hàng, được đưa vào một số siêu thị như Aeon, Lotte, Co.opmart và hệ thống Guardian.
Lấy một tờ báo của Canada đăng tin về sản phẩm của Long Thuận vào năm 2014, ông Khanh phấn khởi khoe rằng doanh nghiệp của mình đã cung ứng hơn 5.000 sản phẩm cho thị trường Nhật, Hàn, ngoài ra là một số thị trường khác như Mỹ, Úc, Canada được xuất theo tiểu ngạch, hàng xách tay.
Về việc từ chối thương vụ 2 triệu USD, ông Khanh nói rằng dù đây là khoản tiền rất lớn nhưng chưa phải là điều ông mong muốn. “Hai triệu USD, tương đương 44 tỉ đồng, quá lớn so với một doanh nghiệp còn nghèo như tôi. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, công ty ở Mỹ dám bỏ tiền ra mua thì chắc chắn họ sẽ được gấp nhiều lần như vậy. Ngoài ra, tôi cũng còn kỳ vọng nhiều vào sản phẩm sẽ đạt được giá trị hơn như vậy, bởi đã nhận được những tín hiệu tốt từ thị trường”, ông giải bày.
Mời người viết viên kẹo dừa, ông cũng khoe rằng viên kẹo nhỏ vậy mà mỗi viên có giá 3.200 đồng, được làm từ dừa sáp, mỗi trái 200.000 đồng. “Kẹo có vị ngọt tự nhiên, người tiểu đường cũng có thể ăn được. Đây là sản phẩm tôi cũng mới làm ra, cùng với mấy loại khác, tôi bán kèm thêm tại mấy địa điểm du lịch mong được nhiều người biết đến”.
Buổi trò chuyện với vị lương y hay bị ngắt đoạn bởi những cuộc điện thoại đặt hẹn khám bệnh từ xa và cả những vị khách là hàng xóm đến mua vài lọ thuốc từ bưởi. “Hiện tại, tôi vừa sản xuất, vừa làm đại lý cấp 1, vừa bán lẻ cho bà con trong vùng và gửi hàng cho các điểm phân phối. Tôi cũng thấy phấn khởi khi trong năm qua, mặc dù không làm truyền thông nhiều, nhưng lượng hàng cung ứng cho thị trường tăng trưởng đều ở mức 20%”, ông Khanh chia sẻ.
Đức Tài