Nguồn ảnh: TL

 
Diễm Trang Thứ Năm | 27/08/2020 13:30

Bún, bánh tráng Việt đắt hàng trên Amazon

Ngày càng nhiều mặt hàng của Việt Nam tiếp cận được các kênh bán hàng hiệu quả như Amazon hay Alibaba.

Sau một năm theo đuổi, hiện những sản phẩm bún dưa hấu và bánh tráng thanh long của Công ty Xuất nhập khẩu Duy Anh nằm trong top tìm kiếm nhiều nhất trang thương mại điện tử toàn cầu Amazon.

Theo anh Lê Duy Toàn, CEO Công ty Xuất nhập khẩu Duy Anh, từ thời điểm lên kệ vào giữa tháng 7, đến nay sản phẩm đã bán được hơn 300 thùng, được khách hàng phản hồi tích cực và Công ty đang tăng cường sản xuất để cung ứng kịp. Anh cho biết, để làm được điều này, Công ty đã chờ đợi rất lâu mới đến lượt mình, khi đến lượt thì kiểm duyệt rất khó khăn, ngặt nghèo. Anh chia sẻ: “Chúng tôi có đối tác bên Mỹ và phải thường xuyên làm việc cùng nhau, nhất là khâu đăng ký và kiểm duyệt, kiểm nghiệm. ”Trước khi lên Amazon, Duy Anh cũng đã xuất các sản phẩm qua đường bưu điện. Tuy nhiên, khi hải quan Mỹ mở hàng kiểm tra và đóng gói trở lại thì hàng thường bị bể, gãy nát.

Nguồn ảnh: TL
Nguồn ảnh: TL
 

Đến tháng 3.2020, Duy Anh mới tìm được đối tác mình cần. Do có sẵn giấy phép của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), việc đưa 2 sản phẩm bún, bánh tráng thanh long mới toanh nhãn hiệu Mr Rice được xúc tiến nhanh chóng. Hai sản phẩm mới của Việt Nam vừa xuất hiện trên Amazon đã lọt vào top 5 các sản phẩm mới bán chạy trên sàn thương mại điện tử này.
Các sản phẩm của Duy Anh chỉ có 15% là tiêu thụ trong nước và 85% còn lại được xuất khẩu. Đến nay, Duy Anh có hơn 66 sản phẩm được xuất sang 49 nước trên thế giới. Anh Toàn cho biết: “Tôi mong muốn bán và giới thiệu sản phẩm truyền thống Việt Nam như bánh tráng, phở, bún sang nhiều quốc gia hơn”. Hiện Công ty đang hướng đến các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là kênh quan trọng cho các nhà xuất khẩu quốc tế với mức tăng trưởng 20-30%/năm và doanh số hàng ngàn tỉ đô. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hơn 200 doanh nghiệp Việt đã tham gia bán hàng trên Amazon, nếu tính cả cá nhân, con số còn cao hơn rất nhiều. Amazon Global Selling cho biết, thông qua xuất khẩu trực tuyến, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ...

Bên cạnh Amazon, doanh nghiệp Việt Nam cũng tìm kênh bán hàng qua Alibaba.com với hệ sinh thái lên đến 260 triệu doanh nghiệp mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Alibaba.com đạt gần 56 tỉ USD doanh thu và 12 tỉ USD thu nhập ròng trong năm tài chính gần nhất.

Theo ông Steven Zheng, chuyên gia đào tạo về thương mại điện tử đến từ Alibaba.com, Việt Nam được xem là điểm sản xuất mới của thế giới với nhiều sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, may mặc. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ vừa đưa hàng lên sàn thương mại điện tử đã có ngay vài đơn hàng sỉ. Trong đó, không ít doanh nghiệp nhỏ có đơn hàng qua sàn lên đến 500.000 USD.

Cà phê Trung Nguyên đã bắt tay với Amazon mở “siêu thị cà phê” trên sàn thương mại điện tử này. Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn đã bắt tay với Tmall Fresh của Alibaba.com đưa hàng vào Trung Quốc. Nhanh chóng sau đó, giá trị hàng hóa đã lên tới 3 triệu USD.

Theo chia sẻ của anh Toàn, trở thành nhà cung cấp cho Alibaba.com hay Amazon đều có thể giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế về bán hàng chất lượng cao vào thị trường này, tạo tiền đề để các nhà phân phối, nhà nhập khẩu mua hàng. Đây là cơ hội tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng trên thế giới của doanh nghiệp Việt, chỉ tính riêng số lượng tài khoản người mua hàng trên Amazon đã lên tới 300 triệu, còn Alibaba.com vào khoảng 260 triệu.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Dự báo, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỉ USD trong 2 năm tới.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), hiện chỉ có vài công ty tại Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí để đưa sản phẩm lên sàn Amazon. Ông Phạm Đạt, Tổng Giám đốc Fado, cho biết theo thống kê được Alibaba.com và Fado thực hiện, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở tài khoản trên Alibaba.com nhưng chỉ khoảng 2.000 doanh nghiệp thực sự đầu tư cho kênh bán hàng này, còn lại chỉ dừng ở việc mở tài khoản.

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Phát triển Công Thương (Bộ Công Thương), giải thích nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, đăng ký giấy phép, quảng bá thương hiệu, giao tiếp bằng tiếng Anh... Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử.

Sàn Amazon có những quy định riêng mà doanh nghiệp phải đáp ứng được, thậm chí cần thay đổi ngay từ khâu sản xuất, bao bì, thành phần trong sản phẩm... Có nhiều đơn vị từng được đào tạo khóa học bán hàng qua sàn Amazon nhưng cũng không thể thực hiện được.