Bloomberg: SCIC đề nghị giới hạn số lượng doanh nghiệp phải mua cổ phần
"Chúng tôi cần Chính phủ hướng dẫn những tiêu chí cụ thể, một sự giới hạn có thể là theo lĩnh vực, hay quy mô, cho việc mua cổ phần", Phó Tổng giám đốc SCIC nói. Theo ông Song Lai, 340 doanh nghiệp là quá nhiều và sẽ rất khó cho SCIC thực hiện tốt công việc của mình khi thiếu những quy định rõ ràng như vậy.
Theo Bloomberg, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam đã chậm lại khi mà trong năm nay chính phủ chỉ thu được 2,23 nghìn tỷ đồng (105 triệu USD) từ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), chưa bằng 1/2 mục tiêu đặt ra cho các đợt IPO này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước để thúc đẩy tăng GDP khi mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới 7% năm thứ bảy liên tiếp.
Theo quy định mới được thông qua trong tháng 9, SCIC sẽ mua lại cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước không thực hiện thành công IPO theo kế hoạch, ông Lai cho biết. SCIC hiện nắm cổ phần tại Vinamilk - công ty niêm yết lớn thứ hai của Việt Nam, FPT - hãng công nghệ thông tin niêm yết lớn nhất và nhiều doanh nghiệp khác.
Ông Lê Song Lai chia sẻ với Bloomberg rằng khi có SCIC tham gia làm nhà đầu tư chiến lược tại một số doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, SCIC cần Chính phủ xác định cụ thể những lĩnh vực, công ty để SCIC có thể tập trung nguồn lực của mình vào đó.
SCIC cũng đang đề nghị Chính phủ cho phép được tiếp nhận cổ phần Nhà nước tại một số doanh nghiệp mà không phải thực hiện việc mua lại, ông Lai nói.
Người đứng đầu bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới của Công ty Chứng khoán Bản Việt Michel Tosto cho rằng, câu hỏi thực sự ở đây là: Tại sao các đợt IPO thất bại? Yêu cầu SCIC tham gia vào việc mua cổ phần chỉ là việc lấp chỗ trống, không thể giải quyết được thực sự vấn đề. Theo ông Tosto, SCIC cần có sức mạnh để tạo ra các cuộc IPO thành công.
Nguồn Theo DVO/Bloomberg