HRO
Bình yên trước biến động nhân sự
Làm sao để ổn định nhân sự, giữ chân được nhân tài, là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải. Bởi chỉ khi doanh nghiệp nguồn nhân lực ổn định và trung thành thì mới cho ra sản phẩm tốt, tạo giá trị cho xã hội và hướng đến phát triển bền vững. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện tượng chuyển dịch lao động Việt Nam trong giai đoạn năm 2013-2017 diễn ra chủ yếu ở 3 nhóm ngành kinh tế chính, đó là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Theo các chuyên gia nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc tại một doanh nghiệp ổn định ở mức 4-6% là phù hợp. Tuy nhiên, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực, thông tin thị trường lao động TP.HCM, ở nhiều công ty trong các ngành như tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản hiện tượng biến động nhân sự xảy ra liên tục, tỷ lệ thôi việc ở nhiều công ty lên đến trên 10%, thậm chí cao hơn. Điều đó gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhất là việc khó tuyển được đủ nhu cầu nhân sự chất lượng để thay thế.
Lý giải việc biến động nhân sự, ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng, Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động TPHCM (ManpowerGroup Việt Nam), cho biết, lao động nhảy việc do nhiều nguyên nhân như trào lưu khởi nghiệp hút nguồn vốn ứng viên muốn khởi nghiệp, hoặc do ứng viên so sánh danh tiếng giữa các công ty, cũng có thể do ứng viên mong đợi sự linh hoạt, được trao quyền quyết định, phát triển năng lực và sáng tạo. Và một điều nữa là doanh nghiệp đó chưa xây dựng tốt văn hóa doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc Nhân sự Bosch Việt Nam. |
Bosch là một câu chuyện thú vị về văn hóa của sự hòa nhập. Bosch bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1994, với đội ngũ quản lý có khá nhiều người nước ngoài, vì vậy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp để hòa hợp, gắn kết giữa đội ngũ nhân viên, tránh biến động nhân sự là điều không phải một sớm một chiều.
Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc Nhân sự Bosch Việt Nam, bí quyết của Bosch trong việc quản trị nhân sự là xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt, xây dựng đội ngũ nhân tài gắn bó và yêu mến công ty, có chính sách nhân sự phù hợp, chủ động tránh những biến động nhân sự đột ngột.
Trong khi đó, đối với nhân viên văn phòng, Bosch đã tổ chức đào tạo và phát triển kỹ năng, chuyên môn liên tục, có các chính sách phúc lợi và kế hoạch phát triển sự nghiệp rõ ràng, phù hợp. Đặc biệt, Bosch luôn ghi nhận ý kiến của nhân viên và giải quyết thỏa đáng những quan tâm này.
Theo bà Thúy, một tổ chức không nhất quán về tầm nhìn, sứ mệnh và tôn chỉ kinh doanh, hay nói cách ngắn gọn là nếu không có văn hóa, doanh nghiệp không thể tồn tại được.
Vậy thì văn hóa của Bosch là gì? Câu hỏi này được bà Thúy trả lời đầu tiên đó là triết lý kinh doanh của một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành: Tất cả mọi người phải luôn nghĩ đến “mình là ai” đầu tiên trước khi nghĩ đến những khoản lợi.
Bên cạnh văn hóa đưa đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu, bà Thúy cho rằng, tạo ra văn hóa học hỏi và cải tiến cũng tối quan trọng trong mỗi doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì mới có thể trả lương thưởng xứng đáng, cải thiện cuộc sống người lao động.
Văn hóa theo bà Thúy cũng không nhất thiết là văn hóa thuần Việt, mà đó là sự du nhập văn minh theo tiến trình hội nhập để biến nó thành đặc sắc văn hóa của Công ty. Đó là điều giúp Bosch phát triển vững vàng, ít biến động nhân sự kể từ năm 1994 đến nay.