VietTimes
Bán lẻ truyền thống "trầy trật" tìm cách tồn tại cùng thương mại điện tử
Không hiếm những thông tin về một chuỗi cửa hàng phá sản, hay một tập đoàn bán lẻ lớn cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa những đại siêu thị. Thậm chí còn có nhận định bi quan cho rằng thời điểm này đang là khởi đầu của sự kết thúc đối với bán lẻ truyền thống, của những cửa hàng có sự hiện diện hữu hình.
Trong thời đại hiện nay, ngành bán lẻ truyền thống như luôn nằm trên đống lửa. Họ hoàn toàn không còn khả năng thu hút khách hàng. Phải ra cửa hàng truyền thống chọn đồ dường như là một lựa chọn thứ hai, nếu người mua không thể có được thứ đồ mình muốn trên các trang bán hàng trực tuyến, hoặc đơn giản là tùy hứng.
Mỹ, thiên đường trung tâm thương mại một thời, đang chứng kiến rõ nhất xu hướng này, với những tên tuổi hàng đầu như Macy's, Sears, Best Buy chật vật.
Trong năm vừa qua đã có tới 1/3 số trung tâm mua sắm ở Mỹ đóng cửa. Giá trị thị trường của các hãng bán lẻ lớn giảm thê thảm.
Tỷ phú Warren Buffet cũng đã bán hết số cổ phiếu của ông ở Walmart, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư thiên phú này cũng có vẻ đã bỏ cuộc cùng ngành bán lẻ truyền thống.
Toàn bộ bối cảnh tiêu dùng thay đổi bởi "hiệu ứng Amazon". Không bất ngờ khi các báo cáo cho thấy giá trị hãng thương mại điện tử, như Amazon, tăng tới gần 2.000% trong 10 năm.
Đáng buồn, các hãng bán lẻ truyền thống từng có ưu thế với cơ sở khách hàng ổn định, mặt hàng đa dạng và cửa hàng ở những vị trí đắc địa đã không nhạy bén tận dụng công nghệ để tiếp tục thống trị trong kỷ nguyên số.