Bán lẻ ngoại tăng tốc
Sau khi bị rơi khỏi thứ hạng 30 các thị trường bán lẻ có triển vọng phát triển tốt nhất theo kết quả khảo sát của AT Kearney (Mỹ), nay ngành bán lẻ Việt Nam đang dần giành lại vị thế. Báo cáo mới nhất của Công ty CBRE cho thấy, Việt Nam đã vươn lên vị trí á quân trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà bán lẻ châu Á trong năm nay. Cụ thể, Việt Nam hiện là mục tiêu của khoảng 48% thương hiệu bán lẻ khu vực, trở thành 1 trong 2 thị trường được mong đợi nhất châu Á và chỉ xếp sau Trung Quốc (58%).
Tiềm năng của ngành bán lẻ trong nước chính là động lực để tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group quyết định Nam tiến sau khi đã khai trương trung tâm mua sắm Robins đầu tiên tại Hà Nội hồi tháng 4. Hiện Central Group đang gấp rút hoàn thành dự án Robins thứ hai tại Crescent Mall, TP.HCM với quy mô lớn hơn, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 10 tới. Đại gia này khẳng định quyết tâm muốn biến Việt Nam thành cứ điểm bán lẻ của mình trong khu vực ASEAN với kế hoạch đầu tư tới 9 trung tâm thương mại vào năm 2016. Hồi tháng 4, Central Group đã ký một hợp đồng nhượng quyền thương hiệu chuỗi bán lẻ của Anh Marks & Spencer.
Theo Central Group, cửa hàng Marks & Spencer đầu tiên tọa lạc tại trung tâm thương mại Vincom Center B dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong tháng 9, chuyên bán các mặt hàng thời trang nam nữ. Kế hoạch dài hạn của Central Group là sẽ phát triển chuỗi tới 20 cửa hàng Marks & Spencer tại các trung tâm mua sắm lớn ở Việt Nam từ nay đến năm 2020.
Không chỉ Central Group, chuỗi siêu thị Tesco (Anh) cũng đang xem xét gia nhập thị trường Việt Nam. Đây là kế hoạch mở rộng thương hiệu ra thế giới của nhà bán lẻ lớn thứ 3 thế giới này. Theo tờ The Independent của Anh đưa tin, Tesco cho biết thị trường của Việt Nam, Philippines và Indonesia đang ngày càng trở nên hấp dẫn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và dân số đông.
Hồi đầu năm nay, trung tâm mua sắm Aeon Mall Celadon Tân Phú đã chính thức ra mắt càng góp phần làm thị trường bán lẻ thêm tăng nhiệt. Tuy là người đến sau các đại gia bán lẻ như Big C, Metro, Parkson, Lotte nhưng Aeon tỏ ra không hề kém cạnh trong khả năng tranh chấp mặt bằng với các đối thủ bằng chiêu “đi tắt đón đầu”. “Chúng tôi tập trung vào khu vực ngoại thành, ưu tiên các khu đô thị mới với diện tích khủng và thời gian thuê đất lên tới 50 năm”, ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết. Theo kế hoạch đến năm 2020, tập đoàn này cũng sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỉ USD.
Bà Lê Kim Hoa, Giám đốc Bộ phận Cho thuê và Tư vấn bán lẻ của Cushman & Wakefield, cho biết hiện đội ngũ dịch vụ bán lẻ của Công ty vẫn tiếp tục nhận được khá nhiều yêu cầu tìm mặt bằng tại Việt Nam (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ 2013), gồm cả việc yêu cầu cung cấp các báo cáo về thị trường và triển vọng của ngành bán lẻ trong 3-5 năm tới.
Mới đây, nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã tham gia ký kết hợp tác với liên doanh Công ty Cổ phần Phát triển Khu phức hợp Thương mại Vietsin (VCCD), chủ đầu tư dự án SC VivoCity ở quận 7, TP.HCM. Đây là dự án được phát triển bởi nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam Saigon Co.op và Tập đoàn quản lý bất động sản thương mại lớn của Singapore là Mapletree với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.
Trước làn sóng tấn công dồn dập của các thương hiệu ngoại, nhà bán lẻ nội địa có quy mô lớn nhất hiện nay là Saigon Co.op đã chọn giải pháp bắt tay với đối tác nước ngoài để tiếp tục củng cố vị thế của mình. Tuy nhiên, nhìn chung, yếu điểm của hầu hết các nhà bán lẻ nội địa là vẫn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh, khả năng quản trị cùng tiềm lực tài chính so với các thương hiệu nước ngoài nên đã gặp không ít thất bại.
Cụ thể, dù tọa lạc ở vị trí giao thông thuận tiện (gần sân bay Tân Sơn Nhất), trung tâm mua sắm Pico Plaza ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình vẫn còn khá nhiều mặt bằng để trống với tỉ lệ từ 30-40%. Chị Nguyễn Thị Anh, kinh doanh mặt hàng thời trang tại đây vừa quyết định trả lại mặt bằng và cho biết: “Lượng khách vào quá ít, chúng tôi thuê ở đây mỗi tháng phải trả tiền triệu nhưng bán chỉ thu được tiền trăm. Không đủ trả tiền mặt bằng thì làm sao có thể tồn tại được”.
Trung tâm thương mại Thiên Sơn Plaza ở quận 7, TP.HCM cũng đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng vẫn không lấp đầy được chỗ trống. Theo người quản lý của trung tâm này, kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút khiến khách thuê không nhiều hoặc thuê rồi trả lại.
Ở phía Bắc, cú “sốc” lớn nhất đối với ngành bán lẻ là sự kiện trung tâm thương mại Grand Plaza phải tạm đóng cửa hồi đầu năm 2013 và chưa hẹn ngày trở lại vì tỉ lệ trống sàn thương mại quá lớn. Giải thích về nguyên nhân thất bại, lãnh đạo của một hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội cho rằng, trước đây, IDJ Financial - chủ đầu tư Grand Plaza làm bất động sản, xây mặt bằng nhưng lại xé lẻ ra bán cho tư nhân. Nhưng khi vận hành trung tâm thương mại đã không kết nối được mục tiêu chung của các chủ sở hữu các gian hàng.
Một yếu điểm lớn khác của các đơn vị bán lẻ trong nước hiện nay là thiếu tính liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh trước sự thâm nhập mạnh của khối ngoại. Trước đây, 4 nhà bán lẻ thuộc hàng lớn nhất nước là Hapro, Satra, Phú Thái và Sài Gòn Co.op từng ký kết hợp tác nhằm xây dựng một thương hiệu lớn mang tầm quốc gia, nhưng đã thất bại vì liên quan tới vấn đề lợi ích của các bên tham gia.
Không thể bắt tay với nhau, thậm chí các nhà bán lẻ nội địa có những lúc còn ở thế đối đầu với nhau. Kết quả nghiên cứu của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển Quang Minh gần đây cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam đang tồn tại một số hành vi cạnh tranh tiêu cực như 62,5% doanh nghiệp bán một hoặc một số hàng hóa dưới giá thành để thu hút sự chú ý của khách hàng; 37,5% lôi kéo và tuyển dụng nhân lực chủ chốt của đối thủ; 25% bắt tay với nhà sản xuất/phân phối để chèn ép đối thủ; 25% khuyến mãi cạnh tranh không lành mạnh.
“Với quy mô dân số đông, trẻ, trong khi thực tế nguồn cung lại chưa nhiều, thu nhập đang tăng lên của người dân cũng đang rất hấp dẫn nhà đầu tư nên Việt Nam vẫn sẽ là một thị trường bán lẻ có tiềm năng lớn”, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nói. Nhưng trước thời điểm mở cửa hoàn toàn ngành bán lẻ từ tháng 1 năm sau, chắc chắn, khối ngoại sẽ tiếp tục giữ thế thượng phong trước các doanh nghiệp nội địa trong cuộc chiến này.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư