Áp lực tăng trưởng của Zalora
Thương mại điện tử của Việt nam vẫn còn kém phát triển. Chia sẻ với NCĐT, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Điều hành của Zalora Việt Nam, cho biết tỉ lệ kênh bán lẻ trực tuyến so với toàn bộ thị trường bán lẻ hiện chỉ mới chiếm khoảng 3%, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia khác như Trung Quốc đang ở mức 8-10%.
Điều này mang lại cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh thương mại điện tử và con số doanh nghiệp có kinh doanh thương mại điện tử của Việt Nam hiện đã lên đến hàng trăm. Tuy vậy, theo bà Anh, thành công trong lĩnh vực này không phải là chuyện đơn giản khi doanh nghiệp phải tính đến rất nhiều yếu tố, từ kêu gọi nguồn vốn, quản lý thời gian và xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả, chứ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng website thương mại điện tử. Đó là thách thức của các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này trong đó có Zalora.
BƯỚC ĐI CỦA ZALORA
Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2014 của Bộ Công Thương, tổng doanh số bán hàng trên 85 sàn giao dịch thương mại điện tử được khảo sát đạt khoảng 2.500 tỉ đồng với người dẫn đầu là Lazada (21%), Sendo.vn (10%), Zalora (5%).
Thị phần doanh số bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử |
Để cạnh tranh trên một thị trường có quá nhiều đối thủ, Zalora, một startup thành lập cách đây 3 năm, đã phải thay đổi chiến lược hoạt động so với ban đầu: từ việc đánh nhiều phân khúc, Zalora chỉ còn tập trung vào lĩnh vực thời trang dành cho nam và nữ nhằm đáp ứng nhu cầu thời trang ngày càng hiện đại của dân số trẻ ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. “Mỗi tháng Zalora có khoảng 6 triệu lượt người truy cập”, bà Anh cho biết.
Zalora cũng tập trung xây dựng thương hiệu thời trang riêng, chứ không chỉ dừng lại ở mô hình của một nhà bán lẻ, tức hướng tới một chuỗi sản xuất - kinh doanh khép kín. Theo bà Anh, ở Việt Nam, các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng nước ngoài có giá ít nhất là 1,2-1,5 triệu đồng, trong khi giá các sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc nhập về có giá chỉ dưới 200.000 đồng.
“Thị trường Việt Nam không có thương hiệu nào nổi bật từ khoảng 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Vì thế, với mong muốn lấp khoảng trống này nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, chúng tôi quyết định có thương hiệu riêng”, bà Anh nói.
Bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Điều hành Zalora Việt Nam và ông Tyler Norwood, phụ trách Bộ phận Marketplace. |
Điều may mắn của Zalora khi hoạt động tại Việt nam là bắt đầu từ năm thứ ba, công ty mẹ (Zalora vùng) cũng bắt đầu phát triển thương hiệu thời trang Zalora cho toàn vùng với khối lượng lớn, với khâu thiết kế do Zalora tự thực hiện và khâu sản xuất được thực hiện thông qua hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất có chi phí rẻ như ở Trung Quốc và Việt Nam. Sản phẩm sau đó được phân phối đến các thị trường thành viên. Và điều này giúp Công ty giảm giá thành sản xuất, đưa giá bán đến tay người tiêu dùng ở mức cạnh tranh trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng.
Nếu chỉ tính riêng tại Việt Nam, số lượng sản phẩm của Zalora hiện đã lên đến 35.000 sản phẩm, trong khi tính chung ở cả 7 thị trường châu Á mà Zalora đang hoạt động, con số này lên đến 200.000 sản phẩm. Với quy mô này, việc quản lý kho hiệu quả là vô cùng quan trọng để kịp thời phân phối sản phẩm đến khách hàng khi có yêu cầu. Vì thế, Zalora đã phát triển hệ thống quản lý kho thông qua hệ thống dựa trên nền tảng web kết hợp với thiết bị quét laser cầm tay, giúp nhân viên quản lý kho nhanh chóng đáp ứng nhu cầu khách hàng.
SỨC ÉP TĂNG TRƯỞNG
Chặng đường 3 năm qua có lẽ chỉ là giai đoạn “làm nháp” của Zalora. Công ty đã nhận được các khoản đầu tư lớn từ các chủ đầu tư và bây giờ sức ép mang lại lợi nhuận bắt đầu đè nặng lên vai các nhà điều hành. Bà Anh không cho biết con số doanh thu và lợi nhuận của Zalora Việt Nam nhưng có thể thấy, nếu căn cứ theo báo cáo Thương mại điện tử 2014 của Bộ Công thương, doanh thu năm ngoái của Zalora ước tính vào khoảng 125 tỉ đồng. Đây là con số khiêm tốn so với quy mô vốn đầu tư mà Zalora đã nhận được. Chính vì vậy, Zalora Việt Nam bắt đầu đặt kỳ vọng vào những chiến lược mới để có thể tăng trưởng nhanh hơn.
Chia sẻ với NCĐT, ông Rostin Javadi, Giám đốc Điều hành của Zalora phụ trách 3 thị trường Malaysia, Singapore và Hồng Kông, cho biết quy mô thị trường bán lẻ thời trang ở Đông Nam Á vào khoảng 60 tỉ euro, với mức tăng trưởng hằng năm vào khoảng 7%.
Việc Cộng đồng kinh tế chung ASEAN dự kiến ra đời vào cuối năm nay với quy mô dân số 600 triệu người đang mang lại cơ hội lớn cho Zalora. Ở đó Công ty có thể tạo sợi dây liên kết kinh doanh cho toàn vùng và sản phẩm ở quốc gia này sẽ được bán sang quốc gia khác. Hiện Zalora đang xây dựng hệ thống cho phép sản phẩm ở quốc gia này có thể được bán ở quốc gia khác trong thời gian nhanh nhất có thể.
Ngoài ra, một mô hình mà Zalora rất kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cao hơn là Marketplace, dù mô hình này cũng không phải là mới ở Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Tyler Norwood, Trưởng Bộ phận Phát triển Marketplace của Zalora Việt Nam, nền tảng này được khởi động cách đây gần 1 năm, trong đó Zalora tạo điều kiện để các thương hiệu thời trang nhỏ hơn, đặc biệt là các nhà thiết kế đặt gian hàng của riêng mình trên Marketplace để buôn bán và có cơ hội tiếp cận với lượng người dùng lớn truy cập vào website của Zalora.
Điều này cũng tạo sợi dây liên kết cho Zalora với các hãng thời trang, các nhà thiết kế trong nước, cũng như có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai như tổ chức các sự kiện thời trang với quy mô lớn. Thêm vào đó, hiện các thị trường khác trong khu vực đã triển khai Marketplace và điều này cho phép các nhà kinh doanh thời trang từ quốc gia này có thể bán được sản phẩm ở các thị trường khác.
Tuy vậy, thách thức vẫn rất lớn cho Zalora. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và trong khu vực hiện còn kém phát triển, dân số chủ yếu vẫn sống ở vùng nông thôn, những nơi xa xôi. Đó chính là rào cản lớn cho các công ty thương mại điện tử trong đó có Zalora.
Một thách thức lớn khác trong ngành bán lẻ trực tuyến là thói quen mua sắm của người dân ở Đông Nam Á chưa cao. Và vì thế, việc tạo niềm tin cho khách hàng vào kênh mua sắm hiện đại này là một nhiệm vụ rất nặng nề dành cho các doanh nghiệp trong ngành.
Để giải quyết thách thức này, mới đây Zalora đã mở một phòng trưng bày đầu tiên ở TP.HCM để đưa các sản phẩm của Zalora được tiếp xúc thực hơn với người tiêu dùng, gây dựng niềm tin nơi họ, đồng thời qua đó, sẽ hướng dẫn khách hàng cách thực hiện các giao dịch trực tuyến. Các phòng trưng bày còn hữu ích cho khách hàng trong việc làm quen với quy chuẩn về kích cỡ mà họ thường nhầm lẫn khi quan sát trực tuyến.
“70% các vụ việc trả lại hàng là kích cỡ không vừa. Vì thế, phòng trưng bày sẽ giúp khách hàng trải nghiệm lần đầu về kích cỡ, từ đó sẽ giúp cho họ có thêm kinh nghiệm khi đặt hàng trực tuyến sau này”, bà Anh nói.
Trong năm 2013, doanh thu ròng tại 7 thị trường ở châu Á của Zalora đạt 68,9 triệu euro. Con số này trong nửa đầu năm 2014 là 44 triệu euro. Năm ngoái, đã có 200 triệu lượt truy cập vào website của Zalora với tỉ lệ 38% truy cập thông qua điện thoại di động.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư