Ảnh: TL
Amazon vs Alibaba tại Việt Nam
A libaba, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc mới đây tiết lộ, trong tháng 10, sẽ có chương trình gặp gỡ hoành tráng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó, Amazon cũng đưa ra những hứa hẹn tạo dựng kênh bán hàng hiệu quả cho các thương hiệu đến từ Việt Nam.
Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) là lĩnh vực mà Alibaba và Amazon đang đối đầu trực tiếp tại Việt Nam. Trước đó, giữa tháng 8.2019, trong lần ra mắt Công ty Amazon Global Selling Việt Nam, Amazon đã nêu rõ: Amazon đang hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Giờ đây, gần 50% doanh số của Amazon trên toàn cầu đến từ doanh nghiệp. Tôi nghĩ tỉ lệ này sẽ càng tăng khi các doanh nghiệp có nhiều lợi thế rõ rệt”, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, cho biết.
Alibaba cũng đã phát triển mạng lưới thương mại điện tử B2B ở hơn 190 quốc gia/vùng lãnh thổ. Số lượng nhà môi giới thương mại, nhà buôn, nhà bán lẻ, nhà sản xuất và các công ty vừa và nhỏ trên Alibaba.com đã vượt trên 150 triệu. Trong đó, các thành viên thường xuyên giao dịch ở nền tảng Alibaba lên tới hơn 10 triệu công ty. Alibaba không định dừng lại vị thế này mà còn muốn đẩy mạnh hoạt động ra thị trường quốc tế. Lý do vì Alibaba nhìn thấy tiềm năng từ 71% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới chưa biết đến bán hàng online.
Ở Việt Nam, triển vọng cho thương mại điện tử B2B là rất lớn. Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy, chỉ mới 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh online. Con số này dự báo sẽ tăng lên mạnh mẽ do ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần xuất khẩu trực tiếp qua kênh thương mại điện tử B2B chiếm đến 98,1%, theo Tổng cục Thống kê.
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo đến năm 2020, tổng giá trị thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 994 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 476 tỉ USD. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh trên thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so Nhật.
Thực tế, theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương, thương mại điện tử B2B, nhất là giao dịch online xuyên biên giới đang trở thành kênh quan trọng cho xuất khẩu. Với việc tham gia nền tảng thương mại điện tử B2B, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều khách hàng trên thế giới, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm các chi phí liên quan đến xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.
Nhìn trên thị trường, tạo dựng sân chơi cho thương mại điện tử B2B dường như còn bỏ trống. Chẳng hạn, chính sách phát triển của Tiki, Lazada là tập trung vào Marketplace (sàn thương mại có quản lý). Riêng Shopee, Adayroi, Sendo... hiện là các sàn thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng). Các đơn vị này có kết hợp triển khai sàn thương mại B2B nhưng khá mờ nhạt.
Trong khi đó, triển khai sàn thương mại B2B là thế mạnh của Amazon hay Alibaba. Các tập đoàn này đến nay đã thiết lập được hệ sinh thái rộng lớn và khép kín, từ phát triển mạng lưới thành viên khắp toàn cầu đến tổ chức các dịch vụ hỗ trợ như thủ tục xuất nhập khẩu, công cụ thanh toán, logistics...
Trước mắt, với thị trường Việt Nam, Amazon đã lên kế hoạch hỗ trợ 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng của Amazon tại 185 quốc gia/khu vực trên thế giới. Thực tế thông qua Amazon, rất nhiều sản phẩm trong nước đã được người tiêu dùng thế giới biết đến như phin pha cà phê, cao Sao Vàng, cà phê Trung Nguyên, nón lá, nón quai thao...
Còn Alibaba cũng đã hiện diện ở Việt Nam hơn 5 năm, thông qua các đại lý và những đầu tư gián tiếp. Mới đây Alibaba đã lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và bắt tay với Fado để tư vấn giải pháp bán hàng, logistics, tài chính, pháp lý... cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Chỉ trong vòng 3 năm, Alibaba đã chi 4 tỉ USD để sở hữu 83% cổ phần Lazada Việt Nam và các nước Đông Nam Á cho thấy tham vọng mở rộng quốc tế của tập đoàn này.
Theo bà Jyotika Ahuja, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Alibaba, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và ở các nước nói chung vẫn còn lúng túng về giao dịch trên internet, về phương thức thanh toán, thủ tục pháp lý, xuất nhập khẩu, logistics, cách đánh giá uy tín người mua hàng, cách xử lý tranh chấp thương mại... Nếu được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, đầy đủ, Alibaba tin rằng, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy nhiều cơ hội, gia tăng giao dịch, xuất khẩu hàng hóa trên Alibaba.com. Hiện tại, những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành may mặc, thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí gia đình, gốm sứ, thực phẩm khô... sẽ có lợi thế về thương mại điện tử B2B hơn nhờ ưu thế sản phẩm và giá cả cạnh tranh.