Ai sợ nới room ngoại?
Thế nhưng, bên cạnh quan điểm đồng tình vẫn còn ý kiến phản bác.
Có tật, giật mình
Đã có rất nhiều phân tích và bàn luận về những tác động tích cực cũng như tiêu cực của bản dự thảo. Theo đó, ưu điểm lớn nhất của quyết định nới room là giúp thị trường được bổ sung thêm nhiều nguồn vốn mới. Đây chính là yếu tố quyết định cho sự hồi phục của TTCK.
Nếu xét về mặt vĩ mô, việc nới room sẽ có tác dụng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu và giúp nền kinh tế nhanh chóng lấy lại đà phục hồi. Thực tế cho thấy, gần như tất cả NĐT, cổ đông và số ít chủ của doanh nghiệp đều vui mừng với quyết định nới room ngoại vì nhiều lý do. Đầu tiên là doanh nghiệp sẽ có đối tác chiến lược lớn tham gia trực tiếp điều hành doanh nghiệp.
Khi đó, những khó khăn của doanh nghiệp về vốn, thị trường và nhân sự quản lý sẽ được giải quyết tốt hơn. Việc nâng cao hiệu quả quản trị sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi chuyện thua lỗ do đầu tư tài chính, thậm chí có thể thu lời lớn qua thương vụ thôn tính doanh nghiệp từ NĐT chiến lược.
Doanh nghiệp lên sàn niêm yết để huy động vốn, nâng cao phương thức quản trị doanh nghiệp, để làm giàu cho bản thân và người lao động trong doanh nghiệp. Lẽ dĩ nhiên phải chấp nhận nguy cơ bị thôn tính hay nguy cơ bị bãi nhiệm bởi chính cổ đông công ty. |
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng việc nới room cho khối ngoại sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước dễ bị thâu tóm và thậm chí mất đi bản sắc Việt.
Trong một bản phân tích về vấn đề thâu tóm doanh nghiệp được công bố mới đây, Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng vẫn có những doanh nghiệp sợ thâu tóm vì ít nhiều chịu sự tác động. Chẳng hạn, những vị trí điều hành chủ chốt trong doanh nghiệp sẽ được sắp xếp theo hướng những nhân sự không đủ năng lực sẽ bị điều chuyển sang vị trí công việc phù hợp.
Thực tế, những cán bộ có năng lực sẽ được trọng dụng và có cơ hội được đề bạt thăng tiến, nhưng ở một vài vị trí như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc điều hành sẽ bị thay thế vì năng lực yếu kém và có thể nhận được gói bồi thường lớn từ NĐT chiến lược (bồi thường về lương thưởng và giá mua CP rất cao).
Chính vì điều này, một số lãnh đạo doanh nghiệp vốn dĩ vừa lạm quyền, vừa tham nhũng sẽ không muốn bị mất quyền lực. Thay vào đó, họ sẽ dùng mọi thủ đoạn không hợp luật để phản bác như: vận động cơ quan đại diện cổ phần nhà nước không bán cổ phần nhằm duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước chi phối hoặc làm ầm ĩ chuyện đối tác nước ngoài thôn tính doanh nghiệp để làm mất đi thương hiệu Việt.
Nâng tầm quản trị doanh nghiệp
Vậy thương hiệu Việt có mất đi sau các thương vụ mua bán sáp nhập hay bị thôn tính bởi NĐT nước ngoài hay không? Theo VAFI, trên thực tế thương hiệu Việt, kể cả những thương hiệu nổi tiếng như Vinamit cũng không phải là thương hiệu toàn cầu hay thương hiệu khu vực mà chỉ có giá trị trên lãnh thổ Việt Nam.
Thương hiệu Việt chỉ tồn tại và phát triển nhờ phương thức quản trị doanh nghiệp tốt, ai điều hành quản lý thương hiệu doanh nghiệp cũng được, miễn là có hiệu quả. Hiện nay hàng trăm thương hiệu Việt nổi tiếng đã biến mất, đang dần biến mất hoặc chỉ tồn tại ở những vùng nông thôn nhỏ bé là do quản trị doanh nghiệp yếu kém, chứ không phải do mua bán sáp nhập hay bị thôn tính.
Giới đầu tư vẫn còn nhớ sự kiện tập đoàn nhựa hàng đầu của Thái Lan là NawaPlastic muốn trở thành cổ đông lớn của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP) thông qua con đường chào mua thỏa thuận với các cổ đông nước ngoài với mức giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết (nhưng vẫn ở mức giá hợp lý).
Đã có những câu trả lời khác nhau từ Chủ tịch HĐQT của BMP và NTP về nguy cơ bị cổ đông ngoại chi phối. Chủ tịch HĐQT BMP cho biết Ban lãnh đạo BMP không e ngại bị cổ đông chiến luợc nước ngoài chi phối, thậm chí còn hoan nghênh sự có mặt của nhà đầu tư Thái Lan.
Sự tự tin của Ban lãnh dạo BMP cho thấy họ là những người có năng lực và uy tín trong nhiều năm nay, rất cầu thị với các ý kiến đóng góp của cổ đông, những người như vậy không phải dễ tuyển dụng. Giả sử nếu có NĐT nắm cổ phần đa số của BMP họ vẫn phải trân trọng mời gọi những người cũ.
Thực tế, trong việc bầu HĐQT mới của BMP gần đây, 3 lãnh đạo của BMP chỉ là những cổ đông nhỏ nhưng họ vẫn có uy tín và chiếm nhiều phiếu bầu nhất trong HĐQT doanh nghiệp (HĐQT gồm 5 thành viên).
Dù lo ngại về sự thôn tính, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội được vào "mắt xanh" của khối ngoại. Thực tế, phần nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn là các doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh không hiệu quả. Với những đối tượng này thường không có cổ đông lớn tham gia mà chỉ bao gồm cổ đông cá nhân nhỏ lẻ và cổ đông nhà nước.
Trong khi đó, đối tượng khối ngoại để ý thường là những doanh nghiệp không có nợ nhiều, không có cổ đông nhà nước hay tỷ lệ cổ phần nhà nước ở mức thấp để thực hiện chiến dịch thu gom CP. Đây là những yếu tố quan trọng cho NĐT có thể làm chủ doanh nghiệp để thực hiện chiến lược tái cơ cấu nhằm phục hồi phát triển doanh nghiệp.
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp