Thị trường sữa Việt Nam ước đạt 135.000 tỉ đồng trong năm 2020. Ảnh: dautu

 
Minh Anh Thứ Ba | 26/01/2021 10:19

Ai đang đứng đầu thị phần ngành sữa?

Các doanh nghiệp ngành sữa vẫn đang trong cuộc cạnh tranh khá sôi động ở cả phân khúc sữa ngoại.

Liên tục những thương vụ M&A trong ngành sữa

Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam ước đạt 135.000 tỉ đồng trong năm 2020, tăng hơn 8% so với năm 2019, nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của các ngành hàng sữa chua và sữa uống. Các ngành hàng tăng trưởng cao gồm sữa uống 10%, sữa chua 12%, phô mai 11%, bơ 10% và các sản phẩm từ sữa khác 8% trong khi sữa bột chỉ tăng 4% về giá trị.

Nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm sữa ít bị ảnh hưởng hơn bởi COVID-19, khi chỉ giảm 6,1% về giá trị so với mức giảm 7,5% đối với tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh nói chung. Dù trong giai đoạn giãn cách xã hội, các trường học trên toàn quốc đã phải đóng cửa gần 3 tháng, lượng tiêu thụ sữa vẫn ổn định do người dân tăng cường sử dụng sữa tươi và sữa chua để tăng khả năng miễn dịch.

Ảnh:
Dịch COVID-19 còn là nhân tố giúp các công ty sữa cải thiện biên lợi nhuận. Ảnh: tuoitre

Thậm chí, dịch COVID-19 còn là nhân tố giúp các công ty sữa cải thiện biên lợi nhuận. Do dịch bệnh, giá sữa nguyên liệu duy trì ở mức thấp trong năm 2020. Ngoài ra, giá dầu lao dốc cũng giúp giảm chi phí đóng gói và vận chuyển. Các yếu tố này hỗ trợ tỉ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa. Vinamilk, doanh nghiệp sữa lớn nhất ngành ghi nhận tăng trưởng doanh thu 3% nhưng lợi nhuận đã tăng gần 8% sau 9 tháng đầu năm 2020.

Một điểm nhấn khác của ngành sữa năm nay là quá trình hợp nhất ngành sẽ tiến triển nhanh. Năm trước, thị trường đã ghi nhận một số thương vụ lớn như Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk, hay IDP được Blue Point và VietCapital mua lại.

Mộc Châu được cho là có màn lột xác sau khi về với Vinamilk, lãi ròng Sữa Mộc Châu 9 tháng đầu năm 2020 tăng 68%, trong khi IDP đạt 151 tỉ đồng lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm trước, so với 113 tỉ đồng trong năm 2019.

Ảnh:
Xu hướng cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng gay gắt. Ảnh: vietnamplus.

Cạnh tranh của ngành sữa, vì thế, cũng có xu hướng ngày càng gay gắt khi các công ty lớn mở rộng quy mô qua M&A và thị trường có thêm nhiều đối thủ gia nhập thị trường. Nhiều doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới, trong khi VitaDairy có vẻ đang phát triển nhanh trong phân khúc khúc sữa bột, đặc biệt sữa công thức cho trẻ em.

Theo đại diện VitaDairy chia sẻ, VitaDairy là doanh nghiệp đầu tiên nhập khẩu độc quyền sữa non ColosIgG24h về Việt Nam để bổ sung kháng thể IgG cho sữa công thức. Mặc dù khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng doanh thu của VitaDairy vẫn tăng trưởng tốt.

Ước tính tới cuối năm 2020, Vinamilk vẫn chiếm thị phần cao nhất ngành sữa với 43,3%. Nếu tính thêm cả Mộc Châu Milk, 2 doanh nghiệp này chiếm hơn 45% thị trường. Đứng sau Vinamilk là FrieslandCampina với 15,8%, còn lại các doanh nghiệp khác giữ dưới 10% thị phần.

Thị trường vẫn sôi động

Tốc độ tăng trưởng lượng tiêu thụ mặc dù ở mức dương nhưng thấp, đạt 2,1-3,9% so với năm trước. Trong số các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản phẩm từ sữa (chiếm 13% tổng sản lượng tiêu thụ hàng FMCG).

Mặc dù Vinamilk đang đứng đầu phân khúc sữa bột nhưng đã gặp không ít khó khăn do các đối thủ nhỏ hơn như Nutifood, Dutch Lady và TH true Milk, VitaDairy tung ra các sản phẩm mới. 

Cụ thể, dù theo sau Vinamilk ở phân khúc sữa bột nhưng nhờ sản phẩm đặc thù, kết hợp với mức giá trung bình thấp hơn 10-15% so với đối thủ, NutiFood và VitaDairy đang dần có được thị phần tăng trưởng tốt trên thị trường sữa bột.

Đánh giá về triển vọng ngành sữa trong năm nay, SSI Research cho rằng, sữa được coi là mặt hàng thiết yếu, nhu cầu từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do COVID-19.

Ảnh:
Trong số các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản phẩm từ sữa (chiếm 13% tổng sản lượng tiêu thụ hàng FMCG). Ảnh: vietnammoi.

Các công ty như Vinamilk và Vinasoys đã ghi nhận hiện tượng cơ cấu sản phẩm bán ra dịch chuyển về phía các sản phẩm giá rẻ trong 9 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra do nhóm thu nhập trung bình và cao ít bị ảnh hưởng hơn. Nhóm thu nhập trung bình và cao vẫn sẽ có xu hướng gia tăng tiêu thụ các sản phẩm cao cấp.

Bên cạnh đó, các hãng sữa quốc tế như Abbott, Friesland Campina, Mead Johnson, Nestle và nhiều hãng sữa nhỏ hơn khác đều có năng lực tốt về marketing và nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Do vậy những doanh nghiệp này luôn luôn là nguy cơ cạnh tranh với Vinamilk.

►Thị trường sữa chua: còn chỗ cho người đến sau