Long Châu gia nhập sau nhưng tận dụng được lợi thế dẫn đầu của chuỗi nhà thuốc với 1.500 cửa hàng toàn quốc. Ảnh: TL

 
Công Sang Chủ Nhật | 02/06/2024 07:30

6 điểm chạm của Long Châu

Long Châu tìm kiếm tăng trưởng mới thông qua kế hoạch chuyển đổi từ bán lẻ sang nền tảng chăm sóc sức khỏe.

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Retail (FRT), chủ quản hệ thống nhà thuốc Long Châu, công bố sẽ tham gia phát triển nền tảng chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.

Sân chơi sôi động hơn

Có 6 điểm chạm trong hệ sinh thái mà Long Châu hướng đến bao gồm y tế dự phòng, chẩn đoán, điều trị, nhà thuốc, theo dõi tại nhà và bảo hiểm - bảo lãnh thuốc. Với 2 dịch vụ dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay là theo dõi tại nhà qua ứng dụng LC247 và bảo hiểm - bảo lãnh thuốc, Long Châu đang tham gia 4/6 điểm chạm trong hành trình này.

Để thực hiện kế hoạch trên, FPT Retail sẽ huy động vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư (tối đa 10%). Vốn huy động được sẽ dùng trong việc mở các phòng khám, kho trung tâm mới. Cho đến nay, Công ty vẫn chưa thông báo cụ thể về quy mô số vốn sẽ huy động.

Nền tảng chăm sóc sức khỏe là sân chơi sôi động hơn rất nhiều so với bán lẻ nhà thuốc, với  2 cái tên nổi bật là Pharmacity và An Khang. Lấy ví dụ với điểm chạm là y tế dự phòng có những cái tên như VNVC, Nhi đồng 315 hay Viện Pasteur. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, dẫn đầu thị trường này là VNVC với 7 năm hoạt động và hơn 160 trung tâm tiêm chủng ở 50 tỉnh, thành.

Trong khi đó, ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ xa kết hợp với phòng khám đa khoa đang được dẫn dắt bởi các startup Medtech (công nghệ y tế) có thể kể đến như Jio Health hay Medigo. Nổi bật nhất về quy mô gọi vốn lẫn định giá là Jio Health với hơn 20,5 triệu USD huy động vốn và hiện được định giá hơn 98,4 triệu USD (theo Healthtech Alpha).

Long Châu gia nhập sau nhưng tận dụng được lợi thế dẫn đầu của chuỗi nhà thuốc với 1.500 cửa hàng toàn quốc (dự kiến đạt 1.900 trong năm nay), tiếp cận 15 triệu khách hàng với tỉ lệ quay lại đạt 75%. Số lượng khách hàng lớn đã giúp Công ty chuyển đổi dễ dàng hơn khi mở rộng sang y tế dự phòng. Nhận định này được định lượng cụ thể sau thời gian thử nghiệm chuỗi vaccine.

Bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết các trung tâm vaccine sau sau 6 tháng thử nghiệm có doanh thu 1,5 tỉ đồng/tháng. Con số này các nhà thuốc Long Châu phải mất 6 năm mới đạt được. Công ty đang có 60 chi nhánh tiêm vaccine và dự kiến đạt 100 trong năm nay. Tương tự, việc khám chữa bệnh từ xa và bảo hiểm - bảo lãnh vẫn sẽ xoay quanh chuỗi nhà thuốc, ứng dụng Long Châu để tiếp cận và phục vụ khách hàng.

Vượt qua giới hạn của nhà thuốc 

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2021 và là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn lên bảo hiểm y tế trong việc khám chữa bệnh trong tương lai gần. Đó là dấu hiệu thúc đẩy các công ty mở rộng thêm các dịch vụ liên quan đến sức khỏe.

Điển hình như trong bán lẻ dược phẩm, sự tham gia của các doanh nghiệp chuỗi nhà thuốc trong thời gian qua đã giúp việc quản lý dược phẩm minh bạch, đảm bảo chất lượng hàng hóa và dược sĩ được huấn luyện bài bản nhiều hơn, góp phần tăng nhận thức của người dân về hệ quả của việc lạm dụng kháng sinh. Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy xây dựng thông tin số lĩnh vực y tế để góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số y tế. Nếu tận dụng được hệ sinh thái có yếu tố công nghệ của mình, các công ty như Long Châu có thể vượt qua rào cản lớn nhất của ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam hiện nay chính là dữ liệu sức khỏe mỗi cá nhân đang bị phân mảnh.

FPT Retail phải đẩy nhanh kế hoạch xây dựng nền tảng chăm sóc sức khỏe của Long Châu khi chứng kiến đà sụt giảm kinh doanh của chuỗi bán lẻ kỹ thuật số FPT Shop. Dù doanh thu năm 2023 đạt hơn 31.000 tỉ đồng, tăng 6% so với năm ngoái, trong đó đóng góp của Long Châu lên đến 50%, nhưng cả năm Công ty báo lỗ 294 tỉ đồng. Dự đoán trong năm 2024, nhu cầu mua sắm công nghệ thông tin dự kiến tiếp tục đi ngang. Để cải thiện biên lợi nhuận cho FPT Shop, đại diện FPT Retail cho biết sẽ tiếp tục rà soát và đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả. Năm ngoái, đã có 30 cửa hàng bị đóng cửa hoặc chuyển đổi sang mô hình nhà thuốc Long Châu.

Ngoài ra, kế hoạch 6 điểm chạm của Long Châu không có mảnh ghép sản xuất dược phẩm. Trong khi đó, theo chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu trong nước.

Tuy nhiên, đầu tư vào dược phẩm có chi phí rất lớn. Trong đó, hoạt động R&D thường chiếm 15% doanh thu của công ty dược và phát triển một loại thuốc mới phải mất từ 10-15 năm với chi phí khoảng 2,6 tỉ USD… Với tham vọng trở thành nền tảng chăm sóc sức khỏe, liệu Công ty sẽ bổ sung mảnh ghép này trong thời gian tới thông qua hình thức đầu tư chiến lược vào một doanh nghiệp sản xuất dược?

Trao đổi với NCĐT, bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc Điều hành FPT Retail, cho biết để làm nền tảng chăm sóc sức khỏe không tự làm hết mọi thứ. Tham gia mảng y tế dự phòng, Công ty đã chuyển mình thành đơn vị chăm sóc sức khỏe, chứ không còn là công ty bán lẻ. “Hiện tại, chúng tôi đang tập trung cho mảng vaccine và triển khai dịch vụ LC247 trong quý IV năm nay”, bà Quyên nói.