Ngành hàng ICT cũng dự báo sẽ hồi phục chung theo toàn ngành bán lẻ. Ảnh: TL.
3 trợ lực chính của ngành bán lẻ
Áp lực lạm phát gia tăng khiến các Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất, tiêu dùng tại các thị trường lớn giảm tốc làm cho xuất khẩu trì trệ, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), do PMI là loại chỉ số dẫn dắt (leading indicator) nên chỉ số PMI thấp trong nửa đầu năm đã phản ánh vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ vào những tháng sau đó.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá các tháng trong năm 2023 đều giữ mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, tuy nhiên tốc độ đã chậm lại kể từ tháng 6/2023 kéo dài đến tháng 10/2023 tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 6-7%. |
Bước sang năm 2024, KBSV kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ có những tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn khi những tín hiệu vĩ mô đã có dấu hiệu phục hồi tác động tích cực đến sức mua của nền kinh tế.
Đầu tiên là xuất khẩu phục hồi. Xuất khẩu là yếu tố quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, đóng góp tỉ trọng đáng kể vào cơ cấu GDP. Nửa đầu năm 2023, kinh tế các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU giảm tốc ảnh hưởng khá lớn đến xuất khẩu từ đó làm hạn chế lượng việc làm của người dân khiến thu nhập giảm mạnh. Thời gian gần đây xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục, các tháng gần đây quay trở lại mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ sau nhiều tháng sụt giảm. “Đây là tín hiệu tốt khi xuất khẩu phục hồi sẽ tạo thêm việc làm cho người dân từ đó gia tăng thu nhập”, KBSV nhận định.
Thứ hai lạm phát hạ nhiệt. Tại Việt Nam, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt từ đầu năm. Lạm phát chung từ vùng đỉnh 4,9% từ đầu năm đã hạ nhiệt có những tháng về mức 2% và hiện tại dao động trong khoảng 3,4-3,6%. Trên thế giới, lạm phát tại Mỹ cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau thời gian dài neo lãi suất ở mức cao từ vùng đỉnh, lạm phát giảm từ vùng đỉnh 9% hiện tại tháng 11/2023 chỉ còn 3,2%. FED trong cuộc họp mới đây cũng cho biết họ dự báo sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024, đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
Thứ ba là trợ lực từ lãi suất. Theo KBSV, lãi suất hạ nhiệt nhưng cần thêm thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế. Sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại theo đó cũng giảm lãi suất huy động của mình về mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Lãi suất cho vay theo đó cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề nên tăng trưởng tín dụng còn thấp và các doanh nghiệp vẫn chưa hấp thụ được lượng vốn này.
KBSV kỳ vọng sau những động thái chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng về việc khơi thông dòng vốn sẽ giúp tăng trưởng tín dụng trở lại, nền kinh tế sẽ bắt đầu hấp thụ được dòng vốn để thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với riêng lĩnh vực bán lẻ, KBSV cho rằng các ngành hàng đều có câu chuyện tăng trưởng riêng, với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNM, MSN) tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế, các doanh nghiệp này cũng hưởng lợi khi lạm phát hạ nhiệt các nguyên liệu đầu vào giảm giá sẽ tối ưu được biên lợi nhuận. Ngành hàng ICT cũng dự báo sẽ hồi phục chung theo toàn ngành bán lẻ, ngoài ra cũng sẽ có những câu chuyện phục hồi riêng, có thể kể đến như chu kỳ thay thế điện thoại, laptop hoặc dừng phát sóng 2G, 3G.
Có thể bạn quan tâm
Tiêu dùng trong nước gặp nhiều “làn gió thuận” trong năm 2024