Ảnh: LC
3 bài toán khó chờ đợi tân Tổng giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên
Đó là; giữ doanh thu đồng thời tối ưu lợi nhuận đối với chuỗi FPT Shop; nhanh chóng mở rộng quy mô và đạt được điểm hòa vốn đối với chuỗi nhà thuốc Long Châu; xây dựng thành công thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm F.Beauty như là một bước ban đầu để đa dạng hóa nguồn thu, tạo triển vọng tăng trưởng ổn định trong tương lai.
Một năm trở lại đây, cổ phiếu FRT của Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã mất tới hơn nửa giá trị. Sự suy giảm này gắn liền với kết quả cũng như triển vọng tăng trưởng kém tươi sáng của doanh nghiệp này.
Năm 2019, mặc dù doanh thu thuần của FPT Retail vẫn tăng trưởng 8,7% nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm tới 36% so với năm 2018.
Bản thân CEO tiền nhiệm Nguyễn Bạch Điệp cũng từng thừa nhận rằng mảng kinh doanh của FPT Shop - chủ lực của FPT Retail hiện tại - đã tiến tới bão hòa, trong khi đó, việc gối đầu bằng mảng kinh doanh khác lại diễn ra khá muộn, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ nay cho đến khi mảng kinh doanh gối đầu thực sự tạo ra quy mô đáng kể.
Trong báo cáo phân tích công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo đối với mảng kinh doanh điện thoại di động, dù doanh số năm 2020 dự báo đi ngang nhưng lãi ròng có thể vẫn tăng 12% nhờ đóng góp lớn hơn từ mảng phụ kiện vốn có biên lợi nhuận cao và không còn dự phòng nợ xấu.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh nhà thuốc - mảng gối đầu chủ lực của FPT Retail - sẽ tăng lỗ trong quá trình mở rộng quy mô.
Cụ thể, VCSC ước tính khoản lỗ ròng từ mảng này sẽ tăng từ 31 tỷ đồng trong năm 2019 lên 111 tỷ đồng trong năm 2020 và tiếp tục tăng lên 155 tỷ đồng trong năm 2021, trong bối cảnh chuỗi này vào giai đoạn tăng tốc và có chi phí hoạt động ban đầu cao.
VCSC ước tính doanh số/cửa hàng hàng tháng của chuỗi Long Châu (không tính 10 cửa hàng ban đầu chưa hợp nhất ghi nhận doanh số/cửa hàng cao hơn) đạt 1,2 tỷ đồng trong năm 2019, cao hơn đáng kể so với trung bình ngành.
FPT Retail đặt mục tiêu mở thêm 150 cửa hàng Long Châu mới trong năm 2020, tăng số lượng cửa hàng lên 220.
"Trong khi việc tích cực mở rộng chuỗi Long Châu củng cố tốt cho triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty trong bối cảnh mảng kinh doanh điện thoại di động dần bão hòa, chúng tôi cho rằng khoản lỗ của Long Châu sẽ tăng trong giai đoạn 2020-2021 do chi phí ban đầu cao (ví dụ như chi phí logistics, đào tạo nhân viên và đầu tư vào IT) trước khi giảm lỗ vào giai đoạn 2022-2023 nhờ lợi ích về quy mô", báo cáo của VCSC nhấn mạnh.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh nhà thuốc, FPT Retail đang thử nghiệm thêm ở mảng bán lẻ mỹ phẩm khi ra mắt chuỗi F.Beauty từ cuối năm 2019 với cửa hàng đầu tiên đặt tại Hà Nội.
Long Châu và F.Beauty mỗi chuỗi nhắm đến một bộ phận của thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Trong khi Long Châu theo mô hình nhà thuốc truyền thống tập trung vào các loại thuốc và thực phẩm chức năng, F.Beauty tập trung vào các sản phẩm làm đẹp.
Theo Euromonitor, thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tại Việt Nam trị giá 10 tỷ USD (2018) và sẽ tăng trưởng kép 7%/năm trong giai đoạn 2018 - 2023.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo công bố hồi đầu năm nay, đây là thị trường cực kỳ phân mảnh khi 14 chuỗi lớn nhất chỉ chiếm 1,4% thị trường.
Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen chi ra rằng chi tiêu mỹ phẩm bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 4 USD, trong khi con số đó ở Thái Lan là 20 USD, cho thấy tiềm năng là rất lớn. Tăng trưởng thu nhập khả dụng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu/giàu có tạo ra nhu cầu dồi dào cho các sản phẩm làm đẹp, mà giờ đây không chỉ đến từ nữ giới mà còn cả nam giới.
Hơn nữa, người tiêu dùng cũng đang chuyển từ mỹ phẩm xách tay và không rõ nguồn gốc được bán online sang mua sắm tại các nhà bán lẻ chuyên nghiệp và có uy tín để tránh hàng nhái, hàng giả.
Thị trường bán lẻ mỹ phẩm có nhiều điểm tương đồng với bán lẻ dược phẩm: một thị trường khá lớn với mức độ phân mảnh cực kỳ cao và chưa có người thống trị.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia VDSC, so với bán lẻ thuốc, nơi FPT Retail chủ yếu cạnh tranh với các nhà thuốc tư nhân vừa và nhỏ, với mỹ phẩm, doanh nghiệp này sẽ phải cạnh tranh với nhiều chuỗi mỹ phẩm ngoại như: Watson, Guardian, The Face Shop..., đây là những doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực lớn trong ngành.
Ngoài ra, nếu như trước khi được FPT Retail mua lại, Long Châu đã là một trong những hiệu thuốc hàng đầu với doanh thu trên mỗi cửa hàng vượt trội so với các chuỗi dược khác thì FPT Retail đang xây dựng F.Beauty từ ban đầu.
"Do đó, chúng tôi có quan điểm thận trọng về triển vọng của chuỗi F.Beauty", báo cáo của VDSC nêu góc nhìn.
Tựu trung, đang có ba bài toán khó chờ đợi tân Tổng giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên: giữ doanh thu đồng thời tối ưu lợi nhuận ở mảng kinh doanh ICT; nhanh chóng mở rộng quy mô và đạt được điểm hòa vốn đối với chuỗi nhà thuốc Long Châu; xây dựng thành công thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm F.Beauty như là một bước ban đầu để đa dạng hóa nguồn thu, tạo triển vọng tăng trưởng ổn định trong tương lai.
FPT Retail: Long Châu là điểm sáng nhưng vẫn còn chặng đường dài phía trước