Văn hóa doanh nghiệp không nên dùng từ “xây dựng”, mà là "điều chỉnh".
Văn hóa doanh nghiệp – Câu chuyện Công ty Xuân Trang
(Bài viết được thực hiện vào năm 2009.)
Không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu không phải bằng sức mạnh tài chính mà bằng một yếu tố lâu nay chưa được nhìn nhận đúng với giá trị vốn có: văn hóa doanh nghiệp. Có thể nói văn hóa doanh nghiệp dường như ít được các nhà quản trị xem trọng, hoặc chỉ xem như là một chiếc áo đẹp, để dành cho chiến thuật tiếp thị hình ảnh thương hiệu. Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của văn hóa doanh nghiệp không chỉ có vậy.
Trong khi các doanh nghiệp lớn lao đao do tác động của khủng hoảng kinh tế thì doanh nghiệp nhỏ lại càng dễ chết. Nhưng một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã vượt bão bằng những cách khác nhau. Xuân Trang, một công ty phân phối dược phẩm từng được xếp đầu bảng trong cuộc “Khảo sát 50 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam” do Navigos Group, báo Thanh Niên và AC Nielsen thực hiện năm 2007, đã vượt khủng hoảng bằng chính “văn hóa doanh nghiệp”.
Giữa năm 2008, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Xuân Trang đối mặt với hàng loạt vấn đề như ngân hàng ngưng cho vay trong khi nợ khó đòi bủa vây, mất thanh khoản tiền mặt dẫn đến mất khả năng trả lương trong hơn 3 tháng. Tiến sĩ Trịnh Quốc Trị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xuân Trang, bộc bạch: “Tôi đã quyết định chia sẻ tình cảnh này với nhân viên”.
Văn hóa doanh nghiệp là một trong những giá trị quan trọng để kết dính tập thể, là phao cứu sinh cho doanh nghiệp lúc gian nguy. |
Lúc ấy, trụ sở của Xuân Trang tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp, TP.HCM. Thay cho hình ảnh ảm đạm doanh nghiệp bị “suy nhược” thời khủng hoảng lại là một không khí rất sôi động. Hàng trăm nhân viên vẫn hăng say làm việc dù không lương. Có nhân viên còn trả nhà thuê vào ở trong công ty để tiết kiệm chi phí. Một số khác thì vay tiền để hỗ trợ tài chính cho Xuân Trang tiếp tục hoạt động. Sau vài tháng, Công ty dần hồi phục. “Trong thời điểm sống còn đó, trong số hàng trăm nhân viên chỉ có 2 người ra đi”, ông Trị nói. Theo ông, văn hóa doanh nghiệp là một trong những giá trị quan trọng để kết dính tập thể, là phao cứu sinh cho doanh nghiệp lúc gian nguy.
Ông Trị là tiến sĩ chuyên ngành văn hóa doanh nghiệp nên ông chủ trương định hướng văn hóa Xuân Trang phải được vận dụng mỗi ngày. Văn hóa ở công ty này có thể khiến người chứng kiến ban đầu tưởng chừng như là một loại “tín ngưỡng”. Đó là những buổi chào cờ đầu tuần, những trái tim bằng giấy mà các nhân viên trao cho nhau mỗi khi đồng nghiệp mang lại cho họ một niềm vui, hạnh phúc trong công việc, cuộc sống. Người nào càng mang lại nhiều hạnh phúc thì càng nhận được nhiều trái tim và như vậy bản thân họ cũng hạnh phúc. Đây là những biểu hiện của cốt lõi văn hóa Xuân Trang: “nhận và đem lại hạnh phúc cho mọi người”.
Khi đặt câu hỏi vì sao Xuân Trang xây dựng được văn hóa doanh nghiệp như thế, ông Trị cho rằng: “Văn hóa doanh nghiệp không nên dùng từ “xây dựng”, mà là "điều chỉnh", bởi trước khi có doanh nghiệp mỗi con người đã có văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp cũng không có đúng, sai mà chỉ có áp dụng sao cho phù hợp và nó hoàn toàn có thể định lượng được, chứ không phải là yếu tố vô hình như nhiều người thường nghĩ”. Và văn hóa doanh nghiệp đã được ông điều chỉnh theo mô hình dưới đây.
Lược đồ “Định hướng văn hóa doanh nghiệp” được ông Trị đưa ra có trục hoành gồm 2 yếu tố đưa doanh nghiệp hướng ngoại, hướng nội; trục tung gồm 2 yếu tố quản lý hoạt động doanh nghiệp theo lối linh hoạt hay kiểm soát chặt chẽ. Và đây là những sự kết hợp:
Linh hoạt + hướng nội = văn hóa hợp tác, tính cách gia đình, hướng doanh nghiệp đến sự phát triển lâu dài, thường phù hợp với các công ty theo phong cách quản lý gia đình.
Linh hoạt + hướng ngoại = văn hóa sáng tạo, đưa doanh nghiệp tạo nên những bước đột phá, thường phù hợp với các công ty sáng tạo, dịch vụ.
Kiểm soát + hướng nội = văn hóa tôn ti trật tự, nhận quyền và làm đúng, thường phù hợp với các công ty sản xuất.
Kiểm soát + hướng ngoại = văn hóa cạnh tranh, thường phù hợp với các công ty trong lĩnh vực phân phối, quan tâm nhiều đến yếu tố về chất lượng và doanh số bán hàng.
Định hướng văn hóa doanh nghiệp sẽ không cứng nhắc chỉ có một hướng mà có thể là sự phối hợp giữa các yếu tố này, theo tỉ lệ khác nhau. Mô hình văn hóa của Xuân Trang là văn hóa hợp tác, tính cách gia đình hướng đến phát triển lâu dài, kết hợp với văn hóa cạnh tranh. Ông Trị lý giải, mỗi doanh nghiệp ngành nghề khác nhau, mục tiêu khác nhau thì sẽ có tư duy khác nhau và thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, ông Trị cho rằng, tư duy văn hóa dù thể hiện như thế nào vẫn phải xoay quanh một hạt nhân được gọi là “cốt lõi phẩm chất doanh nghiệp”. Ông chọn “hạnh phúc” là cốt lõi phẩm chất của Xuân Trang, phù hợp với tính cách văn hóa hợp tác.
Ông lý giải cho lựa chọn này: “Một tập thể 50 người thì mỗi người nên chia sẻ hạnh phúc bằng bất kỳ hình thức nào cho 49 người còn lại. Nếu 50 người cùng chia sẻ hạnh phúc cho nhau thì số lượng hạnh phúc là 50 x 49 x 3.600 (giây) x 8 (giờ làm việc) = 70.560.000 hạnh phúc/ngày làm việc. Với số lượng hạnh phúc như vậy, môi trường làm việc sẽ luôn thoải mái, tập thể sẽ gắn kết, hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Cho nên, hạnh phúc là giá trị văn hóa cốt lõi của Xuân Trang”.
Ông Trị là nhà sáng lập và điều hành cùng một lúc 3 công ty, nhưng ông cho biết: “Tôi luôn cảm thấy thoải mái bởi một đội ngũ nhân sự sống với nhau như gia đình theo văn hóa hợp tác, cạnh tranh cùng có lợi và cùng chia sẻ hạnh phúc. Nhưng theo tôi, văn hóa doanh nghiệp chỉ mới là 1 chân trong chiếc kiềng 3 chân. Để giữ vững doanh nghiệp, nó vẫn cần sự tương trợ của 2 chân còn lại là “hệ thống quản trị” và “năng lực đào tạo”. Thiếu 1 trong 3, doanh nghiệp khó thành công!”.
Cho nên, bên cạnh định hướng văn hóa doanh nghiệp, ông Trị còn dành khá nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu quy trình làm việc giữa các bộ phận nhằm phát triển hệ thống làm việc liên hoàn và tin học hóa đồng bộ (có thể xem như một dạng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp - ERP). Ngoài ra, ông cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo. Ông nói: “Nâng cao năng lực nhân viên là yếu tố cần thiết để ERP và văn hóa doanh nghiệp thành công”. Điều này có nghĩa, nếu văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo ra “động lực” thì đào tạo góp phần tạo ra “năng lực”. Khi động lực tốt kết hợp với năng lực tốt thì cá nhân sẽ góp phần đưa công ty phát triển, không thì sẽ ngược lại.
Điều này được ông chia sẻ qua mô hình “Động lực và năng lực cá nhân”. Theo đó, người có năng lực cao + động lực cao = thành công; năng lực cao + động lực thấp = phá hoại; năng lực thấp + động lực cao = phá hoại; năng lực thấp + động lực thấp thì không thể đồng hành cùng doanh nghiệp.
Do vậy, đa phần nhân viên Công ty Xuân Trang đều được hỗ trợ 50% kinh phí để tham gia các chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA).
Phỏng vấn ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win, người từng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn như Xi măng Holcim, Tập đoàn Đồng Tâm, Tập đoàn Hoa Sen, May Việt Tiến, PTSC, Công ty Vật tư - Xăng dầu Comeco... về câu chuyện văn hóa công ty. Ông có thể cho một định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp? Văn hóa doanh nghiệp phải được nhìn từ trong ra ngoài, vì bên trong có chiều sâu thì những gì thể hiện ra bên ngoài mới có tính chân thực. Nó là chuẩn mực hành vi như cách nghĩ, cách làm, cách tư duy được kết tinh trong quá trình làm việc của một tập thể. Từ đó, lời hứa của thương hiệu không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào mà nó được chính bản sắc văn hóa nâng đỡ và cam kết thực hiện. Và sự bền vững của thương hiệu được khẳng định theo tuổi đời của doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là làm thế nào để công ty trở thành một tổ chức tràn đầy sức sống, nhân viên xem công ty như ngôi nhà thứ 2 để cùng chiến đấu và làm việc hết mình, tiềm năng của nhân viên được đánh thức bằng chính niềm tự hào trong quá trình làm việc và mỗi nhân viên trở thành sứ giả quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp. Những công ty hàng đầu thế giới thường không tuyên bố “bán sản phẩm hay dịch vụ chất lượng cao” mà họ bán “giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm đó”. Họ luôn đặt văn hóa doanh nghiệp là “sản phẩm hàng đầu” mà họ theo đuổi, còn sản phẩm doanh nghiệp bán ra là “sản phẩm thứ 2”. Nếu xây dựng thương hiệu là mở “tài khoản tình cảm” trong tim của khách hàng thì xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng bền vững cho sự phát triển thương hiệu. Đâu là những yếu tố cần để định hướng văn hóa một doanh nghiệp? Những doanh nghiệp thành công rất chú trọng việc xây dựng bản sắc văn hóa doanh nghiệp. Họ làm điều này bằng cách hướng tất cả suy nghĩ và hành động của mọi người trong doanh nghiệp về việc phục vụ khách hàng (bên trong và bên ngoài). Họ xây dựng giá trị cốt lõi dựa trên lợi ích chung (khách hàng, cán bộ nhân viên và doanh nghiệp). Và giá trị cốt lõi đó được quán triệt bởi lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp trong từng suy nghĩ và hành động, sau đó lan tỏa dần đến cán bộ cấp trung và cuối cùng là nhân viên. Doanh nghiệp quy mô nào và ở giai đoạn nào thì nên ý thức định hướng văn hóa doanh nghiệp? Xây dựng bản sắc văn hóa là quá trình đầu tư dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững. Ngay từ ngày thành lập, nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì từng bước đi của doanh nghiệp sẽ rất bền vững. Còn khi doanh nghiệp đã phát triển ở quy mô mà lãnh đạo doanh nghiệp không thể quán xuyến hết được thì xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một yêu cầu rất quan trọng. Nó giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển bền vững mà còn phát triển nhanh hơn. Liệu có thể có sai lầm khi định hướng văn hóa doanh nghiệp? Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có 2 việc rất quan trọng. Thứ nhất là xây dựng giá trị cốt lõi và chuẩn mực hành vi. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt Nam xây dựng giá trị cốt lõi và chuẩn mực hành vi không dựa trên sự mong đợi của lãnh đạo, không xuất phát từ đòi hỏi tiềm ẩn của cán bộ nhân viên, không phù hợp với xu hướng kinh doanh hiện đại, không phù hợp với đặc thù của lĩnh vực mà doanh nghiệp tham gia, không phù hợp chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Vì vậy, dù đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không mang lại hiệu quả. Thứ 2, khi có được giá trị cốt lõi và chuẩn mực hành vi đúng, doanh nghiệp phải chọn một phương cách để cán bộ nhân viên thấm nhuần giá trị đó trong từng suy nghĩ và hành động. Nhiều doanh nghiệp đã chọn phương pháp chuyển tải đơn giản như một lớp học “thầy nói, trò nghe”. Cách làm này sẽ không tạo ra kết quả như mong đợi. Việc chuyển tải hiệu quả phải bằng một mô hình quản lý theo từng giá trị và chuẩn mực hành vi cụ thể. Xin cảm ơn ông! |