TikTok trong thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Reuters.
Trung Quốc không đồng ý TikTok tách khỏi ByteDance?
Sau thông tin "gã khổng lồ" của ngành truyền thông xã hội TikTok cân nhắc tách khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc là ByteDance, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra quan điểm về vấn đề này.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào ngày 23/3, trong trường hợp TikTok muốn tách khỏi ByteDance, ứng dụng buộc phải tuân thủ theo các nguyên tắc dựa trên Luật Thương mại của quốc gia này. Luật yêu cầu TikTok nộp đầy đủ các bằng chứng chứng minh công nghệ của TikTok không gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Theo hãng tin CNBC, vài giờ trước khi ông Shou Zi Chew, CEO TikTok, điều trần trước Hạ viện Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã nói rằng sẽ có quyết định phù hợp dựa trên luật pháp quốc gia.
Ông Shou Zi Chew, CEO TikTok, trong buổi điều trần trước Hạ viện Mỹ. Ảnh: CNBC. |
Trên thực tế, ByteDance có toàn quyền kiểm soát hợp pháp đối với TikTok, điều này càng làm các nhà chức trách Mỹ nghi ngờ nhiều hơn về sự độc lập và khả năng tái cấu trúc của ứng dụng sau khi tách khỏi công ty mẹ.
Mỹ từng đặt các lệnh hạn chế đối với các doanh nghiệp và cá nhân Mỹ làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến ngành công nghệ, đặc biệt là chất bán dẫn cao cấp. Vì vậy, TikTok đã tham gia vào “Dự án Texas” nhằm lấy lòng Chính phủ Mỹ, cũng như thể hiện sự quyết tâm rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không có quyền can thiệp vào các dữ liệu riêng của công ty.
Trong khi các nhà chức trách Mỹ cho rằng việc TikTok tách khỏi ByteDance là điều cần thiết thì phía Trung Quốc cũng đã có động thái mới. Tuyên bố mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy Chính quyền Bắc Kinh có lẽ sẽ nhúng tay vào sự kiện lần này nhằm ngăn chặn TikTok thoái vốn để chính thức gia nhập thị trường Mỹ.
Khi được hỏi về quan điểm của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ 5, CEO TikTok cho biết ứng dụng này không có sẵn ở Trung Quốc, trụ sở lại được đặt ở Los Angeles. Nhưng ông cho biết một số dự án kỹ thuật của công ty đã có sự nhúng tay của các chuyên gia từ công ty mẹ ByteDance. Và một vài nhân viên từ ByteDance vẫn có quyền truy cập vào các dữ liệu của TikTok ở Mỹ, tuy nhiên việc này sẽ kết thúc ngay khi TikTok hoàn thành “Dự án Texas”.
Cửa khó của TikTok
Về phía Chính quyền Bắc Kinh, người đại diện cho biết các doanh nghiệp có trụ sở chính ở Trung Quốc buộc phải tuân thủ luật pháp và quy định của quốc gia này kể cả khi có trụ sở ở nước ngoài.
Hiện tại vẫn chưa rõ Luật Kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc, được ban hành vào tháng 1/2020, sẽ áp dụng như thế nào với TikTok. Các loại hình xuất khẩu khác nhau được quản lý bởi các tổ chức Chính phủ khác nhau, và mỗi tổ chức có một hệ thống quản lý riêng.
Thời điểm Chính phủ Trung Quốc thông qua Luật Kiểm soát xuất khẩu các công nghệ quan trọng lag giữa lúc nước này gia tăng cuộc cạnh tranh với Mỹ. Nhiều chuyên gia trong ngành cho biết đó ý đồ của Trung Quốc chính là tiếp cận và chi phối các công nghệ giúp thúc đẩy nền kinh tế hiện đại của quốc gia này. Cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều lấy an ninh quốc gia làm lý do để kiểm soát tốc độ phát triển công nghệ của đối phương.
Với hơn 150 triệu người sử dụng ứng dụng tại Mỹ, tương đương khoảng một nửa dân số của đất nước, TikTok nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng không thể bỏ qua. Và TikTok hiện đang đứng giữa việc thoái vốn khỏi ByteDance hoặc bị cấm tại Mỹ. Sau buổi điều trần kéo dài hơn 5 tiếng, các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa ra quyết định cuối cùng cho ứng dụng này ngoài việc TikTok đã bị cấm trên các thiết bị riêng của những thành viên Chính phủ Mỹ.
Giới quan sát cho biết ByteDance và TikTok có thời gian từ 3 đến 6 tháng để hoàn tất các thủ tục giấy tờ có liên quan nếu ứng dụng này chấp nhận bán mình cho một công ty công nghệ của Mỹ. Ngược lại, nếu ByteDance không đồng ý, khả năng TikTok bị cấm ở Mỹ vào cuối năm 2023 là rất cao.