18 vạn tỉ đồng là số tiền mà 6 doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất sàn chứng khoán đang nắm giữ.

 
Thứ Hai | 10/10/2022 14:24

Ngai vàng tiền mặt

Nhiều doanh nghiệp đang có lượng tiền mặt hàng tỉ USD và bài học về cách tiêu tiền hiệu quả.

18 vạn tỉ đồng là số tiền mà 6 doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất sàn chứng khoán đang nắm giữ, thậm chí còn cao hơn cả vốn hóa của các ngân hàng lớn như VietinBank hay MB.

TỈ USD TRONG KÉT SẮT

Trải qua 2 năm kinh doanh thăng hoa, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát chính thức lên “ngôi vương tiền mặt” và trở thành doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền mặt lớn nhất Việt Nam. “Vua thép” đang nắm giữ gần 1,8 tỉ USD ở các khoản tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn. 

Thành quả này được cộng hưởng từ đà tăng phi mã của giá thép vào ngay đúng thời điểm Hòa Phát mở rộng công suất dự án Dung Quất, giúp tập đoàn này hưởng trọn lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2021. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, tổng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tính trong giai đoạn 2020-2021 của Hòa Phát lên tới gần 40.000 tỉ đồng. Con số này đã đẩy lượng tiền mặt của Hòa Phát tăng gần 7 lần chỉ trong vòng 2 năm.

Hoà Phát đang nắm giữ gần 1,8 tỉ USD ở các khoản tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn.
Hoà Phát đang nắm giữ gần 1,8 tỉ USD ở các khoản tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Trong tương lai, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng Hòa Phát ngày càng tiến gần hơn trên con đường gia nhập nhóm 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Nhận định này hoàn toàn khả thi, khi Hòa Phát có kế hoạch triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Đặc biệt khi dự án được hoàn thành theo kế hoạch vào năm 2025, tổng sản lượng thép của Hòa Phát sẽ đạt mức khổng lồ 14 triệu tấn/năm.

Gần đây nhất, Hòa Phát cũng vừa hoàn tất lễ ký kết hợp đồng vay hợp vốn tín dụng từ 8 ngân hàng lớn, với tổng giá trị 35.000 tỉ đồng, để tài trợ cho dự án Dung Quất 2. Tiến độ của dự án cũng được báo cáo sẽ tiếp tục được hoàn thành nhanh chóng. 

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát, cho biết: “Toàn bộ hợp đồng ngoại, hợp đồng nội chúng tôi đã chuẩn bị xong, hiện chúng tôi đã triển khai một vài phần việc và cam kết 28-30 tháng sẽ ra sản phẩm đầu tiên. Chúng tôi sẽ làm rất nhanh, rất cẩn thận với tiến độ tốt nhất”.

Đáng chú ý, Hòa Phát vẫn đang tiếp tục giữ vững thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, chiếm 1/3 tổng thị phần và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép HRC. “Nhu cầu tiêu thụ HRC sẽ tăng trưởng hằng năm 10%, chúng tôi tính toán rằng đến năm 2025 Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 16-17 triệu tấn HRC, nếu thêm 6 triệu tấn từ Dung Quất 2 thì trong nhu cầu có thể tiêu thụ được”, ông Trần Đình Long nhận định.

Trái ngược với Hòa Phát, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại bị tác động nặng nề do đại dịch COVID-19. Các sắc lệnh phong tỏa đã khiến ngành hàng không và ACV gặp nhiều khó khăn, đặc biệt lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của ACV thậm chí đã ghi nhận giá trị âm trong năm 2021.

Tuy nhiên, với lượng tiền mặt lên tới 1,5 tỉ USD, ACV ghi nhận mức lãi tiền gửi “khủng” lên tới hơn 1.700 tỉ đồng, giúp công ty này thoát lỗ trong năm 2021. Theo tính toán, mức lãi “thụ động” này còn cao hơn cả lợi nhuận mà các tập đoàn lớn khác trầy trật có được trong suốt một năm kinh doanh. Hai doanh nghiệp sở hữu tiền mặt tỉ USD khác là Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) và Công ty Cổ phần FPT cùng ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu khả quan trong thời gian gần đây. 

Trong khi xung đột Nga - Ukraine đang đẩy giá dầu tăng phi mã, khiến các cổ phiếu ngành dầu khí và GAS “bay cao”, thì FPT lại thu hút sự chú ý bằng câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ  của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng sau dịch bệnh, với khả năng quản trị và chớp thời cơ xuất sắc, Long Châu có lẽ đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm duy nhất vừa đạt được tốc độ tăng trưởng bằng lần, vừa đảm bảo được hiệu quả sinh lời.

Cụ thể, lượng SKU (lượng đầu thuốc trong kho hàng) của Long Châu nhiều gấp 6-7 lần so với các nhà thuốc khác, giúp doanh thu trên cửa hàng của Long Châu luôn dẫn đầu thị trường, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), doanh số/cửa hàng/tháng của Long Châu đã đạt mức 43.000 USD, vượt trội so với mức 25.000 USD của Pharmacity, 20.000 USD của An Khang và 20.000 USD của Phano. Đáng chú ý, Long Châu cho biết đã chính thức có lãi trong năm 2021.

Trái ngược với FPT và GAS, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC) và Vinamilk (VNM) lại ghi nhận mức giảm giá khá thất vọng. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thăng hoa trong năm 2021, cả VIC lẫn VNM đều ghi nhận mức lợi suất âm. Đáng chú ý, diễn biến giá cổ phiếu của 2 “trụ lớn” này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào trong đầu năm 2022.

Quán quân tiền mặt năm ngoái là Vingroup đã rơi xuống vị trí thứ 4, sau khi sụt giảm 0,6 tỉ USD lượng tiền mặt so với năm 2020. Tuy vậy, xét về hoạt động kinh doanh thuần túy, Vingroup vẫn đang tạo được nhiều tiếng vang trên thị trường quốc tế ở mảng xe điện, đặc biệt mảng bất động sản vẫn là điểm tỏa sáng của tập đoàn này.

Cụ thể, công ty con Vinhomes tiếp tục trở thành doanh nghiệp niêm yết có mức lợi nhuận cao nhất Việt Nam, với hơn 2 tỉ USD trong năm 2021. Đáng chú ý, với kết quả này, Vinhomes cũng đã chính thức vượt qua cả những tập đoàn khổng lồ chưa niêm yết của Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 1,98 tỉ USD lợi nhuận, hay Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với 1,79 tỉ USD lợi nhuận.  Ông Douglas Farrell, Phó Tổng Giám đốc Tài chính và Đầu tư Vinhomes, cho biết: “Trong vòng 3 năm tới, Vinhomes sẽ tiếp tục phát triển những siêu dự án quy mô hàng ngàn ha trên quỹ đất của mình”.

Vinamilk tiếp tục là cái tên quen thuộc nằm trong danh sách “vua tiền mặt” trên thị trường.
Vinamilk tiếp tục là cái tên quen thuộc nằm trong danh sách “vua tiền mặt” trên thị trường.

Trong khi đó, từ việc gia tăng thêm 4.000 tỉ đồng tiền mặt trong năm qua, Vinamilk tiếp tục là cái tên quen thuộc nằm trong danh sách “vua tiền mặt” trên thị trường. Trong suốt nhiều năm, Vinamilk vẫn đang loay hoay với bài toán tăng trưởng, dù sở hữu khối tiền mặt lên tới 1 tỉ USD.

GIẢI PHÓNG KHO TIỀN 

Câu chuyện của Vinamilk là bài toán điển hình cho những doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, lợi thế cạnh tranh và dòng tiền ổn định, nhưng đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng và mở rộng thị phần. Mặc dù sở hữu tiền mặt có thể khiến doanh nghiệp chủ động trong việc điều tiết dòng tiền và gia tăng doanh thu tài chính, nhưng việc tiếp tục gửi ngân hàng phần lớn số tiền này có lẽ chưa phải là giải pháp hiệu quả nhất.

Điều này càng quan trọng hơn khi nhìn từ góc độ cổ đông, nhà đầu tư luôn muốn thấy doanh nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, với kỳ vọng thúc đẩy giá cổ phiếu tăng. Việc tiếp tục gửi ngân hàng do đó sẽ không đáp ứng được nhu cầu này, thậm chí cổ phiếu sẽ bị thị trường định giá thấp xuống do không thỏa mãn về mặt tăng trưởng. 

Thực tế này đang xảy ra ở cổ phiếu Vinamilk, khi lợi nhuận của “vua sữa” đã đi ngang trong hơn 5 năm nay, tạo sự mất kiên nhẫn ở nhà đầu tư. Bội số định giá P/E của Vinamilk vì lẽ đó cũng sụt giảm từ mức đỉnh cao là 31 lần trong năm 2016 xuống chỉ còn 15 lần như hiện nay, đồng thời khiến vốn hóa của Vinamilk bốc hơn 40% giá trị.

Bài toán này hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ, mà các bài học điển hình nhất đến từ những doanh nghiệp Mỹ, trong đó, Apple là hình mẫu xuất sắc để các công ty Việt Nam tham khảo. Trong suốt giai đoạn 5 năm (2015-2020), do gặp khó khăn trong việc mở rộng thị phần, lợi nhuận của Apple hoàn toàn đã đi ngang, thậm chí còn có 2 năm tăng trưởng âm. Tuy vậy, bằng việc liên tục đem tiền mặt đi mua cổ phiếu quỹ, khối lượng cổ phiếu lưu hành của Apple đã giảm hơn 20%, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) qua đó đã tăng liên tục bất chấp lợi nhuận kinh doanh của Apple không tăng trưởng.

Kết quả là giá cổ phiếu của Apple đã tăng 5 lần trong giai đoạn 2015-2020, xuất phát từ mức tăng trưởng của cả EPS và định giá ngày càng tích cực lên bội số P/E của Apple. Các doanh nghiệp Việt Nam do đó hoàn toàn có thể sử dụng kho tiền mặt khổng lồ của mình để thực hiện nghiệp vụ này, góp phần giải quyết bài toán tăng trưởng, thay vì duy trì việc gửi ngân hàng và trả cổ tức hằng năm.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital, cho rằng: “Những doanh nghiệp có số dư tiền mặt lớn, dòng tiền về mạnh hằng năm vượt nhu cầu tái đầu tư như Vinamilk, Sabeco, Hòa Phát, FPT... hoàn toàn có thể cân nhắc mua cổ phiếu quỹ, giảm quy mô vốn lưu hành, như một lựa chọn rất tốt để chia lại lợi nhuận cho cổ đông thay cho cách làm truyền thống hiện nay là trả tiền mặt hoặc tệ nhất là trả cổ tức bằng cổ phiếu”.

 

Giải pháp này thậm chí còn hiệu quả hơn trong trường hợp giá cổ phiếu đang giảm sâu như Vinamilk hay Sabeco, khi lượng tiền bỏ ra để mua một cổ phiếu quỹ rẻ hơn, từ đó có thể làm giảm nhanh số lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản chất mua cổ phiếu quỹ là doanh nghiệp mua lại chính cổ phiếu của mình, từ đó giúp doanh nghiệp vận hành vốn hiệu quả, tránh trường hợp doanh nghiệp dư thừa quá nhiều tiền mặt, nhưng do ban lãnh đạo phải chịu sức ép tăng trưởng, nên đưa ra những quyết sách đầu tư sai lầm.

“Mua lại cổ phiếu quỹ ở mức giá hợp lý đồng thời đảm bảo nguồn vốn dôi dư của doanh nghiệp được tái đầu tư vào chính mình, không nằm chết trong tài khoản ngân hàng với lãi suất thấp dần, hoặc sa lầy vào các dự án mới ngoài ngành cốt lõi, hay các startup phiêu lưu nhiều rủi ro”, ông Lê Chí Phúc nhận định.