Vững tầm nhìn - Vượt thách thức
Năm 2012 là một năm đầy khó khăn và biến động đối với ngành tài chính - ngân hàng. Dù vậy, những nhà lãnh đạo trẻ vẫn rất nhiệt huyết, tự tin và sẵn sàng đón nhận thử thách. Trao đổi đầu năm với NCĐT, ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc DongA Bank, chia sẻ kinh nghiệm của ông và DongA Bank trong bối cảnh ngân hàng này vừa kỷ niệm 20 năm thành lập và xây dựng xong kế hoạch chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.
Anh đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của DongA Bank năm 2012?
2012 là năm khó khăn của ngành tài chính. Khó khăn này được DongA Bank dự báo từ trước nên đã có sự chủ động điều chỉnh các hoạt động để đương đầu với những thách thức mới.
Ngay từ đầu năm, DongA Bank đã xác định không đặt nặng vào tăng trưởng, mà chú trọng đổi mới và phát triển, chủ động thay đổi các yếu tố bên trong để chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới. Do đó, DongA Bank không đặt nặng vào con số tài chính mà chủ yếu là sự ổn định.
DongA Bank sẽ đổi mới và phát triển như thế nào?
Thực tế, việc đổi mới đã được chuẩn bị từ năm 2011. DongA Bank đã thực hiện một vài biện pháp và đã có kết quả ban đầu. Năm 2012, Ngân hàng tiến một bước xa hơn: hợp tác với một đơn vị tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới để xây dựng bản kế hoạch chiến lược trong 5 năm tới và những năm sau đó với tầm nhìn hướng DongA Bank vào top các ngân hàng lớn và tham gia cuộc chơi trong khu vực.
Bản kế hoạch này bao gồm gần 100 sáng kiến và sẽ được thực hiện một cách kiên định trong 5 năm tới. Một số định hướng tập trung vào việc làm vững nền tảng quản trị của Ngân hàng như quản trị rủi ro, quản lý tài sản nợ và có, làm giàu chất lượng các thông tin quản lý cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp cho toàn hệ thống.
Ngoài ra, DongA Bank sẽ phát triển thêm sản phầm phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, mang lại cho họ những trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tạo ra các giá trị mới cho Ngân hàng.
DongA Bank cũng sẽ tăng cường chất lượng dịch vụ, phát triển theo hướng tăng tỉ lệ số lượng sản phẩm sử dụng trên mỗi khách hàng để tạo độ sâu và tính bền vững của các nguồn thu ngoài lãi. Đó cũng là hướng đi của mô hình ngân hàng hiện đại.
Anh có kỳ vọng gì về lợi nhuận của DongA Bank trong năm 2013?
Năm 2013 được dự báo sẽ khó khăn hơn năm trước. Vì thế, DongA Bank phấn đấu đạt các chỉ tiêu tương đương năm 2012. Năm nay, DongA Bank sẽ tiếp tục đổi mới và thực thi kế hoạch chiến lược trong giai đoạn mới. Do đó, trình độ quản trị và tư duy sẽ được nâng cao để có thể xây dựng một nền tảng vững chắc cho dài hạn, đồng thời tăng tốc dần để lấy đà đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.
Anh có thể chia sẻ kế hoạch nhân sự trong năm 2013 và triết lý dùng người của DongA Bank?
Năm nay, DongA Bank sẽ có nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và quản trị của các cấp nhân viên và quản lý. Chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển dụng có chọn lọc, tập trung vào nhân sự chất lượng cao.
Về triết lý dùng người, ngoài yếu tố hòa hợp và gắn kết, chúng tôi tôn trọng sự đa dạng và chủ động tạo ra sự phản biện đa chiều. Nếu như trước đây cần sự ổn định, lãnh đạo cấp trung thường là những người thừa hành giỏi thì nay chúng tôi chào đón thêm những người có khả năng đưa ra ý tưởng và giải pháp đột phá.
Một lãnh đạo ngân hàng cần những tố chất gì?
Đầu tiên là phải có tầm nhìn xa và sắc bén. Lãnh đạo ngày nay cần nhìn ra được các xu hướng chuyển động của thời cuộc, của thị trường… Kế đến là khả năng giữ được sự cân bằng giữa cảm tính và lý tính trong việc ra quyết định, giữa lợi ích dài hạn và ngắn hạn, giữa lòng tham và sự sợ hãi, cân bằng lợi ích giữa các cổ đông, cân bằng cuộc sống và sự nghiệp.
Vậy anh giữ cân bằng như thế nào khi anh đang ở trong môi trường được xem là bận rộn nhất?
Thật tình là rất khó, tôi cũng đang tìm cách để có sự cân bằng đó (cười). Khác với quản lý cấp trung, lãnh đạo cấp cao sẽ không có cấp trên để nhắc nhở. Chỉ có chính mình và thực tế từ cuộc sống để làm mốc quy chiếu, từ đó xác định điểm cân bằng.
Đôi khi chúng ta làm việc quá nhiều, quá thiên lệch hay say sưa với một ý tưởng nào đó. Lúc này cần phải tĩnh tâm lại để lắng nghe chính mình, những người xung quanh nhắc nhở. Có một cách là đọc sách một cách “tỉnh thức” để lấy lại sự tĩnh tâm và sáng suốt.
Được đánh giá là người trẻ tuổi thành công, anh có cảm nghĩ thế nào?
Thành công là hành trình chứ không chỉ là các điểm đến. Trong hành trình này, con đường phía trước còn rất dài với nhiều điểm đến, nên nói thành công sợ là sớm quá (cười). Tôi đạt được một số thành quả là nhờ có được những cơ hội để từ đó vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy từ trước vào công việc.
Tôi may mắn có được sự tin tưởng của các bậc đi trước. Họ đã cho tôi những không gian thử thách lớn từ sớm với các bài toán thực tế mà tôi phải vật lộn mỗi ngày để tìm ra lời giải. Tôi cũng may mắn có được những đồng đội tốt để cùng tôi đi trên chặng đường dài.
Giai đoạn này là một giai đoạn khá thú vị. Được rèn luyện trong những khó khăn nghiệt ngã của ngành tài chính ngay từ giai đoạn đầu sự nghiệp, tôi nghĩ đó cũng là một cơ may hiếm có để có thể tích lũy kinh nghiệm và trau dồi bản lĩnh. Những thứ này khó có được trong thời kỳ “sóng yên biển lặng”.