Thứ Tư | 02/03/2016 19:38

Vi phạm bản quyền: Cuộc chiến với những kẻ vô tình hay cố ý?

Do sử dụng trái phép cảnh quay, một kênh YouTube của VTV có nguy cơ bị khóa vĩnh viễn.

Thời gian gần đây, các vụ vi phạm bản quyền xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức không quan tâm tới vấn đề bản quyền vì cố tình không muốn trả tiền hoặc vô tình quên làm việc với tác giả. Điều này những tưởng sẽ tiện lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng lại có thể đem tới cái giá rất đắt mà họ không thể ngờ tới. Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập TPP, đây là chuyện không thể coi thường được nữa.

VTV có vô tình?

Sau nhiều lần gửi công văn khiếu nại việc vi phạm bản quyền nhưng không nhận được văn bản trả lời chính thức và VTV vẫn tiếp tục chiếu những video vi phạm bản quyền, anh Bùi Minh Tuấn đã quyết định báo cáo hành vi này với YouTube. Và từ ngày 29/2/2016, kênh YouTube của VTV đã bị buộc dừng hoạt động do vi phạm bản quyền.

Theo anh Tuấn, chương trình Chào buổi sáng của VTV đã sử dụng trái phép nhiều cảnh quay từ kênh YouTube “Yamaha Trung Tá” của anh Tuấn. Đồng thời, VTV cũng không ghi nguồn sử dụng video của tác giả, tự ý cắt xóa logo của kênh YouTube này và đăng tải lên kênh YouTube của VTV.

Trước đó, không chỉ VTV mà một số kênh truyền hình khác cũng dính vào những vụ lùm xùm về bản quyền. Theo thông tin trên báo chí, chương trình S+ Tiêu dùng và Thể thao của kênh Thể thao TV và Bóng đá TV từng bị khiếu nại vì tự ý sử dụng cảnh quay từ video "Xuyên Việt một mình" của cá nhân anh Đoàn Xuân Trường. Phía Thể thao TV đã liên hệ để đưa ra lời xin lỗi đồng thời đã gỡ các video clip khỏi YouTube của kênh truyền hình này.

Trong khi đó, trường hợp của VTV lại khá nghiêm trọng khi nhiều khả năng kênh YouTube của nhà đài này có nguy cơ bị khóa vĩnh viễn.

Trong thông báo chính thức mà VTV phát đi vào ngày 29/2, nhà đài này thừa nhận biên tập viên của Đài đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất và sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả sở hữu nội dung. Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa thuận giữa VTV và anh Tuấn, nhiều khả năng kênh YouTube này của VTV sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Việc một đài truyền hình quốc gia tầm cỡ như VTV bị khóa tài khoản YouTube vì vi phạm bản quyền của một nhà quay phim cá nhân đã khiến không ít người bất ngờ. Đây cũng là động thái khiến những ai đang cố tình hoặc sắp sửa vi phạm bản quyền phải cân nhắc lại.

Cuộc chiến với những kẻ “cố ý”

Hiện tại, một trong những lĩnh vực bị vi phạm bản quyền nhiều nhất ở Việt Nam là điện ảnh. Đã có nhiều đơn vị bị xử lý hành chính hoặc phải chủ động gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền, nhưng vẫn còn một số trang web, ứng dụng xem phim đang tiếp tục cho phát phim trái phép, trong đó có khá nhiều phim Việt.

Trao đổi với chúng tôi, Ban Pháp chế và Bảo vệ bản quyền của Fim+ (thành viên Galaxy M&E), dịch vụ xem phim theo nhu cầu VOD chất lượng cao có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam, cho biết hiện Fim+ là dịch vụ được cấp quyền khai thác, sử dụng hợp pháp hàng chục tựa phim điện ảnh Việt Nam chiếu rạp trên môi trường internet. Theo đó, các phim điện ảnh Việt Nam ăn khách, nổi tiếng như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Quả tim máu, Cô dâu đại chiến, Chàng trai năm ấy... đã và đang được Fim+ cung cấp thông qua hệ thống Box Fim+, Website, Ứng dụng di động, Ứng dụng SmartTV, IPTV…

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn kể từ khi triển khai dịch vụ, Fim+ đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm bản quyền trên internet, bao gồm các phim Việt bị sao chép, đăng tải công khai trên Facebook, YouTube, và hàng chục website, ứng dụng di động khác như Bomtan, Yuphim, Xemphimmienphi, vPhim…

Đại diện Fim+ cho biết, Công ty đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo hộ bản quyền và giải quyết các trường hợp vi phạm. Song song đó, Fim+ đã tiến hành các biện pháp tự bảo vệ như hợp tác xử lý vi phạm trực tiếp với Facebook, Google (YouTube), cũng như kiên quyết cảnh báo, nhắc nhở các đơn vị vi phạm về nghĩa vụ tôn trọng bản quyền theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Trong quá trình làm việc, một số đơn vị đã nhận thức và chấm dứt hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp, do vô tình hoặc cố ý, viện dẫn nhiều lý do để trốn tránh trách nhiệm. Một trong những lý do được đưa ra là các trang web được tổ chức theo mô hình mạng xã hội và toàn bộ phim trên website là do thành viên đóng góp, chia sẻ. Do đó, trách nhiệm nếu phát sinh vi phạm đều thuộc về cá nhân thành viên, còn đơn vị chủ quản website hoàn toàn không liên quan và không thể can thiệp. Nhưng trên thực tế, đa số các “thành viên” này lại chính là nhân viên chịu sự điều khiển của chủ quản website, đăng tải, chia sẻ phim theo hợp đồng, nhiệm vụ được giao bởi chủ quản. Việc làm này hoàn toàn đi ngược với quy định về quản lý Mạng xã hội theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư 09/2014/TT-BTTTT, theo đó, đơn vị thiết lập trang mạng xã hội không được chủ động chia sẻ thông tin vi phạm pháp luật, bao gồm cả các nội dung vi phạm bản quyền.

Đại diện Fim+ cũng cho biết, nguyên tắc khi sử dụng phim là phải được sự chấp thuận của chủ sở hữu bản quyền, kể cả các phim đã đăng tải lên YouTube. Việc nhà phát hành đăng tải phim trên internet với lý do đã được cấp quyền sử dụng thông qua hành động thuê, mua băng đĩa, hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ xem phim theo yêu cầu VOD của chính Fim+, là không hợp pháp. Vì lẽ, khi thuê, mua băng dĩa hoặc đăng ký dịch vụ Fim+, người dùng chỉ được quyền sử dụng phim cho mục đích cá nhân, hoàn toàn không được phép chia sẻ công khai toàn bộ hoặc bất kỳ phần nào của phim đến công chúng.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia vào các hiệp định tự do thương mại, trong đó có TPP, vấn đề sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền cần phải được cơ quan chức năng và các đơn vị doanh nghiệp quan tâm hơn nữa. Trong cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp Việt cần phải tích cực chuẩn bị để có thể tuân thủ các quy định chặt chẽ về bản quyền và sở hữu trí tuệ để hạn chế tối đa những tranh chấp có thể xảy ra, đồng thời bảo vệ lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp.

Trường Bùi