Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, di sản trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch riêng biệt.
TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu: Hiểu sâu về đặc trưng văn hóa thì sẽ có được sản phẩm du lịch khác biệt
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu trong buổi nói chuyện về di sản và du lịch văn hóa tại gian hàng TSTtourist trong khuôn khổ Ngày hội du lịch TP.HCM, diễn ra tại công viên 23/9.
Những câu chuyện di sản, hiểu và gìn giữ văn hóa để phát huy thành sản phẩm du lịch văn hoá là những nội dung xuất hiện trong tọa đàm.
Không nên đòi hỏi sự khác biệt hoàn toàn
Cách đây hơn một năm, nhiều ý kiến cho rằng thành phố và các quận huyện nên có một sản phẩm du lịch của riêng mình, tùy vào tiềm năng của mỗi địa phương.
Tiềm năng phát triển du lịch của TP.HCM là rất lớn. Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch TP.HCM, trong 9 tháng của năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 3,6 triệu lượt, khách nội địa gần 27 triệu lượt, tổng thu ước đạt gần 126.000 tỉ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Do vậy, TP.HCM cũng nên có thêm nhiều sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn nơi đây.
“Mỗi khu vực sẽ có một đặc trưng riêng trong địa hình, cấu trúc dân cư, lịch sử hình thành vùng đất. Nếu nắm vững được những giá trị văn hóa ấy thì các doanh nghiệp địa phương sẽ tạo ra được những sản phẩm riêng có của mình”, bà Hậu phân tích.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng lưu ý rằng, trong một xã hội đang phát triển theo xu hướng đô thị hóa toàn cầu thì các doanh nghiệp cũng không nên đòi hỏi phải có sự khác biệt hoàn toàn trong những sản phẩm du lịch bởi giữa các địa phương không tránh khỏi việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
“Ở mỗi di tích, địa phương đều có câu chuyện, có cả nhân chứng, vật chứng gắn liền với di sản, vùng đất. Cho nên, quan trọng nhất là người làm du lịch cần hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa thì chắc chắn sẽ có những câu chuyện riêng để kể về vùng đất ấy”, bà Hậu nêu ý kiến.
Những cảnh quan xanh, làng xóm lâu đời chính là di sản
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, những làng xóm lâu đời, dù chỉ trên dưới 200 năm, những ngôi chùa cổ, đình cổ hay những cảnh quan xanh đều chính là di sản. Xu hướng phát triển đô thị mới là tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta không nên vì thế mà bỏ qua những di sản của vùng đất.
Riêng ở TP.HCM, bà Hậu cho rằng, có những di sản mất đi sẽ không bao giờ có lại được. Đó là cụm di tích Ba Son, lò gốm Hưng Lợi và hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng. Hay như làng hoa Gò Vấp, một làng nghề có đóng góp cho đô thị về dịch vụ, thương mại, văn hóa nhưng giờ đây không được phát triển. Đó chính là một điều đáng tiếc.
Bà Hậu chia sẻ thêm, hiện nay, do nhu cầu không còn nhiều nên những xóm, làng nghề chuyên làm bếp lò đất, lò gốm cũng dần dần biến mất. Bởi những sản phẩm do xóm, làng nghề sản xuất dễ chuyển đổi sang hình thức sản xuất công nghiệp. Ưu điểm của hình thức này là giá thành rẻ hơn, tuy nhiên độ tinh xảo, giá trị di sản trong sản phẩm sẽ không còn.
Hiện tại, có nhiều người cũng muốn khôi phục lại dòng gốm Lái Thiêu để trở thành dòng gốm vừa mang tính di sản vừa có thể kinh doanh được. Bà Hậu nhận định, gần đây, cũng có những xóm, làng nghề về đồ ăn, nghề mộc mang đặc trưng của địa phương hay những xóm nghề theo thời vụ như: xóm làm lồng đèn trung thu, xóm may sửa đồ cưới...
Nhưng nếu không có phương án giải quyết đầu ra hợp lý cho sản phẩm thì những xóm, làng nghề này sẽ không tồn tại được lâu dài. Với một đô thị phát triển, những xóm, làng nghề truyền thống đang mất dần đi. Tuy nhiên, theo bà Hậu, cũng có những hình thức mới xuất hiện. Đó là những khu phố chuyên doanh, chuyên về một mặt hàng nhất định.
“Có thể, đó không còn là một cộng đồng đông đúc mà chỉ là một vài gia đình nhưng có đầu ra ổn định thì những nơi làm nghề truyền thống chắc chắn vẫn sẽ tồn tại”, bà Hậu khẳng định.
Có thể bạn quan tâm:
Bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc: Người viết công thức Clover Montessori