Thứ Hai | 03/07/2017 14:06

Trung Quốc tuyên bố bảo vệ khí hậu, vẫn không ngừng đầu tư điện than

Trung Quốc sẽ đóng góp gần một nửa số lượng nhà máy điện than dự kiến đi vào hoạt động trên toàn cầu trong 10 năm tới.

Việc Trung Quốc ngừng các kế hoạch xây hơn 100 nhà máy nhiệt điện than mới trong năm nay, trong khi Tổng thống Trump đã thề "phục hưng ngành than" ở Mỹ, cho thấy Bắc Kinh có vẻ sẽ là nhà lãnh đạo mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, dữ liệu mới về các tập đoàn điện than lớn nhất thế giới đã cho thấy một bức tranh rất khác biệt: Trung Quốc sẽ đóng góp gần một nửa số lượng nhà máy điện than dự kiến đi vào hoạt động trên toàn cầu trong 10 năm tới.

Theo số liệu của Urgewald, một tổ chức môi trường ở Đức, các công ty Trung Quốc đang xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng hơn 700 nhà máy điện than ở trong và ngoài Trung Quốc. Một số dự án điện than này nằm ở các nước hiện không sử dụng hay sử dụng rất ít điện than. Nếu tính theo công suất phát điện, gần 1/5 các nhà máy điện than mới mà các công ty Trung Quốc đầu tư vào sẽ được xây dựng ở bên ngoài Trung Quốc.

Theo số liệu mà Urgewald tổng hợp từ cổng thông tin Global Coal Plant Tracker, có tất cả 1.600 nhà máy điện than đang được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng tại 62 quốc gia. Các nhà máy mới sẽ tăng công suất điện than trên thế giới lên thêm 43%.

Trung Quoc tuyen bo bao ve khi hau, van khong ngung dau tu dien than
Đà tăng trưởng công suất điện than toàn cầu trong những năm qua. Ảnh: energypost.eu

Các nhà máy điện than mới sẽ khiến thế giới hầu như không thể đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Khí hậu Paris, vốn đặt mục tiêu kiềm chế không cho nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2 độ C so với trước khi cách mạng công nghiệp bắt đầu.

Nhiệt điện từ các nguyên liệu hóa thạch như than đá là yếu tố chủ chốt làm gia tăng lượng khí thải carbon, vốn được giới choa học cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Heffa Schücking, giám đốc của Urgewald, cho biết: "Ngày nay, vẫn có thêm nhiều nước bị rơi vào vòng xoáy phụ thuộc điện than".

Mỹ cũng có thể là một trong những nước này. Vào thứ Năm tuần rồi, ông Trump cho biết ông muốn dỡ bỏ những hạn chế của thời ông Obama đối với việc cấp vốn cho các dự án điện than ở nước ngoài.

Ông Trump nói: "Chúng ta có trữ lượng khí đốt tự nhiên đủ dùng 100 năm và lượng than sạch đủ dùng trong vòng 250 năm. Chúng ta sẽ thống trị. Chúng ta sẽ xuất khẩu năng lượng Mỹ đến khắp thế giới, trên toàn cầu ".

Sự gia tăng điên cuồng số lượng các nhà máy điện than cho thấy thế giới vẫn còn lệ thuộc vào than trong nhiều thập kỷ tới, bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời.

Tại Trung Quốc, mối quan ngại về sương khói quang hóa (smog) và biến đổi khí hậu đã thúc đẩy việc chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế chậm lại và sự chuyển đổi dần dần nền kinh tế Trung Quốc từ sản xuất công nghiệp nặng sang tiêu dùng cũng khiến nhu cầu điện than giảm xuống. Việc bổ sung năng lực sản xuất điện than trong nước, mặc dù chỉ là trên giấy tờ, không đồng nghĩa với việc tiêu thụ than sẽ tăng lên. Các nhà máy điện than hiện nay đang hoạt động dưới mức công suất vì nhu cầu tiêu thụ đã giảm đáng kể.

Nhưng ở nước ngoài, người Trung Quốc đang có một cuộc chơi rất khác.

Trung Quoc tuyen bo bao ve khi hau, van khong ngung dau tu dien than
Hầu hết lượng tiêu thụ than đá toàn cầu là để phục vụ cho sản xuất điện. Ảnh: EIA

Tập đoàn Shanghai Electric ( Điện lực Thượng Hải), một trong những nhà sản xuất thiết bị điện lớn nhất Trung Quốc, đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than ở Ai Cập, Pakistan và Iran với tổng công suất 6.285 Megawatt (MW) - gần gấp 10 lần so với công suất điện than 660MW mà tập đoàn này đã lên kế hoạch ở Trung Quốc.

Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (CEE), vốn không có kế hoạch phát triển điện than ở Trung Quốc, đang xây dựng các nhà máy điện than công suất 2.200 MW ở Việt Nam và Malawi. Công ty này đã không đáp lại yêu cầu bình luận từ New York Times.

Theo dữ liệu do Urgewald công bố, trong số 20 tập đoàn điện than lớn nhất thế giới, có tới 11 là của Trung Quốc.

Xét tổng thể, các dự án điện than mới của các tập đoàn Trung Quốc có tổng công suất từ 340.000 đến 386.000 MW, theo Urgewald ước tính. Một nhà máy điện than điển hình có công suất khoảng 500 MW và đốt cháy 1,4 triệu tấn than mỗi năm, đủ để cung cấp điện cho gần 300.000 hộ gia đình.

Kevin P. Gallagher là giáo sư về chính sách phát triển toàn cầu tại Đại học Boston và là chuyên gia về hoạt động đầu tư năng lượng của Trung Quốc ở nước ngoài. Gallagher cho biết nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và việc cắt giảm tài trợ điện than của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc.

Giáo sư Gallagher nói: "Trung Quốc có rất nhiều công ty có sức cạnh tranh và có ảnh hưởng chính trị - nhưng họ không có nhu cầu về điện than", ý nói đến đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc. "Vì vậy, Trung Quốc đang giúp các công ty điện than của nước này bành trướng ra nước ngoài để giúp quá trình cải cách kinh tế bớt đau đớn hơn".

Phần lớn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài của Trung Quốc là dựa trên một chương trình mang tên "Một vành đai, một con đường" (OBOR) được công bố vào năm 2013. Dự án này kêu gọi lượng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài lên tới 900 tỷ USD, bao gồm đường sắt cao tốc, cảng, đường ống dẫn khí và nhà máy điện.

Hai ngân hàng chính sách toàn cầu của Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Chexim) đã cấp vốn hơn 43 tỷ USD cho các dự án điện than ở nước ngoài từ năm 2000, theo một cơ sở dữ liệu của Đại học Boston.

Một số quốc gia đang mở rộng điện than như Ai Cập hay Pakistan hiện hầu như không sử dụng than, và các nhà máy điện than mới có thể làm thay đổi chính sách năng lượng tại các quốc gia này trong những thập kỷ tới, là lời cảnh báo từ các nhà hoạt động môi trường.

Theo Urgewald, các dự án điện than ở Ai Cập, được phát triển bởi Shanghai Electric và các công ty quốc tế khác, dự kiến sẽ đưa công suất điện than của nước này lên 17.000 MW từ mức gần 0 như hiện nay.

Công suất điện than của Pakistan cũng sẽ tăng lên 15.300 MW từ mức 190 MW. Tại Malawi, các dự án điện than dự kiến sẽ nâng công suất điện than của nước này lên 3.500 MW từ mức 0.

Các công ty Trung Quốc không phải là tác nhân duy nhất làm gia tăng sản xuất điện than toàn cầu.

Tập đoàn phát triển điện than lớn nhất thế giới là Tổng công ty Nhiệt điện Quốc gia (NTPC) của Ấn Độ, hiện có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than có tổng công suất lên đến hơn 38.000 MW tại Ấn Độ và Bangladesh. Công ty này đã không phản hồi lời yêu cầu bình luận qua email.

Tập đoàn AES (Mỹ) thì đang xây dựng các nhà máy điện than ở Ấn Độ và Philippines với tổng công suất 1.700 MW. Người phát ngôn Amy Ackerman của AES cho biết họ đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên, và không có kế hoạch xây dựng các nhà máy than sau khi hoàn thành các dự án tại Ấn Độ và Philippines.

Theo cơ sở dữ liệu của Urgewald, tập đoàn Marubeni của Nhật Bản đang tham gia liên doanh tại các dự án điện than mới có tổng công suất 5.500 MW tại Myanmar, Việt Nam, Philippines và Indonesia. Nhật Bản cũng đang tăng cường công suất điện than trong nước, để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima. Một phát ngôn viên của Marubeni đã xác nhận các dự án ở 4 quốc gia kể trên.

Các nhà đầu tư phương Tây cũng tiếp tục đóng vai trò tài trợ cho các nhà máy điện than ở nước ngoài. Trái phiếu và cổ phiếu của các nhà phát triển điện than lớn nhất thế giới, như NTPC và Marubeni, tiếp tục hiện diện trong danh mục đầu tư của các định chế tài chính và ngân hàng lớn.

Dù sao cũng có tin vui là các nước như Trung Quốc và Nhật Bản cũng là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trung Quốc là một nước xuất khẩu chủ chốt về  các tấm pin mặt trời và turbine gió, và đang chủ trì việc xây dựng tổ hợp năng lượng mặt trời Quaid-e-Azam ở Pakistan, một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới.

Các công ty năng lượng gió và mặt trời của Trung Quốc đang "nằm trong số các công ty năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới và đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm giá điện gió và mặt trời ", theo bình luận của Alvin Lin, một chuyên gia về khí hậu và năng lượng tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC - Mỹ). Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác cũng đã có thái độ kiên quyết trong việc xây dựng hính sách khí hậu.

Nhưng Eric G.Gimon, một thành viên cao cấp của công ty nghiên cứu Energy Innovation (Mỹ), cho biết những hành động về khí hậu của Trung Quốc cho đến nay chủ yếu là xoay quanh việc giải quyết tình trạng ô nhiễm ở nước này, chứ không phải là ở những nơi khác.

Bá Ước

Nguồn The New York Times