Nếu tính đến năm 2022 thì Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books, chạm ngưỡng tuổi 50.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Giấc mơ sách & bục giảng
(Bài viết được thực hiện vào năm 2008-2020.)
Nếu tính đến năm 2022 thì Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books, chạm ngưỡng tuổi 50. Sự nghiệp làm sách giờ đây của ông đã tiếp nối giấc mơ làm thầy ở tuổi 40. Nguyễn Tuấn Quỳnh từng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc PNJ, một công ty giá trị của ngành kim hoàn Việt Nam, đồng thời từng là Chủ tịch Trường Đào tạo Doanh Chủ, nơi ươm mầm cho các thế hệ lãnh đạo tài năng của đất nước. Những người biết đến Nguyễn Tuấn Quỳnh phần lớn đều nhận định ông là doanh nhân yêu nước, năng động trong công tác đoàn hội và mang lý tưởng truyền thừa.
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh - Giám đốc Điều hành Saigon Books, Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Doanh Chủ. |
Năm 1972, Nguyễn Tuấn Quỳnh tốt nghiệp Tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ. Trước khi đầu quân về PNJ, ông kinh qua vai trò điều hành Công ty Cổ phần Gas Sài Gòn và là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thế giới tại Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM, sau đó ông tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC). Khi gắn liền với Doanh Chủ, trường đào tạo kỹ năng đầu tư và phong cách sống do ông cùng 3 người bạn sáng lập, giới kinh doanh nghĩ rằng Nguyễn Tuấn Quỳnh quay trở lại con đường học thuật và chuẩn bị nghiệp “cho chữ” khi qua tuổi 40.
Nguyễn Tuấn Quỳnh là người đam mê đọc sách. Ông nói bộ sách nổi tiếng “Cha Giàu Cha Nghèo” đã giúp ông đúc kết nhiều điều tư duy tâm đắc. Có 4 sự lựa chọn trong cuộc đời: làm công (làm vì tiền), làm tư (làm cho bản thân), mở doanh nghiệp (khiến mọi người làm việc vì mình), hoặc trở thành nhà đầu tư cá nhân (khiến đồng tiền làm việc cho mình). Trong đó, trở thành nhà đầu tư là cách mà những người giàu có thường lựa chọn. “Tôi nhận ra, trí thức trẻ Việt Nam đều khao khát trở thành những người giàu chính đáng như thế! Nhưng họ thiếu công cụ, kinh nghiệm làm điều ấy. Đó là lý do tôi nghĩ mình cần làm một cái gì đó cho thế hệ này”.
Sứ mệnh của Doanh Chủ là hướng dẫn đầu tư và phong cách sống, những gì cần thiết cho một trí thức trẻ. 4 cổ đông sáng lập có cổ phần đầu tư đến hơn 50 công ty trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản… và họ nhận ra nhân tài trong các ngành nghề này còn nhiều hạn chế. Mong muốn của chúng tôi là học viên được đào tạo từ Doanh Chủ có thể trở thành một phần nguồn lực sau này cho các công ty.
“…Tôi luôn tự thấy mình có một cuộc sống đầy đủ. Tôi hạnh phúc vì cuộc đời của mình”, ông Quỳnh chia sẻ.
Ông thường có thói quen chơi tennis vào buổi sáng, thích đọc văn chương Mỹ, truyện chưởng Kim Dung, sách thiền để hiểu biết về người, đời và vạn vật, tán gẫu với bạn bè hoặc du lịch khắp nơi để khám phá cuộc sống. “Sống ở thể chủ động, ở cách khách quan, ở thì hiện tại, ở ngôi thứ nhất, sử dụng động từ yêu thương. Quan điểm ấy tôi đúc kết từ những thăng trầm của cuộc đời mình và nó sẽ mãi là hành trang trong quãng đời còn lại của tôi”, ông bộc bạch.
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Tuấn Quỳnh gắn bó với Saigon Petro đến năm 2005, ông theo đuổi mảng kinh doanh xăng dầu và gas, sau đó về Công ty Gas Sài Gòn trong vai trò điều hành thêm 1 năm 8 tháng. Dưới sự dẫn dắt của ông, sản lượng tiêu thụ của Gas Sài Gòn tăng theo cấp số nhân, đạt 1.800 tấn gas/tháng vào năm 2007. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Quỳnh cho rằng công việc chỉ cho ông kiến thức trong một ngành hẹp mà ông cần nhiều hơn như vậy. Và ông quyết định gia nhập đội ngũ PNJ. “PNJ là môi trường tốt để làm việc, học tập. Tôi nắm mảng đầu tư, tài chính và tôi hy vọng mình sẽ học hỏi cũng như tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực thú vị này”, ông chia sẻ.
Ông Quỳnh nhớ như in ngày 10.5.2007, thời điểm ông được bà Cao Thị Ngọc Dung, CEO PNJ, giao cho một mảng đầu tư rất mới. Nhiệm vụ chính của ông là thành lập phòng kinh doanh vàng tài khoản và phòng đầu tư nghiên cứu phát triển, nhằm phục vụ cho việc đầu tư dài hạn vào các công ty thành viên của PNJ cũng như đầu tư cổ phiếu. Đồng thời, ông cũng xây dựng bộ máy nhân sự cho các phòng ban này, một công việc khá khó khăn trong điều kiện nhân lực ngành tài chính thời đó thiếu và yếu. Ngoài ra, trong vai trò Phó Tổng Giám đốc, ông còn phải lập ra những quy định nội bộ, chiến lược đầu tư và quản trị rủi ro cũng như các nội quy, chế độ thưởng phạt. “Đây là công việc mới đối với tôi và cũng mới đối với PNJ. Với những công việc như thế, bị stress cũng là điều dễ hiểu!”, ông nói.
Suốt thời gian làm việc ở ngành gas, ông Quỳnh tích lũy kinh nghiệm về bán hàng và tiếp thị. Đầu quân về PNJ là cách ông tiếp tục rèn luyện về tầm nhìn, kinh nghiệm điều hành tổng quát. Bên cạnh vai trò Phó Tổng Giám đốc PNJ, ông cũng kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinagas, một công ty con kinh doanh gas của PNJ. “Hơn nữa, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng chị Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ. Vì vậy, khi nhận được lời đề nghị về làm việc cùng chị, tôi đã đồng ý ngay”, ông chia sẻ.
Dấu ấn của Nguyễn Tuấn Quỳnh tại PNJ là thương vụ bán vốn cổ phần PNJ cho 2 quỹ đầu tư VinaCapital và Mekong Capital trước khi niêm yết vào năm 2009. Tháng 12.2007, Mekong Capital đầu tư gần 12 triệu USD để sở hữu 6,7% trong số 300 tỉ đồng vốn điều lệ của PNJ. VinaCapital cũng sở hữu 11,6%. Từ vốn góp của các quỹ, PNJ tiếp tục đầu tư vào Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) với tỉ lệ sở hữu 8% và ông Quỳnh chính thức trở thành Chủ tịch của SFC. Năm 2013, kết quả kinh doanh của SFC khả quan. Doanh thu thuần từ kinh doanh của SFC tuy chưa bằng một nửa của đối thủ COM, nhỉnh hơn PIT một chút, nhưng suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của SFC lại cao nhất (11,36%). “SFC là một khoản đầu tư tốt của PNJ trong nhiều năm qua”, ông Quỳnh đánh giá.
“Tôi có tình cảm đặc biệt với nơi làm cũ, vì mình là thủ lĩnh tinh thần của anh em nên sau này khi rời khỏi PNJ, tôi cũng trăn trở, suy nghĩ rất nhiều”, ông nói.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ: "Khi ở tuổi 40 tuổi hoặc hơn một chút, tôi sẽ tạm ngưng vai trò điều hành kinh doanh để đi dạy và viết sách". |
Ông kể tiếp câu chuyện: “Tôi có định hướng cuộc sống của riêng mình. Khi ở tuổi 40 tuổi hoặc hơn một chút, tôi sẽ tạm ngưng vai trò điều hành kinh doanh để đi dạy và viết sách. Ở tuổi 35, tôi cũng đã tích lũy vốn để đầu tư vào vài công ty, nên dù không ở vai trò nhà điều hành, tôi vẫn có thể tham gia lĩnh vực kinh doanh ở góc độ là cổ đông.Tôi nghĩ đi dạy, viết sách là những công việc hữu ích, nhưng truyền đạt lại kiến thức thôi chưa đủ, điều quan trọng là phải truyền được kinh nghiệm cho thế hệ sau. Vì vậy, năm 1994, khi tốt nghiệp đại học, tôi đã không ở lại trường làm công việc giảng dạy mà quyết định đi làm, trước hết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, và tôi cũng muốn được tích lũy kiến thức thực tế. Tôi cũng nghĩ mình phải học lên cao để sau này có thể tự tin đứng trên bục giảng. Khi Doanh Chủ thành lập, tiêu chí của trường và tâm niệm của tôi là làm sao để bà nội trợ cho đến ông giám đốc đều có thể đi học và hiểu biết kinh doanh”.