Ảnh: TL
Nguyễn Tuấn Quỳnh: Vào sách tìm mình
Không phải là “người lạ” đối với ngành xuất bản sách bởi đã đầu tư vào Alpha Books từ những năm 2008. Sau đó, tham gia vào Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam từ năm 2012 và đã giữ vị trí CEO Alpha Books gần 2 năm trước khi lập ra Saigon Books nhưng Saigon Books là câu chuyện khởi nghiệp đích thực của tôi.
Dù đã tích lũy kinh nghiệm nhưng những gì tôi phải đối diện thực tế khi điều hành Saigon Books, khác xa với trải nghiệm trước đó cũng như suy nghĩ của tôi. Đơn giản là vì Saigon Books bắt đầu từ con số 0, trong khi kinh nghiệm và thành tích mà tôi có được là phát triển, nâng tầm doanh nghiệp có sẵn. Dù nhiều bậc đàn anh can ngăn nhưng tôi vẫn hăm hở làm sách.
Tháng 10.2016, Saigon Books xuất bản cuốn sách đầu tiên. Sau đó là ra sách liên tục và trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản Việt Nam. Trong năm 2017, tôi tuyển người ồ ạt, sách thể loại nào cũng muốn làm; tác giả khó khăn, tôi đều rộng rãi chi trả; tôi mạnh tay mua bản quyền... Tiền chi ra như núi nhưng thu vào lại không đáng kể. Đầu năm 2018, Saigon Books thực sự rơi vào khủng hoảng. Đầu tiên là khủng hoảng về niềm tin bên trong Công ty. Các bạn nhân viên bắt đầu thấy lo lắng về tương lai và năng lực của tôi. Tôi quyết định tất cả mọi thứ trong Công ty. Tuy nhiên, tôi không phải là người giỏi mọi thứ. Hào quang quá khứ làm tôi tự tin thái quá, dẫn đến nhiều quyết định sai lầm.
Vốn liếng là vấn đề lớn nhưng với tôi, đó không phải là khó khăn lớn nhất. Bởi vì tôi vẫn có những đàn anh sẵn lòng hỗ trợ. Tôi nhận ra, trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của Saigon Books chính là bản thân. Tôi dành thời gian nhìn lại chính mình và quyết định không ôm đồm nữa.
Thay vì ôm đồm hết mọi việc, tôi mời một đồng nghiệp cũ, rất giỏi điều hành kinh doanh sách về làm CEO cho Saigon Books. Vị CEO này xử lý giúp tôi 2 việc quan trọng: quản lý dòng tiền và kiểm soát chi phí. Thay vì một mình quyết định mọi thứ như trước đây, thì tôi thành lập Hội đồng Quản trị và tất cả lộ trình, đường hướng của Công ty đều được đưa ra để các thành viên cùng đánh giá, lựa chọn những giải pháp tối ưu nhất.
Saigon Books xây dựng xong hệ thống KPI, để vừa quản trị tốt nhân sự, vừa quản lý tài chính minh bạch rõ ràng. Thậm chí, tôi sẵn sàng cắt giảm những vị trí nếu thấy không hiệu quả hoặc công việc dư thừa, đồng thời yêu cầu đội ngũ của mình nâng cao tính chủ động, tăng cường ý thức làm việc.
Sau 3 tháng, dòng tiền đã ổn định trở lại. Hoạt động của Công ty đã vào guồng, quy trình kinh doanh từ mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, in ấn, marketing, bán hàng... đều đã hoàn thiện. Doanh thu bắt đầu tăng. Saigon Books đã xuất bản được nhiều cuốn sách hay, được bạn đọc đón nhận. Quan trọng nhất, tinh thần làm việc được cải thiện. Tôi tuân thủ những nguyên tắc quản trị do mình đề ra, nhờ vậy, trên dưới một lòng.
Tôi nhận thấy được sự trưởng thành của mình, dù hơi muộn, ở tuổi 46. Trong thách thức, tôi phát hiện ra những điểm yếu chết người của mình như bốc đồng, bao đồng, thiếu kiên quyết và thiếu tập trung. Tôi cảm thấy mình may mắn có được những cộng sự tốt nên kết quả kinh doanh của Saigon Books trong năm 2018 cuối cùng lại rất khả quan khi doanh số tăng 100% so với năm 2017 và Công ty bắt đầu thoát lỗ sau 2 năm hoạt động.
Saigon Books hiện có 5 dòng sách chính: sách khởi nghiệp, sách kỹ năng, sách quản trị, sách tinh thần và sách văn học. Trong 2 năm vừa qua, Saigon Books đã rất thành công với dòng sách tinh thần và sách khởi nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là các bạn khởi nghiệp hiện nay rất chịu khó học và đọc sách. Tôi có nhiều kế hoạch trong năm 2019 dành cho Saigon Books. Chúng tôi sẽ mở chi nhánh tại Hà Nội, lắp đặt 20 điểm bán sách tự động tại TP.HCM, xuất bản 150-200 cuốn sách mới, đưa được 2-3 tác giả ra thị trường thế giới và có thể thực hiện vài thương vụ M&A. Giấc mơ IPO và niêm yết Saigon Books trong năm 2020 là hoàn toàn có thể.
(*) Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Books