Giáo sư Trương Nguyện Thành và con trai trong chuyến đạp xe xuyên Việt.
Khi doanh nhân nghỉ hưu
Khi ở vào tuổi xế chiều, bất cứ ai, kể cả lãnh đạo doanh nghiệp tài giỏi cũng phải lui về phía sau, nhường bước cho thế hệ kế tiếp. Nhưng không phải họ trở thành các nhà lãnh đạo xuất sắc là do tình cờ. Đó là lý do nhiều doanh nhân sau khi về hưu lại trở thành những chuyên gia cố vấn và diễn giả được săn đón bởi những kiến thức và trải nghiệm mà họ chia sẻ là vô cùng quý giá. Và điều đáng trân trọng hơn hết ở những con người trí tuệ này là tâm mong muốn giúp ích cho đời dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, cựu Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food, là một ví dụ. Bà cho biết bà vừa đảm nhận thêm trọng trách mới là làm cố vấn (mentor) cho chương trình Mentoring của VietHope, một tổ chức phi lợi nhuận của nhóm cựu sinh viên gốc Việt tại Đại học Harvard (Mỹ).
Trước đó, bà Lâm bén duyên với nghiệp mentor khi góp phần xây dựng Mentoring Club của Hội đồng Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, Câu lạc bộ Mentoring của Sài Gòn Food. Bà cũng là mentor ở Câu lạc bộ Mentoring HAWEE, Mentoring PNJP, SME Mentoring 1on1 và Co4Growth. Trong 6 năm (2017-2022), bà Lâm đã cố vấn cho hàng trăm người, nhất là người trẻ. “Tôi muốn giúp các bạn trẻ vào đời đỡ chông chênh hơn”, bà tâm sự.
Trước khi trở thành một mentor chuyên nghiệp, bà được biết đến là người khai phá thị trường thủy sản đông lạnh nội địa. Bà còn dẫn dắt đội ngũ nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm mới cho Sài Gòn Food mà nổi bật là dòng cháo tươi. Trong cuốn Người Thả Diều (2017), Người Dẫn Chuyện (2020) và Người Cố Vấn - Mentoring - Những Cuộc “Hôn Nhân” Có Bảo Hành (2022), từng chuyện nghề, chuyện đời cùng các triết lý kinh doanh, triết lý sống đều được bà Lâm kể lại sống động.
Bà đã viết sách trong những ngày tháng mới nghỉ hưu. “Đó là khoảng thời gian khủng hoảng”, bà Lâm cười thú nhận. Đang từ chỗ bận rộn, cuộc sống của bà đột nhiên nhàn hạ. Đó cũng là thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát nên bao kế hoạch, dự định của bà đành gác lại. Nhưng cảm xúc tiêu cực sớm qua đi khi bà tìm thấy niềm vui, ý nghĩa từ viết sách, làm mentor.
Không riêng gì bà Lê Thị Thanh Lâm, nhiều doanh nhân như ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Saigon Books, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet... cũng trở thành những cố vấn. Họ muốn góp phần giúp thế hệ kế thừa giảm bớt rủi ro, rút ngắn chặng đường và thành công hơn. Theo khảo sát của The UPS Store, nếu được cố vấn, 70% chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ tồn tại trong 5 năm trở lên.
Với bà Vũ Thị Thuận, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Traphaco, một ngày sau khi về hưu đã không còn tất bật. “Tôi đã quay lại cuộc sống của một người bình thường”, bà Thuận vui vẻ cho biết. Bà có thời gian để tập thể dục, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi họ hàng, bạn bè. Do nhà gần Công ty, mỗi ngày bà vẫn ghé đến văn phòng Traphaco, bởi theo bà, ngoài gia đình thì Traphaco là nơi bà gắn bó nhất. Bà đã có 42 năm ở đây và bà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với người trẻ. “Với tôi, hạnh phúc đơn giản là sự sẻ chia. Khi biết chia sẻ, con người sẽ tìm thấy hạnh phúc”, bà bày tỏ.
Ở tuổi 67, bà Thuận hiện là thành viên Hội đồng Quản trị của Traphaco Công nghệ cao (CNC). Công ty này do Traphaco nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ, chủ yếu phát triển đông dược hiện đại. “Đó là đam mê, là cái nghiệp của tôi rồi. Hiện đại hóa đông dược cũng là lĩnh vực mà Traphaco đi tiên phong”, bà nói.
Tương tự, bà Mai Kiều Liên dù quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn là CEO ở Vinamilk. Bà Liên hay bà Thuận đều là những doanh nhân tài ba đã có công lớn trong việc đưa thương hiệu Việt phát triển vượt bậc, vươn ra khu vực và thế giới. Do đó, dù đã bước vào tuổi lục tuần nhưng họ vẫn là trụ cột không thể thiếu, là linh hồn tại các công ty.
Lại có những người khi đến tuổi về hưu lại chọn... khởi nghiệp. “Đã có rất nhiều người xem tuổi về hưu là độ tuổi để khởi nghiệp, để bắt đầu một hành trình mới, để được làm những điều mà bản thân từng ước mơ nhưng chưa thể thực hiện”, ông Trương Nguyện Thành cho biết. Sau những năm tháng ở vai trò Giáo sư Đại học tại Mỹ, ông Thành rẽ hướng lập Kidao Academy với quyết tâm đưa Kidao - một phương pháp tập thở mà ông thử nghiệm thành công với chính mình lên thành môn thể thao rèn luyện thân - tâm. Sau chưa đầy 3 năm, một cộng đồng gần 10.000 học viên đã ra đời.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khảo sát, những người khởi nghiệp ở tuổi 60 có xác suất thành công gấp 3 lần người khởi nghiệp ở tuổi 30. Phải thế chăng không riêng ông Thành mà nhiều doanh nhân khác như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, dù đã ngoài 60 vẫn hăng say khởi nghiệp.
Còn với ông Cao Tiến Vị, nhà sáng lập Công ty Giấy Sài Gòn, sau 20 năm thành công trên thương trường, ông viết tiếp sứ mạng đời mình là làm thiện nguyện chuyên nghiệp. “Tôi đã kinh doanh nhiều năm và đến lúc tôi đóng góp lại cho cộng đồng”, ông tâm sự. Trước khi lập ra tổ chức phi chính phủ quốc tế ASIF Foundation (năm 2018, ở Úc), ông Vị đã có gần 10 năm tham gia hoạt động xã hội, đủ giúp ông hiểu lĩnh vực này như thế nào. Ông cho biết ASIF Foundation ra đời với 3 nhiệm vụ chính: kết nối nguồn lực (trong nước, quốc tế), đồng hành cùng các tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội để nâng cao năng lực quản trị, trực tiếp triển khai những dự án phát triển cộng đồng, phối hợp với các đoàn, hội, tổ chức khác để giải quyết những vấn đề cộng đồng như nước sạch, y tế - sức khỏe, giáo dục.