Thứ Tư | 17/05/2017 17:10

Học cái hay, đừng học cái dở của Steve Jobs

Đừng nên bắt chước lối hành xử của Steve Jobs nếu bạn không đủ tài năng kinh doanh như ông ấy.

Nhiều người đã gọi cố lãnh đạo Steve Jobs của Apple là một trong những doanh nhân vĩ đại nhất mọi thời. Nếu xét đến việc Apple đã trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới hiện nay, thì chắc chắn nhận định này là không sai.

Steve Jobs giỏi kinh doanh là chuyện hiển nhiên, nhưng về mặt phong cách lãnh đạo của ông thì có nhiều chuyện phải bàn. Theo lời kể của nhiều người từng làm việc tại Apple, Jobs khó có thể được xem là một tấm gương về hành vi mẫu mực. Ông từng la hét nhân viên suốt nửa tiếng liềng không ngừng nghỉ, chen lấn với nhân viên trong giờ ăn trưa, đậu xe vào chỗ dành cho người tàn tật, và mắng mỏ nhân viên là “vô dụng”.

Dĩ nhiên, hình tượng CEO “khó ưa” không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thói quen hành xử theo kiểu thô lỗ và không quan tâm tới người khác xem ra đã trở thành mốt thời thượng. CEO Travis Kalanick của Uber đã bị chỉ trích là tạo ra nền văn hóa “độc hại” trong công ty, từ đó dẫn tới nhiều bê bối truyền thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu Uber. CEO Jeff Bezos của Amazon thì bị mang tiếng là tạo ra văn hóa “gây tổn thương”, khiến nhiều nhân viên thường xuyên phải khóc ngay tại bàn làm việc.

Theo bình luận từ CEO Krister Ungerboeck của dịch vụ huấn luyện lãnh đạo Courageous Growth, có nhiều khả năng là cuốn tiểu sử “Steve Jobs” của Walter Isaacson đã tạo ra một nền văn hóa ngày càng gay gắt tại Thung lũng Silicon. Trong cuốn sách này, Isaacson kể lại rằng “những người nào không bị Steve Jobs nghiền nát thì sau cùng đều trở nên mạnh mẽ hơn”, và những người nào bị Jobs hành hạ nhiều nhất thì đều đạt được những thứ “mà họ chưa từng bao giờ mơ tới”. Nói tóm lại, một CEO có thể hành xử thế nào cũng được, miễn là đem lại kết quả kinh doanh xuất sắc.

Tuy nhiên, sự thực là nếu lãnh đạo cư xử thiếu suy nghĩ, thì sớm muộn công ty cũng phải trả giá, đầu tiên là về mặt nhân sự. Cuốn sách của Isaacson cũng kể rằng, những lời nói của Steve Jobs làm cho nhiều nhân viên của Apple không thể chịu nổi. Có người đã bỏ việc sau khi phải làm 10 tháng liền với tần suất 90 giờ/tuần, để đổi lại là được Steve Jobs nhận xét “chả có gì ấn tượng cả”. Nhà đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak từng kể rằng nhiều nhân sự sáng tạo nhất của Apple đã bỏ công ty và thề không bao giờ làm việc với Jobs nữa. Bản thân Wozniak cũng từng bị Jobs cắt xén suất tiền thưởng lúc 2 người mới bắt đầu làm việc cùng nhau.

Hoc cai hay, dung hoc cai do cua Steve Jobs
Steve Jobs từng bị buộc phải rời khỏi Apple do thiếu chín chắn về mặt lãnh đạo. Ảnh: pinimg.com

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng việc lãnh đạo thường xuyên chỉ trích nhân viên và đòi hỏi quá nhiều có thể khiến họ đâm ra mất động lực làm việc, cũng như dẫn tới đấu đá nội bộ. Tồi tệ hơn, những nhân viên này còn có thể bị rơi vào tình trạng trầm cảm, huyết áp cao, tăng cân, lạm dụng chất gây nghiện, và thậm chí đột tử.

Walter Isaacson bình luận: “Những ai cố gắng bắt chước Steve Jobs bằng cách hành xử thô lỗ hay hung hăng là những người không hiểu gì cả. Jobs làm vậy vì ông ấy hướng tới sự hoàn hảo”. Tuy nhiên, theo Krister thì đây vẫn chưa phải lời giải thích thỏa đáng. Jobs thường xuyên sỉ nhục hay thậm chí đuổi việc nhân viên trước mặt đông người, làm gia tăng tột độ sự xấu hổ của họ. Sự xấu hổ này có thể đẩy người ta đến tình trạng trầm cảm, nghiện rượu, béo phì và hành vi bạo lực, theo các nghiên cứu tâm lý cho thấy.

Theo Krister, bài học cần nhớ ở đây là: những ai mất niềm tin vào bản thân thì càng gặp khó khăn trong khả năng đưa ra lựa chọn tốt, cũng như phát huy năng lực của mình. Làm cho nhân viên cảm thấy bị sỉ nhục không phải là một phương pháp lãnh đạo hiệu quả, nếu không muốn nói là lười biếng. Việc mắng mỏ người khác chẳng cần kỹ năng gì đặc biệt cả, nhưng để lãnh đạo một cách bình tĩnh và tôn trọng người khác thì cần khá nhiều nỗ lực để trau dồi, cũng như sự trưởng thành về mặt nhận thức. Việc bắt chước lối hành xử của Steve Jobs trong khi không có tài năng kinh doanh như của ông là công thức dẫn tới thảm họa.

Hãy nhớ rằng, chính Steve Jobs cũng từng bị đuổi khỏi Apple vì hội đồng quản trị của công ty không chịu nổi thái độ của ông, cộng thêm thất bại thảm hại của dòng máy tính Macintosh do Jobs thiết kế theo ý mình. Sau này, khi trở lại với Apple, Jobs cũng đã thay đổi thái độ ít nhiều và biết hợp tác với mọi người nhiều hơn, thay vì chỉ biết khăng khăng ép buộc người khác như trước đây.

Tuấn Minh

Nguồn Quartz