Huy Vũ Thứ Ba | 13/03/2018 14:30

Haravan: Có bột mới gột nên hồ

Kế hoạch trong năm 2018 của Haravan là đưa định giá công ty lên hơn 30 triệu USD, tăng gấp 2 lần hiện tại.

Gần 2 năm trước, một công ty sản xuất lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh đến Haravan và đặt vấn đề cung cấp giải pháp tham gia thương mại điện tử cho họ. Công ty hiện có trong tay vài ngàn điểm bán lẻ và muốn thử nghiệm vài trăm điểm trong thời gian nhanh và hiệu quả về mặt nguồn lực sử dụng.

Đường đến chuyên nghiệp

“Đó là đề bài đối tác đưa ra cho Haravan lúc bấy giờ”, ông Huỳnh Lâm Hồ, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Haravan nói. Thách thức nhưng là cơ hội lớn dành cho Haravan để nâng cấp nhóm khách hàng mục tiêu trong thời gian tới. Quay về 4 năm trước, Haravan được thành lập là một công ty cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SaaS - Software as a Service), công ty chọn phân khúc làm website và tấn công vào thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các shop bán hàng trên mạng xã hội.

Qua thời gian phát triển, các dịch vụ cung cấp liên quan nhiều hơn đến quy trình vận hành của các doanh nghiệp nhưng cần các khách hàng có quy mô lớn hơn để chứng minh. Cơ hội đó đang ở trước mắt. Có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia đấu thầu vào lúc bấy giờ, ông Hồ nhớ lại, Haravan xếp chót bảng về lịch sử giao dịch với các khách hàng lớn. 

Trong thương mại điện tử bán lẻ có 2 yếu tố quyết định việc quay lại của khách hàng là thời gian giao hàng và giá bán của sản phẩm. Haravan tin rằng nếu xây dựng một hệ thống độc lập bao gồm kho nhận hàng và đội ngũ giao nhận riêng, chi phí bỏ ra sẽ rất cao và không đáp ứng được nhu cầu gia nhập thị trường trong thời gian ngắn của đối tác. Phát triển theo hình thức này cũng không đáp ứng được nhu cầu giao hàng trong ngày với giá như giá bán lẻ vì chi phí đầu tư cao.

Thay vào đó, Công ty xây dựng một hệ thống, tận dụng các điểm bán hàng trở thành các kho phân tán và nhân viên tại cửa hàng sẽ đảm nhận việc giao hàng. Khi khách hàng đặt trực tuyến, đơn hàng sẽ được phân bổ về điểm gần họ nhất. Đội ngũ vận hành cho bộ phận đó chỉ khoảng 10 người và được triển khai trong vòng 3 tháng.

Haravan: Co bot moi got nen ho
 

“Haravan đã được chọn vì biết lắng nghe và đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng kinh nghiệm triển khai dựa trên thực tế của Công ty. Tôi nghĩ đó cũng là điều cần thiết của bất kỳ doanh nghiệp nào khi muốn mở rộng danh sách khách hàng của mình”, ông Hồ nói. 

Không nằm ngoài dự tính, thành công với đối tác sản xuất đó đã mở rộng cánh cửa Công ty đến với doanh nghiệp có quy mô lớn ở Việt Nam, có thể kể đến như Biti’s, Thiên Long, siêu thị Aeon Mall... Ông Hồ cho biết, kế hoạch đưa định giá của Haravan lên hơn 30 triệu USD, gấp 2 lần hiện tại, trong năm nay là hoàn toàn khả thi. “Đối với một doanh nghiệp cung cấp phần mềm và giải pháp ở Việt Nam, đó là con số chúng tôi có thể tự hào”, ông Hồ nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, Haravan có khoảng 15.000 doanh nghiệp trả phí hằng tháng, quy mô từ cửa hàng kinh doanh trên mạng xã hội cho đến các công ty niêm yết. Ông Hồ từ chối chia sẻ về doanh thu hiện tại của Công ty. Theo ước tính của NCĐT, với mức phí thấp nhất là 3,6 triệu đồng/khách hàng/năm và cao nhất là 12 triệu đồng/khách hằng năm, giả sử tất cả khách hàng Haravan hiện nay đều sử dụng gói thấp nhất thì doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2017 không dưới 2 triệu USD.

Tham vọng xuất ngoại

Trước khi thành lập Haravan, ông Hồ từng làm Giám đốc Kỹ thuật của Điện Máy Xanh với mức lương thấp hơn ít nhất 4 lần so với thời điểm làm công ty gia công phần mềm chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ. Ông Hồ cho biết ông bị hấp dẫn bởi lời mời của ông Đinh Anh Huân (đồng sáng lập Thế Giới Di Động), về việc tích hợp công nghệ vào dự án của công ty bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhưng cái duyên của ông với Điện Máy Xanh chỉ được gần một năm. Sau đó ông Hồ thành lập Haravan cùng 3 người khác và nhà đầu tư đầu tiên là Seedcom của ông Huân. Sau vòng gọi vốn gần đây, Seedcom vẫn là cổ đông lớn nhất của Haravan nhưng ông Hồ khẳng định Haravan là công ty hoạt động độc lập.

“Tôi luôn muốn làm những giải pháp công nghệ có thể giúp cho doanh nghiệp Việt Nam làm thương mại, kinh doanh tốt hơn”, ông Hồ nói.

Cho đến nay, dù lợi nhuận chưa trừ chi phí của các công ty cung cấp phần mềm, giải pháp lên đến  hơn 40%, nhưng không nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam tham gia vì rào cản chi phí tham gia thị trường rất cao. Theo đó, chi phí nghiên cứu và phát triển thị trường đối với các doanh nghiệp mới tham gia lên đến hơn 50% tổng doanh thu. Công ty dẫn đầu ngành hiện nay trên thế giới là Shopify (Mỹ) vẫn đang đầu tư 30% cho nghiên cứu và mở rộng thị trường hằng năm.

DKT, một doanh nghiệp công nghệ có trụ sở ở Hà Nội, là doanh nghiệp đầu tiên tham gia thị trường. Thành lập vào năm 2008, DKT có 2 sản phẩm chính là Bizweb (cung cấp website hỗ trợ bán hàng) và Sapo (giải pháp quản lý sau bán hàng trên nền tảng điện toán đám mây). CyberAgent Ventures (Nhật) là nhà đầu tư tham gia vào DKT từ năm 2013. Ông Hồ thừa nhận trước đây từng có thời gian, Haravan nhìn các đối thủ ở thị trường Việt Nam để hoạch định chiến lược kinh doanh nhưng nay, góc nhìn này đã thay đổi.

Haravan: Co bot moi got nen ho
 

Theo ước tính của Google, Việt Nam có khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng giải pháp công nghệ trong kinh doanh. Do đó, nếu cộng luôn cả Haravan, DKT và các doanh nghiệp khác, thị phần dành cho các bên vẫn còn rất lớn.

Ông quan tâm hơn đến việc các doanh nghiệp ngoại đang chuẩn bị tấn công vào thị trường Việt Nam. Tại hội nghị ASEAN Connect 2018 được tổ chức bởi SingEX và HSBC ở Singapore hồi đầu tháng 3 vừa qua, Việt Nam là từ khóa được các doanh nghiệp công nghiệp bán lẻ lẫn công nghệ quan tâm nhiều nhất vì thị trường có rào cản ngành tương đối thấp và tốc độ tăng trưởng người sử dụng internet ấn tượng.

Điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ có nhiều cạnh tranh hơn trong thời gian tới trong khi miếng bánh thị phần không to hơn. Theo dự báo của Forrester Research, ước tính doanh nghiệp tư nhân và nhà nước ở Việt Nam sẽ chi khoảng 4,2 tỉ USD đầu tư giải pháp công nghệ trong năm 2018, chỉ tăng khoảng 4,9% so với năm 2017 và là mức chi tiêu xếp gần cuối bảng so với các nước trong ASEAN.

Khi không thể ngăn việc doanh nghiệp đối thủ vào Việt Nam, Haravan phải tìm cách thâm nhập lại thị trường đối thủ, trước mắt là Indonesia và Philippines. Mặt khác, với lợi thế phân phối và sử dụng qua internet, đây cũng là công thức chung để các công ty cung cấp phần mềm dịch vụ SaaS tăng doanh thu và tăng giá trị doanh nghiệp.

Hiện Haravan đã có các đối tác chiến lược toàn cầu để thực hiện kế hoạch xuất ngoại. “Ở Đông Nam Á, lĩnh vực Haravan tham gia chưa có người dẫn đầu. Đây quả thực là một thử thách hấp dẫn”, ông Hồ hào hứng chia sẻ.