Đứng thứ 3 trên thị trường hàng hóa thế giới về xuất khẩu cà phê, thế nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam lại hiếm được người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Ảnh: Phúc Sinh cung cấp.

 
Nguyễn Hằng Thứ Tư | 14/08/2024 09:50

Hành trình bền vững của Phúc Sinh

Việc phát hiện ra những hạt cà phê Sơn La đã trao cho ông chủ của Phúc Sinh cơ hội thay đổi chuỗi cung ứng cà phê đặc sản tại Việt Nam.

Nhấp ngụm cà phê được pha từ những hạt xanh mang về từ vùng đồi núi Sơn La ở phía Bắc, ông Phan Minh Thông, sáng lập kiêm CEO của Công ty Cổ phần Phúc Sinh, bỗng thấy như có một luồng sinh khí vừa chảy khắp người. Ông cảm nhận rõ ràng trên đầu lưỡi vị thanh, vị ngọt, vị của những loại quả mọng tươi mới của loại hạt arabica hiếm thấy ở Việt Nam, nơi phần lớn cà phê là giống robusta.

Từ đó, bản đồ thế giới thêm một chỉ dấu về cà phê đặc sản (specialty coffee) là Việt Nam và danh mục cà phê đặc sản trên sân chơi toàn cầu có thêm cái tên Blue Sơn La của Phúc Sinh. Đó là câu chuyện của 7 năm về trước.

Theo đuổi cà phê đặc sản

Đứng thứ 3 trên thị trường hàng hóa thế giới về xuất khẩu cà phê, thế nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam lại hiếm được người tiêu dùng trên thế giới biết đến, càng không có ý niệm nào về cà phê đặc sản có xuất xứ từ vùng đất này. Việc phát hiện ra những hạt cà phê Sơn La đã trao cho ông Phan Minh Thông cơ hội thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng cà phê đặc sản tại Việt Nam, từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

Phúc Sinh không phải là người đầu tiên giới thiệu khái niệm cà phê đặc sản tại Việt Nam, cũng không phải là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp cà phê xay nguyên chất ra thị trường nội địa. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh làm ở quy mô sản xuất lớn thì Phúc Sinh có thể được xem là người tiên phong. Trước đây, người trồng arabica, loại cà phê thường có giá cao hơn 25-30% so với robusta trên sàn giao dịch thế giới, ở Sơn La phải bán loại hạt này với giá robusta cho thương lái. Có khi những bao cà phê này được vận chuyển đến tận Tây Nguyên để trộn lẫn với hạt được thu hoạch tại vùng đất đỏ bazan để bán. “Mà cà phê Sơn La có dở đâu, rất ngon là đằng khác”, ông Thông xót xa.

Việc chuyển hướng kinh doanh B2C không dễ dàng với vị CEO đã có gần 2 thập kỷ thành công trong giao dịch B2B, cho dù là kinh doanh sản phẩm mà ông rất thân thuộc là cà phê. Nhà máy chế biến đầu tiên đặt tại Đắk Lắk phải dọn đi sau 3 năm. “Chúng tôi không lường trước được những bất lợi”, ông Thông nói về việc thiếu đầu vào ngay tại vùng nguyên liệu, cũng như việc nhà máy không được cộng đồng chào đón vì đặt gần khu dân cư. Những kinh nghiệm học được, ông áp dụng cho nhà máy mới được xây dựng năm 2017 tại Sơn La.

Khoản đầu tư 100 tỉ đồng cho nhà máy có công suất 20.000 tấn cà phê tươi và Công ty Phúc Sinh Sơn La đã kéo dài thời gian hoàn vốn hơn dự định. Vị CEO của Phúc Sinh mất 6 năm để chứng minh quyết định theo đuổi việc xây dựng và chế biến cà phê Sơn La là đúng. Đến nay, mỗi năm 8.000 tấn cà phê Sơn La thu hoạch được bán cho Phúc Sinh với mức giá tăng gấp đôi.

Bí quyết kinh doanh: giữ chữ tín

Khởi nghiệp vào năm 2001 ở độ tuổi 25, vị doanh nhân đến từ Hải Phòng đã gầy dựng doanh nghiệp nhỏ vỏn vẹn 3 nhân sự vào năm 2001 thành hệ thống 6 công ty, 7 nhà máy với quy mô nhân sự tăng lên 650 người.

Kinh doanh hàng hóa trong ngành nông sản chưa bao giờ dễ dàng. Trong 23 năm qua, ông Thông chứng kiến nhiều không kể xiết số lượng những doanh nghiệp nội và ngoại phá sản. “Nếu hỏi tôi năm nào là khó nhất, thì tôi sẽ trả lời năm nào cũng khó”, ông nhiều lần viết trên những trang sách về các giai đoạn khó khăn khi giá tiêu, cà phê tăng trong khi chốt giá bán thấp hay về giai đoạn dịch COVID-19 đầy bi quan.

Thế nhưng, điều lạ là càng trong nghịch cảnh, Phúc Sinh càng tăng trưởng. Khi COVID-19 bắt đầu vào năm 2019, Công ty tăng 140% doanh thu trong lúc bắt đầu tình trạng ngăn sông cấm chợ. Khi gặp khủng hoảng về danh tiếng năm 2016 vì một thông cáo báo chí chưa được xác minh, ông vua hồ tiêu đã không phá sản mà thậm chí còn lội ngược dòng sau đó với kết quả kinh doanh tăng 50% vào năm tiếp theo.

Ảnh: Phúc Sinh cung cấp.
Phúc Sinh không phải là người đầu tiên giới thiệu khái niệm cà phê đặc sản tại Việt Nam, cũng không phải là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp cà phê xay nguyên chất ra thị trường nội địa. Ảnh: Phúc Sinh cung cấp.

Vị doanh nhân đam mê viết lách đã không giữ riêng bí quyết thành công của mình mà ông chia sẻ rất nhiều lần trên những trang giấy của 2 cuốn sách đã được xuất bản: “đầu tư” và “giữ chữ tín”. Mặc dù vốn điều lệ gần 500 tỉ đồng, Công ty được cấp hạn mức tín dụng lên đến hàng ngàn tỉ đồng sau chục năm hoạt động nhờ việc minh bạch hoạt động kinh doanh. “Chúng tôi sớm làm việc với kiểm toán, sau này là Big 4. Nhờ vậy, chúng tôi dễ dàng thuyết phục đối tác và ngân hàng cấp vốn hơn”, ông Thông nói về việc minh bạch sổ sách. Không những vậy, việc minh bạch đã tạo môi trường làm việc lành mạnh hơn cho chính nhân viên trong Công ty như chia sẻ của Giám đốc Tài chính Vũ Phạm Thu Vân, người gia nhập Phúc Sinh từ những ngày đầu tiên. “Tôi có thể yên tâm làm việc lâu dài”, bà Vân nói về hệ thống kế toán tường minh.

Bước vào hành trình bền vững

Khi nói đến phát triển bền vững, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dường như đã đi trước các doanh nghiệp nội địa rất xa. Điều hạn chế doanh nghiệp Việt là dư địa tài chính hạn hẹp và khác biệt về ưu tiên. Trong khi các tập đoàn nước ngoài có nguồn vốn mạnh để tài trợ và đặt ưu tiên cao cho những hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, sau này là ESG, thì doanh nghiệp Việt với tuổi đời non trẻ trên dưới 20-30 năm chật vật với bài toán sống còn. 

Phúc Sinh cũng không ngoại lệ vào thời điểm họ đặt chân lên con đường theo đuổi cái sau này được chính thức gọi tên là phát triển bền vững vào năm 2011. “Nếu được lựa chọn, tôi đã chọn con đường dễ dàng hơn”, ông Thông nói với NCĐT. Tất nhiên, chữ “nếu” đó đã không có điều kiện xảy ra và hầu hết những bước ngoặt dẫn Phúc Sinh đến vị trí dẫn đầu sau này đều bắt nguồn từ sức ép bên ngoài.

“Tôi không có đường lùi khi bắt đầu Phúc Sinh, vì vậy phải tiến lên phía trước”, trong một cuộc phỏng vấn, ông Thông đã kể về những ngày đầu lập nghiệp ở thành phố 1.200 km xa quê hương Hải Phòng của ông. Ba mẹ ông, những người làm công ăn lương bình thường, vốn không có tài sản để dành cho đàn con 7 người. Mặc dù không dư dả nhiều, ba mẹ ông đã nỗ lực để 5 người con tốt nghiệp đại học, một thành tựu không nhiều gia đình đạt được vào những năm đầu 1990.

Khi guồng máy kinh doanh bắt đầu chạy trơn tru thì vào năm 2008, ông Thông nhận được đề nghị theo đuổi Rainforest Alliance (RA), một chứng nhận về nông nghiệp bền vững, từ đối tác Hà Lan. Vào thời điểm đó, châu Âu là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu chính của Phúc Sinh và họ đã ra quy định kể từ năm 2015 hàng hóa nông sản muốn bán được giá cao thì phải có chứng nhận RA. “Nếu không làm, chúng tôi sẽ mất thị trường này”, ông Thông hồi tưởng lại quyết định đầu tư 5 tỉ đồng ròng rã trong 3 năm, một khoản tiền tương đương 5 lô đất Phú Mỹ Hưng thời ấy.

Đặt trọng tâm vào con người

Một năm, ông Thông có đến nửa thời gian sống trên những chuyến bay để thăm khách hàng khắp hành tinh. Việc ông có thể dành nhiều thời gian bên ngoài như vậy là nhờ vào hậu phương vững chắc, người vợ cũng là cộng sự đã ở bên cạnh ông suốt 23 năm qua.

Trong số 3 người đầu tiên làm việc với ông Thông, 2 người vẫn còn ở lại cho đến hôm nay. Là một người đam mê viết lách, ông chủ của Phúc Sinh đã truyền cảm hứng cho cộng đồng qua 2 cuốn sách đã được xuất bản. Không ngạc nhiên khi chính nhân viên của anh cũng được tiếp lửa. “Tôi luôn nhận được sự truyền cảm hứng từ người lãnh đạo”, bà Phạm Mến Thương, Giám đốc Điều phối hàng hóa, người đã lưu lại Phúc Sinh trong suốt bề dày lịch sử 23 năm, cho biết. “Anh hay chia sẻ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm giúp nhân viên phát triển toàn diện, làm việc chủ động và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc”, bà Thương nói thêm.

Giống như nhiều công ty toàn cầu, ông Thông đặt trọng tâm của mình vào con người. “Con người luôn được quan tâm hàng đầu thông qua chế độ chính sách và đãi ngộ”, Giám đốc Nhân sự Nguyễn Thị Bích, người đã có 12 năm gắn bó với Phúc Sinh, cho biết. Nhân viên có thể chủ động và sáng tạo trong công việc mà không có bất kỳ giới hạn nào.

Có nhiều sự tò mò về văn phòng làm việc 5 tầng của Phúc Sinh trên đường Võ Văn Kiệt, văn phòng được bà Thương mô tả là “đẹp như một bảo tàng nghệ thuật”. Ví von như vậy là vì văn phòng được thiết kế mở này treo nhiều bức tranh đẹp không kém gì một gallery tranh, bởi ông Thông cũng là một người chơi tranh. Trong số những bức tranh này, có một bộ sưu tập tuy không cao về giá trị nhưng lại có ý nghĩa rất lớn với người chủ của tòa nhà: bộ sưu tập tranh sơn dầu của cô con gái 7 tuổi. “Cô bé không bị ép buộc, bé tự thích vẽ như vậy đó”, ông Thông không giấu nổi niềm tự hào khi giới thiệu những bức tranh khổ nhỏ với màu sắc mạnh mẽ của cô con gái treo dọc theo cầu thang.

Bên cạnh căn phòng họp 8 chỗ ngồi trên tầng áp mái là một căn phòng nhỏ lúc nào cũng sực nức mùi cà phê mới rang, trong đó 5-6 chuyên gia về cupping đều đặn nếm thử chất lượng của những mẻ cà phê được nhập đến.

Khách đến Phúc Sinh khi chọn trà sẽ được mời một ly trà màu hổ phách ngọt nhẹ, món trà cascara trứ danh của Phúc Sinh làm từ vỏ quả cà phê chín mọng được hái từ những ngọn đồi cà phê trập trùng trong sương của miền núi Sơn La. 

Đưa lên miệng ly trà còn vương những ngọn khói nóng, ông Thông nháy mắt: “Một ly cascara nóng mỗi sáng sẽ giúp duy trì cân nặng và có làn da mịn màng”. 

Có thể bạn quan tâm 

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp kỳ vọng ở mức 33%