jabil.com

 
Đức Tài Thứ Năm | 14/09/2017 08:30

E-commerce và in 3D: Động cơ mới cho xuất khẩu

Việt Nam đang có ưu thế về xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nhưng giá trị gia tăng chưa cao, do thiếu hàm lượng tri thức và yếu tố sáng tạo.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới dây chuyền công nghệ, các nhà máy sản xuất công nghiệp thông minh với nền tảng công nghệ tự động hóa, tạo “bước nhảy vọt” về sản xuất công nghiệp với những sản phẩm chất lượng cao hơn, cạnh tranh, thời gian giao hàng nhanh và số lượng đơn hàng nhiều hơn. Việt Nam hiện đang có ưu thế về xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp như dệt may, da giày, linh kiện điện tử nhưng giá trị gia tăng chưa cao, do chưa có nhiều hàm lượng tri thức và yếu tố sáng tạo. Do đó, trước sự đổ bộ của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt liên tục thất thế ngay trên sân nhà chứ chưa nói cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo kết quả khảo sát về động lực mua hàng trong ngành công nghiệp được Công ty Logistics UPS Việt Nam công bố, sẽ có 5 yếu tố cốt lõi mà doanh nghiệp châu Á và Việt Nam cần phải chú trọng để có thể tạo nên ưu thế trong cạnh tranh gồm: thương mại điện tử (e-commerce), tính năng tương tác cá nhân, dịch vụ hậu mãi, uy tín và chất lượng cũng như công nghệ in 3D.

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua ứng dụng các kênh trực tuyến và mua sắm di động và đã bỏ xa Mỹ và châu Âu. Cụ thể, nếu như tại Mỹ và châu Âu, tỉ lệ người sử dụng các ứng dụng di động để mua sắm lần lượt là 30% và 17%, thì tại Trung Quốc, con số này đã lên tới 43%. Mặc dù Mỹ và châu Âu là những điểm đến sáng giá cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nhưng hầu hết 2 thị trường này tập trung chủ yếu bởi các doanh nghiệp là các nhà cung cấp truyền thống và đang tụt hậu về kỹ thuật số.

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hoạt động giao dịch mua bán trực tuyến cũng nhộn nhịp hơn bởi nhu cầu tương tác cá nhân trực tiếp. Trong khi thị trường châu Âu còn khá “truyền thống” khi nhu cầu mua sắm qua thư điện tử còn khá cao, tại Trung Quốc và Mỹ kênh mua sắm thông qua đại điện bán hàng của doanh nghiệp đang có sự tăng trưởng rõ rệt. Đáng chú ý có đến 93% người mua tại Trung Quốc đòi hỏi được tương tác cá nhân trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ trước khi thực hiện hành vi mua sắm.

E-commerce va in 3D: Dong co moi cho xuat khau

Ở đây, có thể thấy lòng tin của khách hàng đang cần được củng cố và nâng cao đối với doanh nghiệp bởi hầu hết người mua lựa chọn mua sắm cần được hỗ trợ, tư vấn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến sản phẩm một cách nhanh chóng nhất. Điều này khẳng định tương tác cá nhân trực tiếp giữ vai trò quan trọng đối với những nhà sản xuất Việt Nam muốn mở rộng quy mô kinh doanh sang các thị trường này. Đây cũng là cơ hội của các nhà sản xuất Việt Nam hỗ trợ cải thiện năng suất cho đội ngũ kinh doanh bằng cách cung cấp trước những câu hỏi thường gặp liên quan đến sản phẩm trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Tại Việt Nam, những tranh cãi xung quanh việc “mang con bỏ chợ” của các doanh nghiệp đối với khách hàng vẫn còn diễn ra. Và đây lại là một trong các yếu tố mà có thể sẽ quyết định sự thắng bại của doanh nghiệp Việt tại thị trường quốc tế bởi vấn đề quyền lợi luôn được đòi hỏi hầu hết ở bất cứ hoạt động giao dịch mua bán nào. Có ít nhất 1/3 người tiêu dùng tại Trung Quốc mong muốn được hưởng chính sách trả hàng và tại Mỹ có đến 43% lượng người có nhu cầu này.

Đi kèm với dịch vụ hậu mãi là vấn đề chất lượng sản phẩm. Theo kết quả khảo sát, tỉ lệ khách hàng đánh giá cao chất lượng sản phẩm trong quyết định mua sắm tại Trung Quốc là 55%, tỉ lệ này tại Mỹ và châu Âu lần lượt là 72% và 67% chủ yếu lựa chọn các nguồn hàng sản xuất trong nước. Như vậy, trong khi Mỹ và châu Âu có tỉ lệ tín nhiệm hàng nhập khẩu nước ngoài còn thấp, thì nhu cầu này tại thị trường Trung Quốc chiếm đến 45%. Giá cả, chất lượng và khả năng dễ dàng trao đổi khi giao dịch được cho là 3 nguyên nhân chính khiến người Trung Quốc tiêu thụ hàng trong nước mạnh với tỉ lệ lần lượt là 64%, 46% và 45%.

Yếu tố cuối cùng được kết quả khảo sát đánh giá cao là các dịch vụ giá trị gia tăng như công nghệ in 3D - một trong những yếu tố giúp nhà sản xuất của Việt Nam trở nên nổi bật hơn trong thị trường đầy cạnh tranh. Theo khảo sát, dịch vụ in 3D sẽ giúp gia tăng hấp dẫn của sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng, tính cá nhân hóa và khả năng thực hiện những yêu cầu khẩn cấp.

Một trong những tác động lớn nhất của cách mạng công nghiệp đến xuất khẩu của Việt Nam là làm dịch chuyển xuất khẩu thông qua phát triển sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần tăng khả năng xuất khẩu sang thị trường quốc tế với giá trị gia tăng cao hơn. Ông Daryl Tay, Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam, cho biết: “Mỹ, châu Âu và Trung Quốc hiện vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của các nhà sản xuất Việt Nam. Các hiệp ước thương mại tự do thế hệ mới (FTA), như Hiệp ước Thương mại Tự do Việt Nam - EU và Khu vực Tự do Thương mại ASEAN, hứa hẹn sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư, cũng như cải cách hành chính tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi dự đoán các nhà sản xuất Việt Nam sẽ đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu”.

Đức Tài